Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Sách Việt tôi yêu: Mắt biếc
Cập nhật ngày: 10/05/2011

Bạn đã bao giờ đọc một cuốn sách bốn lần trong ba năm, mà mỗi lần, cảm xúc của bạn vẫn vẹn nguyên? Bạn đã bao giờ đau thắt lòng trước nỗi đau của nhân vật, để rồi, ứa nước mắt trước những lời tâm sự tỉ tê? Đó là những gì tôi đã trải qua khi đọc “Mắt Biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta không còn ai xa lạ với cái tên Nguyễn Nhật Ánh với những tác phẩm quen thuộc như: “Bồ câu không đưa thư”, “Mắt Biếc”, “ Hạ buồn”, “Cô gái đến từ hôm qua”,… và mới nhất là “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Đảo mộng mơ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Lối viết dí dỏm, sâu sắc mà cũng thật gần gũi của ông đã nhanh chóng đi vào lòng người đủ mọi lứa tuổi.

Lớp năm, tôi đã không khỏi bật cười khi lần đầu tiên đọc “Chú bé rắc rối”. Và rồi, hành trang thời niên thiếu của tôi ngày một nhiều thêm những tiếng cười, những suy nghĩ vu vơ cùng trang sách của Nguyễn Nhật Ánh. Lớp mười, khi áo dài trắng theo bước chân tôi đến trường là lần đầu tiên tôi biết đến “Mắt Biếc” và cũng là lần đầu tiên tôi biết khóc cùng những dòng thơ dang dở, những câu hát từ trái tim của nhân vật tôi – Ngạn.

“Mắt Biếc” là một câu chuyện tình buồn, và kết thúc của nó cũng thật buồn, buồn đến nao lòng. Ẩn chứa trong đó là một bài học sâu sắc về tình yêu quê hương, xóm làng.

Ngôi làng trong truyện là một ngôi làng miền núi nghèo nhưng mạnh mẽ - làng Đo Đo – sinh ra những đứa con mạnh mẽ (hay đã từng?): Ngạn, Hà Lan, Trà Long, thằng Hòa, chị Quyên,... Thế nhưng, cuộc sống đẩy đưa, những đứa con làng Đo Đo không hẹn mà lũ lượt rời bỏ làng quê, rời bỏ mảnh đất nghèo nàn, rời bỏ những trò chơi thời còn thơ dại, đi tìm những chân trời mới… không bận lòng máu mủ quê hương. Đứa con ra đi sớm nhất, tìm đến thú vui thành thị, tìm đến ánh đèn màu sớm nhất là Hà Lan – cô bé Mắt Biếc trong lòng Ngạn. Cô bé ra đi như cây bật rễ, không biết có chốn nương nhờ trước gió bão? Hà Lan ra đi, tình cảm trong sáng của cô dành cho Ngạn, cho làng quê cũng dần ra đi. Trước sự thay đổi của cô bạn nhỏ, trước cái cách cô đang sa ngã bởi lối sống thị thành, Ngạn không thể làm gì. Anh để con tim mình mặc nhiên thổn thức với tiếng đàn. Biết làm gì hơn khi tiếng gọi quê hương không kéo nỗi bước chân người về?

Xuyên suốt câu chuyện là sự kéo dài và lặp lại của tuổi thơ. Tuổi thơ trong trẻo tiếng cười và mơ mộng, những con thú bằng đất ngộ nghĩnh; hoa quỳnh, hoa cúc bằng vỏ thị;bát canh hoa thiên lý; những trận “đánh nhau nảy lửa” trên sân trường; những quả trứng chim trên mái hồi; tiếng xào xạc lá tre; những cành chà là đầy gai; bông dủ dẻ thơm ngát; rừng sim; quả trâm tím;… Tuổi thơ hiện về trong nỗi nhớ của nhân vật tôi, Ngạn. Tuổi thơ đầy thương tích sau những lần “tả xung hữu đột”, tuổi thơ có mùi dầu cù là của Mắt Biếc… Và khi Trà Long, đứa con lỡ lầm của Hà Lan ra đời, tuổi thơ lại một lần nữa lặp lại, tinh khôi như mười bảy năm trước.

