Trong câu cuối cùng của lời tự sự khép lại cuốn Phù Phiếm Truyện(*), Phan Việt đã viết: “Về viết văn, xin tóm lại hai điều mà tôi cảm thấy chắc chắn nhất: Một là văn chương có sức mạnh rất lớn với con người; hai là viết văn đòi hỏi lao động rất trách nhiệm, nghiêm túc và kiên trì”.
Chứng tỏ một cách cụ thể điều thứ hai, trong vòng ba tháng, Phan Việt đã lần lượt 5 lần gửi cho tôi bản thảo cuốn Tiếng Người này, từ cái tựa đầu tiên Bong bóng, để rồi chỉ chịu dừng lại với cái tựa cuối cùng sau khi đã bấm nút “send” gửi bản “ultimatum” về cho tôi! Cô luôn áy náy sợ làm phiền tôi sau nhiều lần chỉnh sửa, dù tôi không ngừng trấn an cô rằng với nhà văn, viết một tác phẩm như sinh một đứa con, cố gắng làm sao để nó ra đời thật như ý vẫn tốt hơn là sinh phải đứa khuyết tật hoặc sau này phải đưa nó đi… thẩm mỹ viện. Và quả đúng là tôi không thể phiền, vì Tiếng Người cứ hay dần lên sau mỗi lần tác giả tự sửa đổi.
Truyện viết về một gia đình trẻ thành đạt, hai vợ chồng cùng đi học ở nước ngoài về. Một tầng lớp thượng lưu, trí thức, với lối sống, lối nghĩ hiện đại, cùng cá tính rất riêng của từng nhân vật. Họ sống với nhau như thế nào; nghĩ và đối xử với công việc và gia đình, xã hội ra sao; xử lý những bí mật riêng của mỗi người theo kiểu gì…, là chuyện riêng của mỗi người (trong truyện này là rất riêng, vì mẫu người như Duy, như M, như Hoàng… hình như chưa được các cây bút trẻ khác đụng tới) nhưng cuối cùng vẫn là để đi tìm hạnh phúc thì người ta phải vượt qua rất nhiều trải nghiệm bản thân, và sau lưng hạnh phúc của mỗi con người quanh ta thật ra là ngổn ngang trăm thứ… “Người phụ nữ áo đỏ” thật ra là rất tầm thường, nhưng lại bất chợt trở thành một ám ảnh lý tưởng, một khát vọng mơ hồ trong đời của một con người dễ dẫn anh ta đến sự ngộ nhận; còn N như một hoài ức êm đềm cứ sống mãi trong ta…
Thật ra tôi đã rất thích cái tựa Bong bóng cùng một chủ đề lẩn khuất: Mọi thứ trên đời đều là… bong bóng, là phù vân, vô thường, vô nghĩa. Nhưng Phan Việt đã gác lại cái tựa đó. Cô muốn người đọc tự chiêm nghiệm về những điều cô muốn nói. Tiếng Người không phải là một chuyện kể đơn giản mà có nhiều tầng nấc để suy ngẫm về các giá trị của cuộc sống, có vẻ đáng nể với một cây bút vừa tròn 29 tuổi.
Cũng là hiếm hoi tôi được đọc một tác giả trẻ phân tích tâm lý nhân vật đến nơi đến chốn như Phan Việt. Truyện viết rất chặt, tỉnh táo, mạnh mẽ. Trong lời bạt cuối cuốn Phù Phiếm Truyện, nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã đưa ra dự báo về Phan Việt: “Nếu tác giả quyết tâm chọn lựa và theo đuổi con đường văn chương, thì đây sẽ là một trong những nhà văn trẻ tiên báo cho một chiều kích mới của văn học Việt Nam hiện đại”. Tôi nghĩ dự báo đó càng có thêm cơ sở, với cuốn Tiếng Người này.