Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Lần theo Hương rừng Cà Mau - Kỳ 1: Trở lại U Minh
Cập nhật ngày: 16/10/2008

 
Sau bàn tròn về nhà văn Sơn Nam nhân giỗ 49 ngày của ông (“Con đường dài của người đi bộ”, Tuổi Trẻ ngày 1-10-2008), việc chuẩn bị cho hội thảo tác phẩm của ông vào giữa tháng 12-2008 bắt đầu.

Một trong những hoạt động chuẩn bị là tìm về quê hương của nhà văn. Hành trình về U Minh giữa mùa nước nổi có sự tham gia của nhà thơ Kiên Giang; các nhà văn Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng, Lý Lan, Nguyễn Trọng Tín; nhà nghiên cứu Trương Công Hùng và con gái, con rể của nhà văn Sơn Nam.  Lần theo hương rừng Cà Mau, họ đi tìm kho báu văn hóa nhà văn đã để lại cho đời.

Ghi chép dọc đường của nhà văn Lý Lan là câu chuyện vừa đi vừa nhớ lại như thế, bắt đầu từ chính tác phẩm của Sơn Nam...
 

Ngồi ở cái quán xây lấn ra ngoài biển lồng lộng gió thổi, tôi hỏi mấy người chạy bàn cỡ tuổi đôi mươi: “Xứ này kêu là Rạch Giá, nghĩa là sao?”. Người thì cười, vẻ dung thứ một bà già lẩm cẩm, người nói đại: “Có con rạch, trồng nhiều giá”. Hỏi tiếp: “Con rạch đó ở đâu, cây giá là cây gì?”. Câu trả lời mơ hồ: Rạch Giá đô thị hóa từ mấy trăm năm, khoảng mươi năm nay phát triển không còn nhận ra.

Những Vàm Trư, xóm Cù Là cũng đã trở thành phố xá tấp nập. Từ sân thượng khách sạn gần đường Nguyễn Trung Trực, nhìn về phía tây, mấy trăm thước dài chi chít nhà lầu mới cất thuộc dự án lấn biển. Buổi sáng đi loanh quanh, trò chuyện với dân địa phương, người chỉ phía đông, người chỉ phía tây, người nói giá là giá đậu xanh, người nói không phải, cây giá khác, nhưng hỏi khác như thế nào thì chịu thua.

Tôi kết luận: Những người đó không hề đọc Sơn Nam. Bởi vì trong hồi ký, Sơn Nam viết rõ: “Rạch Giá, xứ quê của tôi là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh”. Cây giá được ông miêu tả “về già, lá đổi ra màu đỏ, tươi mát, chứ không đổi ra lá vàng”, và “cây khá to, lá xanh và lá màu máu chen nhau trên một cành”, “Rễ cây giá không to, cứ chằng chịt quấn vào nhau theo vòng tròn, trông như dưới gốc có mang theo một cái lốp ôtô, sóng đánh mạnh, gió thổi to thì thân cây cứ lúc lắc qua phải qua trái, rễ không ăn chặt vào đất bùn”. Giá, mắm, đước, tràm là những cây tiên phong từ trăm năm, ngàn năm trước, chịu đựng môi trường sống khắc nghiệt, lấn dần biển để hình thành dải đất bồi phương Nam của Tổ quốc. Cây giá nay đã biến mất, để lại một địa danh, một thành phố hiện đại sung túc, nơi ít người bận tâm nó là cái gì. Nhà văn Sơn Nam cũng là cây giá của văn học VN.

Tại sao tôi dám nói vậy?

