Cái đó cũng ngại nha, nhưng mà tôi làm được rồi, tạp văn Đi tìm hiệp sĩ xong rồi, gửi NXB Trẻ rồi, tôi đang viết được khoảng 100 trang đầu cuốn tiểu thuyết liêu trai mang tên Người ruồi...”.
“Thế rồi bẵng đi 20 năm, tôi quay lại HN để nhận giải thưởng Văn học mới chết chứ!”, ấy là dịp ông già ảo thuật vui nhộn này nhận giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn VN (2005). Dạo này chú viết gì?- Tôi hỏi.
Ông cười hề hề: “Truyện Hè muộn, đăng rồi nè”. Đọc truyện của Mạc Can, thoạt đầu dễ dàng như nghe ông đang rủ rỉ bên ly trà đá, nhưng rồi phải lật đi lật lại, xem ông già có giấu ý tứ gì ở đâu như trò ảo thuật không, cứ hư hư thực thực đến lạ.
Thử nghe một câu chuyện ông kể, cũng lạ lẫm thế này: Khu vực ấy toàn cát là cát mà trong ấy vẫn còn miểng mìn nữa, sau này hòa bình, có người nằm nghỉ tránh nắng gần đó, con gà dẫn bầy con đi bới, nó bới phải mìn.
Bi kịch chiến tranh đó nha. Con gà trong sinh hoạt của nó mà ngẫu nhiên làm chết người thì ghê quá. Có người nói cái truyện này làm phim được đó.
Mạc Can người nhỏ mà cái cặp thực to, trong đầy nhóc sách báo, ông lôi ra nào truyện in thành sách, nào truyện đăng báo, mọi người chăm chú đọc thì ông la “Trời ơi, nói chuyện với tôi mà ai cũng đọc hết trơn?”.
Sáng tác nhanh thế, chú viết tay hay đánh máy? Ông xều môi: “Giờ văn minh rồi người ta đánh máy chứ bộ. Có người đặt hàng tôi viết truyện 1.500 chữ mà tôi không biết làm sao đếm?”.
Sao chú không đếm chữ ngay trên máy vi tính? “Tôi lười chứ bộ, tôi viết tràng giang đại hải mà. Trời ơi, cô mà thấy cái máy tính xách tay của tôi thì cô hết hồn, chắc hãng sản xuất máy tính này tiêu rồi, ông chủ sản xuất ra nó cũng quên nó rồi. Nó cũ kỹ rệu rạo nên tôi lấy băng dính băng bó lại như xác ướp Ai Cập”.
Chuyện về cái máy tính xách tay của ông cũng phức tạp lắm, hư ảo lắm, vì nó mà ông gặp nạn, nhờ nó mà ông viết được Người ngắm trăng, cũng thấy hình bóng Mạc Can ẩn hiện trong truyện này.
Đợt ấy cái “xác ướp Ai Cập” đánh mãi mà không lên chữ, ông mang đến một vị “bác sĩ” vi tính sửa, rồi một thời gian nó tắt nữa. Ông lần mò tháo ra thấy ở sau ông “bác sĩ” chèn một khúc báo cho nó đụng chạm cái gì không biết nữa, giờ khúc báo đó đã rời mòn, thì ông tháo hẳn ra, không mang lại vị kia nữa.
Ông tự làm, mua keo về dán lại: “Tôi làm rớt keo xuống nền, rồi đạp chân lên nguyên nửa hộp keo, không nhấc chân được, không đi được, không ai ở dưới để kêu cứu, tôi cứ ngồi chịu trận từ chiều cho tới sáng hôm sau nên viết được truyện Người ngắm trăng”. Rồi ai giải cứu chú?“ Cứu gì, tôi phải bứt một miếng da bàn chân để thoát thôi”.
Tiếp thị bia kiểu đó là ông làm nhục tôi!
Không biết Mạc Can viết gì trong cuốn tạp văn Đi tìm hiệp sĩ sắp xuất bản? Phong cách tạp văn của ông có gì lạ?
Ông giơ tay cào cào cái đầu gần như trọc lóc một cách ngộ nghĩnh: Thì tôi lần mò đi mua mấy cuốn tạp văn về đọc coi người ta viết làm sao. Đọc rồi thấy kinh quá, làm sao mà tôi viết được như Đỗ Trung Quân, Nguyễn Ngọc Tư?
Tôi đuối quá, ngẫm nghĩ mãi, rồi có cách. Mình không biết viết tạp văn, thì mình viết cái gì mình thấy, điều mình trải nghiệm. Tôi vốn là diễn viên nên cũng được nhiều người biết, một hãng bia nói ông Can ơi ông có dám làm tiếp thị nóng không, họ chở tôi vào quán bia, tôi đến từng bàn diễn ảo thuật còn họ bán bia.
