Khi tôi viết những dòng này, tôi không mong mình là người đoạt giải. Đơn giản là tôi chỉ muốn chia sẻ những tình cảm yêu mến vô bờ với chú Ánh, với những đứa con tinh thần mà chú đã tạo ra cho tôi nói riêng và cho các độc giả khác nói chung.
Theo xu hướng của thời đại, người ta ít chú trọng đến đề tài tuổi thơ, thay vào đó là viết về xã hội, về cuộc sống bon chen, ngột ngạt, đầy rẫy những lọc lừa, những yêu thương bị mang ra cân mua đong đếm… Ấy vậy mà chú - thần tượng của tôi thì ngược lại. Chú đã mở cánh cổng vào tuổi thơ và sẵn sàng phát vé vô điều kiện, khiến cho cuộc sống này bớt ngột ngạt và dễ chịu hơn nhiều. Một ngày dài làm việc mệt nhọc, một ngày dài với những lịch học được xếp đặt triền miên... mà tối về được vùi đầu vào những trang sách mộng mơ của chú thì những mệt mỏi kia lập tức tan biến.
Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi biết đến chú là vào những năm học đầu cấp ba qua tác phẩm Bàn có năm chỗ ngồi - đó là cuốn sách mà thầy giáo thực tập đã tặng cho tôi. Nông thôn mà , nên lúc đầu cầm trên tay cuốn sách, tôi đã đọc ngấu nghiến, chỉ để thoả mãn cơn thèm khát mà thôi. Tôi bị cuốn hút vào giọng văn hài hước, ngộ nghĩnh và đầy chất thơ của chú. Kết thúc cuốn truyện cũng là kết thúc cái suy nghĩ lông bông của tôi suốt một thời thơ dại, đó là tìm cho mình một thần tượng để làm điểm tựa đến tương lai. Giờ thì tôi không đọc sách chú theo cách đó nữa, mà đọc với một niềm đam mê thật sự, nghĩ mình phát cuồng vì những cuốn truyện của chú cũng nên.
Cũng trong thời gian đó, tôi tiết kiệm tiền để đi thuê truyện. Bập bẹ tìm về những tập lẻ của truyện Kính vạn hoa bởi đã trót mê thi sĩ Quý ròm cùng với những thí nghiệm vui về hoá học. Lại còn hay bày trò cùng tụi bạn làm thám tử giải mật mã như các bạn Hạnh, Tiểu Long, Mạnh và Quý ròm nữa chứ.
Lấy gương chú mà học tập, năm lớp 11 tôi lại được học sinh khá, thầy giáo tôi thưởng cho cuốn sách thứ hai: Còn chút gì để nhớ. Nghe tên truyện cũng đủ thấy nội dung hấp dẫn rồi. Nhưng ngặt nỗi, bữa đó không phải là ngày chủ nhật. Sợ đọc truyện sẽ bị người lớn mắng, vậy là tôi chui tọt vào nhà vệ sinh, khóa trái cửa rồi ngồi trong đó đọc. Báo hại, không biết do mệt vì áp lực của việc học hay do nội dung truyện đầy chất thơ mà khiến tôi mơ màng rùi... ngủ luôn trong đó. Đến bữa cơm, đứa em đi tìm chẳng thấy đâu ghé vô nhà vệ sinh, đập cửa... thấy tôi đã được một giấc ngon lành. Sau trận đó, tôi bị cấm đọc truyện một thời gian. Hu hu!
Nhưng
hên cho tôi, ba mẹ nuôi người Pháp biết chú là thần tượng của tôi nên đã nhờ bạn
bè của ba mẹ bên Việt Nam đi mua cho tôi bao nhiêu là sách của chú. Nào Trại hoa vàng, Thiên thần nhỏ của tôi, Bong
bóng lên trời, Cô gái đến từ hôm qua, Những cô em gái, Nữ sinh, Hạ đỏ...
Đọc Còn chút gì để nhớ của chú mà thương nhân vật Chương quá đỗi. Vì di chứng của lịch sử mà anh phải chịu sự lạnh nhạt của những người anh yêu quý. Còn đọc Mắt biếc tôi lại thương Ngạn vì tấm chân tình suốt hai mươi năm không một lần được đáp lại, thương Hà Lan bị phụ bạc bởi người tình… Buồn quá !!! Nhưng có lúc tôi lại thấy mình như là “thằng qủy nhỏ”, cũng bày trò nghịch ngợm hết chê luôn. Tôi học “thi sĩ” Lâm hay làm thơ châm biếm, luôn là trung tâm của những trò dại chẳng giống ai. Rồi tôi cũng lập bút nhóm viết bài cho báo, với những bút danh mượn từ tên nhân vật trong truyện của chú, nào là Tài Khôn, Mắt Biếc, Cỏ Phong Sương, Lãnh Nguyệt Hàn... chao ôi ... tôi không thể kể hết.
Nhớ một ngày tháng năm của mùa hè năm ngoái, chú ra Hà Nội kí tặng độc giả tại nhà sách Thăng Long. Tôi đạp xe từ Lĩnh Nam qua đó, hẹn đứa bạn thân học sư phạm đi xe buýt từ Vĩnh Phúc lên. 7 giờ phục kích mà đã thấy fan xếp hàng dài, tay ai cũng ôm cả đống sách, hu hu. Xếp hàng cùng các bạn mà miệng tôi liên hồi đếm bước: “nàng ơi, còn 100 bước nữa ta đối diện chú Ánh rùi”,“nàng ơi, cỏn 98 bước… sao mà vui quá xá”, “74 bước, lâu quá, chờ đợi là hạnh phúc”, “50 bước... ôi nàng đâu rùi nhỉ”... Té ra con bạn nghe tôi kêu hoài sốt ruột nên dùng mỹ nhân kế để lẻn lên trên, bỏ xa tôi một hàng dài. Hức hức!
Bữa
đó hai đứa tôi cầm trên tay cuốn Có hai
con mèo ngồi bên cưả sổ còn thơm mùi chữ kí mà cười hả hê, khoái chí, mặc
dù lúc đó kim chỉ giờ đã điểm đến 11 giờ trưa. Mệt nhưng mà vui. Về đến nhà hai
đứa vùi đầu vào sách. Đến đoạn kết thúc khóc như mưa. Cứ ngỡ Gấu Hoa sẽ về cùng
Mèo Gấu, ai ngờ... trong tim mình len lỏi một nỗi đau.
Sau đó, mỗi tháng tôi dành ra một số tiền để mua truyện của chú, đến bây giờ cũng gần đủ cho bộ sưu tập rồi. Cũng nhờ chú Ánh mà tôi mê Ngô Thụy Miên, Cung Tiến, Đinh Hùng... Ngày tôi lìa tục xuất gia, mượn lời thơ chú tôi đã... than “Tôi là hòn sỏi buồn. Lăn qua cuộc đời bằng những vòng hiu quạnh. Chiều nay chợt biết chỗ dừng chân”. Chỗ dừng chân bây giờ của tôi là nhà Như Lai, nhưng tôi vẫn không thôi gắn bó với truyện của chú.
Bởi nếu không có những cuốn sách viết về tuổi thơ của chú thì có lẽ tôi đã quên mình từng có những kí ức đẹp như thế nào. Mỗi cuốn sách chú viết ra là một mảnh ghép tạo nên một bức tranh về tuổi thơ vô cùng đẹp... mà tôi tin những ai đã đọc qua đều thấy có mình là một phần trong đó.
Cảm ơn chú - hoàng tử bé trong
thế giới tuổi thơ.
(Hà Nam)