Những truyện ngắn của Sơn Nam được viết vào thập niên 1950 và 1960 hầu như rất ít chịu ảnh hưởng của hai ám ảnh lớn thời đại đó là chủ nghĩa hiện sinh và phân tranh ý thức hệ. Chúng chảy  một dòng riêng biệt vào những vùng đề tài chưa được khai phá trong văn học VN thời hậu thuộc địa: tìm kiếm và tái tạo cội nguồn văn hóa, căn cước dân tộc và đặc sắc ngôn ngữ. Chúng chạm tới những vấn đề nóng của thế giới hậu hiện đại: lưu dân (immigration), lạc địa (displacement), giạt ra rìa (marginalization), đa chủng tộc (multiracial), giao lưu văn hóa (acculturation). Chúng thậm chí đi trước thế giới trong mảng văn học xanh hay văn học sinh thái (ecoliterature). Nhưng như những kênh rạch quê xứ U Minh Thượng của ông, những dòng chảy âm thầm khai thông đất mới rửa phèn bị coi là hoang sơ, mộc mạc.

Hồi nhỏ đọc truyện ngắn Sơn Nam tôi cảm động cái tình hoài hương, nỗi buồn lưu lạc, nhớ tiếc mơ hồ… Mấy năm trước tôi thử dọ ý ông việc đọc lại Hương rừng Cà Mau theo quan điểm phê bình sinh thái hay hậu thực dân, hoặc hậu hiện đại (tôi lôi ra một lô thuật ngữ kể trên). Ông bảo: “Cắt nghĩa coi”. Chăm chú nghe tôi nói láp váp một hồi, ông bảo: “Tôi già rồi, thấy in tẹc nét biết là hay nhưng không đụng vô. Cháu nói nghe cũng hay, rảnh thì nghiên cứu chơi. Chứ tôi viết văn chỉ với một tư tưởng yêu nước”.

Yêu nước là yêu cái gì? Ông đã kiểm tra tôi điều đó cách nay 25 năm, thuở “yêu nước” là một từ hơi bị lạm dụng. Tôi ngày ấy chỉ bằng nửa tuổi tôi bây giờ, lẽo đẽo theo nhà văn Sơn Nam đi rong ruổi khắp miền Tây. Gặp cái gì ông cũng nói được: từ sự kiện đến sự tích, kiến thức sách vở cho tới suy diễn càn, giải thích địa danh rồi kể công dụng cây cỏ. Tôi trẻ tuổi cũng muốn gây chú ý , thỉnh thoảng kêu lên: “A, bông mua tím”, “Lu này làm ở Lái Thiêu chở xuống đây”, hay “Cây dầu cũng mọc ở xứ này ta?”.

Ông bèn nói: “Con nhỏ này biết yêu nước”. Tôi chưng hửng. Ông nói tiếp: “Yêu nước là yêu cây cỏ sản vật con người lao động quê xứ mình, nói chung là yêu văn hóa và thổ nhưỡng xứ mình, giữ nước là giữ cái đó”. Cho nên đọc Sơn Nam thì  biết cây giá ở Rạch Giá là cây gì, cây quao xứ Gò Quao ra làm sao, hương rừng Cà Mau là mùi thơm bông tràm, con ong làm mật bay như thế nào, tại sao nói con cá Hậu Giang là cá trắng mà cá sông Trẹm là cá đen.

Và tất nhiên không chỉ ngần ấy thiên nhiên, mà còn rất nhiều tầng sâu văn hóa. Chỉ có điều, Sơn Nam thân thiết quá, bình dị quá, nhân hậu quá, như cái mội nước ở quê ông, cứ hồn nhiên trào ra, tuôn thành dòng chảy,  không phải kiểu hùng vĩ thâm sâu, nhưng triền miên không cạn, như nhà thơ Kiên Giang, đồng hương của ông, nhận xét. Quá 80 tuổi, Sơn Nam vẫn nói sẽ viết cái này cái kia vì “còn nợ người ta nhiều lắm”. Ông mất đi, bỗng nhiên nhiều người nhận ra  chính mình mới mắc nợ ông nhiều lắm.

Ghi chép của LÝ LAN
(Nguồn: Tuổi Trẻ, 16/10/2008)

---------------------------------------------

Kỳ 2:  Đi tìm chiếc ghe ngo

Các Tin Tức Khác