Thế rồi tôi bị khách gọi lại rầy “Ông Can, ông làm nhục tôi! Tụi tôi trọng ông quá, nhưng ông khinh dễ tụi này không đủ tiền mua vé vào rạp xem ông diễn hay sao mà ông đi diễn tầm bậy tầm bạ thế này, thôi dẹp đi!”.
Đó, họ làm mình rớt nước mắt luôn, tôi cho vào tạp văn. Có ông người Nhật học tiếng Việt ở Hà Nội, tự tin để nói chuyện với người Việt rồi mà gặp tôi, ông ấy thấy thiếu nhiều chữ quá, tôi nói những từ mà ổng chưa được học, thế là ổng đi theo tôi để học.
Quý tôi quá, ông Nhật biếu tôi hộp Sushi, sáng sau ổng gọi tôi “Ông Can, ông ăn Sushi chưa?”. “Dạ rồi”. “Ông thấy có ngon không?”. “Dạ ngon”. “Vậy ông ăn thế nào?”. “Dạ tôi luộc lên ăn”. Nghe vậy ông Nhật gào lên “Trời ơi, món ấy người ta ăn sống mà ông cố nội ơi!”.
Thấy tôi khen ngon, ổng đưa tới quán Nhật, quán đó vui lắm, chắc sợ người Việt ngồi lâu mỏi chân nên họ sáng kiến đào cái hố phía dưới để bỏ chân xuống, một bàn dài bao món như tiệc, món này phải chấm riêng nước này, nghe chừng lâu quá, tôi chấm đại một loại cho xong!
Ông Nhật bảo cá hồi ngon lắm, đây là con cá voi nhé, mắc lắm đó, nhưng mình đâu quen ăn sống…, thế là đưa cả vào tạp văn cho rồi! Tôi phấn khởi vì đã xong cuốn tạp văn kỳ lạ đó, cuốn tiểu thuyết Phóng viên mồ côi hợp đồng với NXB Trẻ tôi cũng viết được 300 trang rồi.
Cách viết của tôi thế này: Có gì tôi trải ra hết, viết thượng vàng hạ cám xong rồi tôi bỏ đi chơi, dăm ngày sau đọc lại, loại những chuyện tào lao, bỏ đi chơi vài ngày, rồi coi lại.
Tôi sửa 3 lần thôi, chứ sửa hoài thì nó thành cuốn khác! Phóng viên mồ côi bi kịch mà vui lắm, bối cảnh Sài Gòn cũ, có ông tự đề ra “Hãng tin lẹ” hàng ngày đi lượm tin đánh lộn, đánh ghen… về đánh máy rồi đi bán cho các nhật báo…
Bà ơi cho tôi ra ở riêng
Tên thật của ông là Lê Trung Cang, nhưng Mạc Can thì nghĩa là gì? “Mạc là nghèo đó. Mạc Ngôn hình như nói chữ Mạc của ổng nghĩa là Không. Tôi mới đọc cuốn Báu vật của đời, viết dữ dằn quá!”.
Chà, sau này khối người nhầm Mạc Ngôn với Mạc Can có… họ đó nha, mọi người nói vui, ông cười: “Sang quá, quen với đại gia!”.
Có người bảo ông Can thật liều, đang sống được bằng nghề đi diễn, giờ không diễn nữa mà viết, ông hãnh diện:
“Tôi nói hiện nay tôi mua được gạo bằng tiền nhuận bút. Nếu diễn hề tôi cũng kiếm được một trăm, hai trăm nghìn đồng/buổi, nhưng làm sao để có nhuận bút đây, không phải dễ kiếm đâu.
Trước tôi viết truyện gửi tới bao nơi, sưu tầm được cả đống giấy ghi lời cảm ơn, mời tiếp tục cộng tác nhưng không đăng. Có thời tôi đã viết báo rồi, phóng viên gợi ý tôi viết chuyện vui buồn trong nghề sân khấu, ký tên Mạc Can.
Viết được một thời gian tôi chạy mất tiêu. Có tai nạn chứ sao. Bữa ấy đi diễn hài ở vũ trường, xảy ra tai nạn không phải do mình, có ông chủ điểm diễn thương tôi nhất kéo tôi ra một chỗ vỗ vai: Sao chú làm ở đây lâu mà chú lại đi viết có ma tuý trong nhà hàng của tôi?
Trời ơi, tôi chỉ viết chuyện văn nghệ, còn chuyện thuốc lắc là phóng viên mảng khác họ lo chứ đâu phải tôi, nhưng ông chủ ấy nghĩ là tôi mách cho người ta viết.