Cuộc đời Ngạn, là những tháng ngày tuổi thơ ngự trị: tuổi thơ mà Ngạn đã thực sự đi qua, tuổi thơ trong nỗi nhớ nhung khi anh xa quê, tuổi thơ quay về với hiện thân của Hà Lan ngày còn thơ dại – Trà Long. Qua ngòi bút của tác giả, tuổi thơ như gắn liền với tiếng thở dài của những người bà, người mẹ, người cha, người thầy,… như tiếng thở dài của quê hương mong mõi những đứa con trở về…

Tôi nhớ mãi những câu văn nhẹ như lời nỉ non: “… biết rằng mình đã ở quá xa sân ga của tuổi nhỏ”, “Những vết thương thể xác bao giờ cũng chóng lành. Có phải vậy không, Mắt Biếc?”, “… sau cánh chim, ráng đỏ cứ cháy lên thổn thức”, “Tôi lững thững đặt chân trên những lối mòn quen thuộc, nghe tiếng lá khô vỡ dưới gót giầy, lòng cứ ngỡ chiều đi xào xạc”, “Ai nhặt được mùa hè tôi đánh mất/ Xin trả lại cho tôi/ Xin trả lại cho người tôi yêu/ Dẫu chỉ là xác con ve sầu chết khô.”,…

Tôi không đọc “Mắt Biếc” dưới con mắt của một người yêu văn hay một nhà nghệ thuật. Tôi đọc nó bằng trái tim của một đứa con gái mới lớn, với biết bao ước mơ và hi vọng khi sắp bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Câu chuyện là một hành trang tin thần của tôi, nó như lời nhắc nhở về quê hương, về gia đình, về tình yêu trong sáng và sự thủy chung sâu sắc. Và mãi về sau này, khi tôi đã là sinh viên, là cô giáo tương lai, câu chuyện vẫn mãi trong lòng tôi và không ngừng lên tiếng nhắc nhở, nhắc nhở về những cám dỗ nơi thị thành, nhắc nhở rằng “đường đời lắm kẻ giương cung”.

Bạn đã bao giờ bạn giật mình khi nhận thấy rằng mình đã quên mất vị nắng, hương gió của quê hương để mà giờ đây đang mải mê ngắm nhìn ánh đèn màu hay đang ngẩn ngơ trước mùi hương quyến rũ của Dolce & Gabbana, Giorgio Armani hay Lacoste? Bạn đã bao giờ giật mình khi nhận thấy mình đã quên mất vị đăng đắng của bát canh rau “tạp tàng” mà mẹ hay nấu để mà giờ đây quen miệng món hamburger, trà sữa trân châu? Bạn đã bao giờ quên mất tiếng cười trong trẻo của cô bạn ngày xưa để mà giờ đây vô tình gặp nhau trên phố chỉ trao nhau cái gật đầu xã giao? Đừng là Hà Lan, vội vàng rời quê như cây bật rễ, hãy là Ngạn, là Trà Long yêu quê hương như muôn thú yêu rừng, như cỏ yêu sương…

Ai cũng có những ước mơ, hoài bão.Và ai cũng phải chấp nhận sự thật rằng “tôi đã khác tôi xưa”. Thế nhưng, chúng ta chỉ là một cánh chim nhỏ. Không ai trách ta khi ta liều lĩnh tung cánh bay thật xa, nhưng họ sẽ đau biết bao khi thấy phía trước, mây đen đang kéo tới. Thế thì, cánh chim nhỏ ơi hãy bay chậm lại, hãy để khối óc luôn hướng về phía trước nhưng trái tim luôn ngoái lại nhìn tổ. Vì ta biết rằng, nơi đó có gia đình đang hướng cả con tim và khối óc về phía ta. Và nơi đó, có tiếng cười trong trẻo của tuổi thơ, có tình cảm ban sơ của người bạn bé nhỏ…

TƯỜNG VI (ĐH Sư phạm TP.HCM)

Mời các bạn đoàn viên, thanh niên và độc giả yêu sách tham gia cuộc vận động bình chọn quyển sách yêu thích với chủ đề “Sách VIệt tôi yêu” do Thành Đoàn phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Tất cả mọi người yêu sách, không giới hạn độ tuổi, đều có thể tham gia bình chọn. Người tham gia bình chọn giới thiệu tối đa 5 quyển sách mình yêu thích, trong đó chọn lọc và viết cảm nhận, ấn tượng của mình về 1 quyển sách yêu thích nhất (không quá 1.500 từ)
Hạn chót nhận bài ngày 31/5/2011. Mọi thư từ, bài viết xin gửi về Ban Tuyên giáo Thành Đoàn, số 1, Phạm Ngọc Thạch, quận 1; ĐT: 38.298.669; email:tuyengiaothanhdoan@gmail.com. (Bạn đọc nhớ ghi địa chỉ, số điện thoại, email, đơn vị công tác,.. để Ban tổ chức dễ dàng liên lạc).

Các Tin Tức Khác