Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Dịch giả khiếm thị Trần Hữu Kham: "Còn một đôi mắt thứ hai"
Cập nhật ngày: 16/01/2007

 
Với Nhật ký Nancy, dịch giả Trần Hữu Kham đã ghi một dấu ấn tốt đẹp đối với người đọc. Bởi chuyển ngữ một tác phẩm văn học không phải việc mà bất cứ ai cũng làm tốt, nó đòi hỏi sự thông thạo cả ngôn ngữ và văn hóa của nước bạn, kèm theo đó là sự thông thuộc ngôn ngữ và văn hóa của chính dân tộc mình, điều mà nhiều người dịch hầu như không chú trọng. Với 17 đầu sách đã ra mắt, dịch giả Trần Hữu Kham đã lao động miệt mài bên máy tính với cường độ cao hơn hẳn, bởi anh là một người khiếm thị. Cuộc trò chuyện sẽ khiến chúng ta nhìn rõ hơn về một con người không đầu hàng số phận...

 * Anh đã bắt đầu công việc dịch thuật như thế nào?

- Tôi bắt đầu dịch Truyện cổ nước Anh đầu năm 1985, khi vừa tốt nghiệp Đại học Anh văn tại chức. Khi đó vẫn còn sáng mắt, tôi dự định khởi đầu một nghề tay trái để giải trí bên cạnh công việc của một kỹ sư nông nghiệp. Cuối năm 1985 tôi bị bệnh mắt, nên sau đó không thể hành nghề kỹ sư được, và dịch thuật trở thành công việc chính.

* Hãy nói kỹ hơn về Nhật ký Nancy, câu chuyện có thật đầy xúc động của cô bé 14 tuổi bị nhiễm HIV. Bản dịch tập sách rất hấp dẫn, với một văn phong trẻ trung, rất teen. Anh có phải "cố gắng" để có được sự trẻ trung này?

- Cảm ơn chị đã khen. Đây là quyển sách do Nhà xuất bản (NXB) Trẻ mua tác quyền của một NXB Hoa Kỳ. Trước hết, đây là một câu chuyện dạng người thật việc thật. Khi viết nhật ký, Nancy hoàn toàn không có ý thức hành văn hay sáng tác; đơn giản là em tìm cách bộc bạch tâm sự với chính mình. Nancy thường viết những câu có cấu trúc đơn, dễ hiểu, có khi cụt ngủn... Nếu dịch nguyên xi như thế, e rằng bạn đọc sẽ cảm thấy nhàm nhạt. Hơn nữa, nhật ký là viết cho chính mình, không phải để phổ biến, nên có nhiều từ, nhiều ý, nhiều đoạn Nancy dựa vào những tiền giả định nào đó mà không giải thích, có lúc đang nói chuyện này lại nhảy sang chuyện kia... Cái khó là làm sao chuyển tải được nội dung một cách trung thực, không bịa thêm (bởi đây là quy định đối với dạng sách mua tác quyền), mà vẫn thu hút người đọc... Chẳng hạn, Nancy thường mở đầu mỗi trang nhật ký bằng cụm từ Dear Self, khi dịch tôi phải dùng nhiều cách gọi khác nhau (bồ tèo ơi, nhật ký của ta ơi, mình ơi...) để tránh sự lặp lại đơn điệu... Có khi tôi đánh vật cả ngày chỉ được một vài trang...

Một cái khó nữa, là tuổi teen của tôi mấy mươi năm trước khác xa bây giờ, từ suy nghĩ, ngôn phong... Điều kiện giao tiếp của tôi lại bị hạn chế, không tiếp xúc được với sách báo của lứa tuổi này. Tôi phải hỏi thăm mấy đứa cháu ở nhà, hoặc khi chúng tụ tập, tôi lắng nghe chúng tán chuyện... Phải nói đây là tập sách mà cả người dịch lẫn người biên tập đều khá vất vả...

* Công việc dịch thuật có làm thay đổi nhiều cuộc sống của anh?

- Công việc này là lý do tồn tại của bản thân và là việc duy nhất tôi có thể làm được.

* Anh đã ra khỏi nỗi buồn của người bị mất thị giác bằng cách nào?

- Tôi đã từng cảm thấy bế tắc đến sinh bệnh. Hồi đó tôi đã gửi NXB bản thảo Truyện cổ Ban-tích, nội dung đã được duyệt nhưng chưa biết bao giờ có sách. Để dịch sách tôi phải nhờ rất nhiều người giúp đỡ, sách chưa ra được thì chẳng thể nào tiếp tục nhờ người thân tìm tư liệu, đọc vào băng cát-xét hai thứ tiếng Pháp-Anh, tra giúp từ điển, đọc và sửa giúp những tờ đánh máy và đem phô-tô trước khi nhờ người đưa đến NXB. Từ hè 1993, tôi đã nghỉ dạy tiếng Anh ở Trường mù Nguyễn Đình Chiểu vì không đủ sức khỏe lại không thích nghi kịp với tình cảnh đã hoàn toàn mất thị giác, do vậy chẳng có việc gì để làm. Có lẽ vì thế, tôi đã rơi vào trạng thái trầm cảm, rồi phát sinh ảo thính... Đồng thời với điều trị chuyên khoa, tôi đã làm thơ cốt chỉ để giải tỏa ẩn ức tâm lý. Có lẽ nhờ hơn một ngàn bài tạm gọi là thơ này mà bệnh thuyên giảm dần.

Rồi hè 1999, một người bạn gợi ý lối ra, là tự bỏ tiền túi in sách. Cơ may đã đến khi vào đầu năm 2000, một bạn học tài trợ gần một nửa chi phí in ấn, tiếp theo, vào năm 2001, ba quyển Truyện cổ Ban-tích cũng được NXB Trẻ cho ra mắt, rồi khi Truyện cổ Hàn Quốc được xuất bản đầu năm 2002 thì sức khỏe của tôi hoàn toàn bình phục và mọi nỗi buồn cũng tan biến.

* Niềm vui hiện tại của anh?

- Bằng lòng với hiện tại là nguồn cơn của niềm vui và hạnh phúc. Tôi sẽ còn vui và hạnh phúc hơn nếu được các NXB và bạn đọc chiếu cố nhiều hơn...

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)
(Theo Thanh Niên, 16/1/2006)
Các Tin Tức Khác