Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Ngọc trong đá - Sức sống sau 24 năm
Cập nhật ngày: 11/01/2010

Việc Ngọc trong đá được nhiều bạn đọc trẻ ở miền Nam tiếp tục tìm đọc, chứng tỏ tác giả đã thành công trong mục đích của mình.

Được NXB Trẻ xuất bản dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM (28/3/1986), cuốn Ngọc trong đá - truyện dài đầu tay của nhà văn Nguyễn Đông Thức - đã lập tức thuộc dạng best-seller, với 60.000 bản in trong năm đầu tiên. Sau khi được Hãng phim Trẻ thực hiện phim truyện nhựa cùng tên, rồi nhiều buổi đi nói chuyện giới thiệu về sách, về phim ở các trường và cơ quan đơn vị, Ngọc trong đá liên tục được tái bản. Tính đến nay đã được sáu lần, với bốn lần của NXB Trẻ, một lần của NXB Kim Đồng và một lần của NXB Văn Nghệ.

Nay, NXB Trẻ lại tiếp tục cho tái bản lần thứ 7 truyện dài này, để chào mừng Ngày Sinh viên Học sinh Việt Nam 9/1. Đây cũng là ngày NXB Trẻ đã chọn để tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách này và giao lưu với tác giả, trong buổi sinh hoạt lửa trại kỷ niệm Ngày truyền thống HSSV tại trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP Cần Thơ. Anh Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ cho biết: "Chúng tôi muốn chọn vài đầu sách tiêu biểu về giá trị sống và lý tưởng sống của giới trẻ Sài Gòn - TP.HCM trong nhiều năm qua để giới thiệu lại với người đọc. Riêng với Ngọc trong đá, cuốn sách đầu tay của một tác giả trẻ Sài Gòn lúc ấy và cũng là cuốn sách văn học trong nước đầu tay của NXB Trẻ, chúng tôi thấy nội dung vẫn đáng được giới thiệu cho lớp trẻ hiện nay, để họ có thể hiểu thêm về một thời gian khó và hào hùng của thế hệ đi trước".

Trên bìa 4 của Ngọc trong đá lần tái bản này, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã cho trích đăng một đoạn trả lời bạn đọc (năm 1986) về mục đích khi viết sách: "Từ lâu, tôi đã rất khó chịu với một nhận định đánh giá: "Tuổi trẻ Sài Gòn rất phức tạp"(cũng như "Người Sài Gòn rất phức tạp"). Tôi muốn được tham gia chứng tỏ cái bản chất tốt đẹp của người Sài Gòn, của tuổi trẻ Sài Gòn: dù xuất thân từ thành phần như thế nào nếu được tập hợp vào đội ngũ, được hướng dẫn và được tin cậy, ai cũng có thể trở thành những người hoàn toàn có ích cho xã hội mới. Hãy đánh giá họ bằng chính nhiệt tình và hiệu quả trong công việc hôm nay, hơn là bằng xuất thân của họ ngày nào. Họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc, một hạnh phúc đắt giá, khi đã được giúp sức tự đập vỡ những trở ngại khách quan và chủ quan để hòa mình vào cuộc sống mới, như một người đã tìm được ngọc khi đập vỡ bao nhiêu vỏ đá cứng...".

Việc Ngọc trong đá được nhiều bạn đọc trẻ ở miền Nam tiếp tục tìm đọc, chứng tỏ tác giả đã thành công trong mục đích của mình. Sức sống của cuốn sách, sau 24 năm, cho thấy những gì được viết ra chân thực từ cuộc sống, vẫn không bao giờ lỗi thời. Nhắc tới Nguyễn Đông Thức là người ta nhắc tới Ngọc trong đá, dù sau đó anh đã viết được năm, sáu cuốn truyện dài khác và đa số cũng đều được tái bản, làm phim (Ngôi sao cô đơn, Vĩnh biệt mùa hè...). Về điều này, tác giả từng nói, năm 1986: "Thật ra, Ngọc trong đá chỉ là truyện đầu tay của tôi, chẳng khác nào mối tình đầu, tôi đã gửi vào đó trọn vẹn những xúc động tinh khôi, sự say mê nhiệt tình, lãng mạn và tất cả những ước vọng hằng ôm ấp; nhưng đồng thời, nó cũng mang đầy những vụng về, ngốc nghếch không thể tránh khỏi. Mong các bạn thông cảm với những cái chưa hoàn chỉnh ấy. Truyện dài sắp tới của tôi có thể sẽ bản lĩnh hơn, điềm tĩnh hơn, "kỹ thuật" hơn, nhưng tôi e sẽ không truyền được sự xúc động đến với các bạn nhiều bằng".  Có vẻ như điều tiên đoán ấy của anh đã đúng.

Tâm sự thêm về việc viết Ngọc trong đá như thế nào, khi lúc ấy đang ở chiến trường đất bạn, Đông Thức nói:  "Phần lớn tôi viết buổi tối, trong mùng, vì ở rừng cao su Chup rất nhiều muỗi. Tôi nằm sấp viết dưới ánh đèn dầu, có hôm mệt quá ngủ luôn, vung tay làm đổ đèn, mùng cháy suýt gây tai họa. Lúc đó chất lượng giấy rất xấu, pelure tái sinh, có lẫn cả rơm rạ, chỗ dày chỗ mỏng lét, viết mạnh tay là rách. Bút bi cũng vậy, lúc không ra mực, lúc đổ mực tèm lem. Sau này về Tuổi Trẻ phải đánh máy lại, nhưng giấy vẫn còn xấu lắm. Nhớ lại mới thấy thế hệ nhà văn bây giờ thật sướng!".

Có phải một cuộc sống thuận lợi đầy đủ về vật chất hơn sẽ không có lợi cho việc sáng tạo của nhà văn bằng một cuộc sống gian khó? 

Lê Văn Nghệ
(Nguồn: Phunuonline.com.vn)
Các Tin Tức Khác