Rồi thêm ngộ nhận nữa, mình viết toàn chuyện đàng hoàng, nhưng mỗi lần bước vô phòng của anh em nghệ sĩ là người ta cầm chừng, nín thinh, sợ mình tọc mạch để viết báo.
Khổ tâm quá, tôi tự nhủ làm một nghề thôi.Mọi sự dồn nén tới mức chịu không thấu, rồi cũng phải viết cái gì chứ, thế là viết truyện ngắn, truyện đầu là Người nói tiếng bồ câu đó.
Trên bìa sách, phần giới thiệu về Mạc Can chỉ vỏn vẹn “Sinh ngày 14/4/1945 tại chiếc ghe hát trên sông Tiền. Hiện đang sống ở Sài Gòn”.
Nhưng ông bảo ngày sinh không chính xác, năm sinh thì đúng năm đói khổ đó rồi. Má của ông kể lúc đó Nam bộ đang kháng chiến, người ta làm chiến luỹ trên sông, thây trôi chật cả dòng, má phải lấy cây sào đẩy xác ra cho ghe đi…
Cha mẹ sinh 6 người con, không thấy ai dại gì theo nghề ảo thuật, ngoại trừ đứa con thứ 3 là ông. Bây giờ chuyển sang nghiệp viết rồi, là nhà văn rồi sao ông lại xin vợ cho ra ở riêng?
Ông lắc đầu quầy quậy: “Hổng phải, thế này nè, sang năm tôi 63 tuổi rồi, nên tôi nói với bà vợ tôi: Bà ơi, tuy tôi nghèo thật nhưng đã lo cho 3 đứa con có gia đình riêng, tôi mượn nợ mượn nần mua nhà cho chúng.
Mấy chục năm nay tôi cũng mệt rồi, bây giờ bà cho phép tôi ra riêng. Ra riêng cũng vậy hà, nghĩa là bà cho tôi đi chơi, tôi ước ao được đi chơi, tôi có điện thoại di động, khi nào bà nói ông Can ơi ông ở đâu về chút nhe thì tôi về.
Chơi vài bữa tôi nhớ nhà, thì tôi về thăm bà thăm cháu. Bà ấy biết tính tôi ngao du chơi vui chứ đâu có tằng tẹo gì, đàn bà thấy tôi là sợ muốn chết: Nói năng tầm bậy tầm bạ mà lại không có tiền nữa, bà nào dám ngồi lên xe chở hàng của tôi, chỉ ngồi lên là đã mắc cỡ muốn chết. Ra riêng là thế đó!”.
Tuy ngần ngại nhưng tôi vẫn phải hỏi: Chú sinh ra trên ghe, gia đình là gánh hát rong ruổi khắp nơi, chú học vào lúc nào?“
Tôi có cách: Tới nơi nào có tiếng trống trường, tiếng trẻ học ê a thì tôi lại gần nghe, dần rồi trong tiềm thức tôi đọc được chữ, bây giờ tôi vẫn giữ quán tính đang nói từ gì thì tay viết ra chữ đó, tự học hoài như thế.
Sau này tôi may mắn được học trong nhà thờ 3 năm, trong 3 năm ấy tôi học được biết bao nhiêu là chữ, rồi nghề ảo thuật cho tôi trí tưởng tượng phong phú”.
Bây giờ thì Mạc Can bước vào một thế giới tưởng tượng mới, cuốn tiểu thuyết liêu trai đang viết dở Người ruồi. Thực ra trong tập truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu, Mạc Can đã có những truyện kể theo sách “Truyền kỳ trích quái” như Mổ heo, Con cua màu rêu.
Ở người đàn ông nhỏ bé và hài hước này, còn lĩnh vực nào mà ông sẽ làm người ta phải bất ngờ?
“Từ từ rồi tôi sẽ bò tới, ấy là tôi vẽ tranh. Tôi có học vẽ chứ bộ, trừu tượng, ấn tượng, lập thể làm ráo một cục!”.
Rồi ông trầm ngâm “Tôi phung phí chất liệu quá, người ta dè sẻn chất liệu để viết dài dài nhưng tôi đâu còn nhiều thời gian mà viết dần?”.
Chia tay, ông dặn tôi: “Chú nói nhiều chuyện, cái nào tào lao thì cháu lược bớt đi nghen”.
Trời ơi tôi biết đường nào mà lược, vì ranh giới giữa ông và truyện cứ thực thực ảo ảo, thôi có bao nhiêu màu sắc cảm nhận về ông, tôi đưa cả lên toan, còn tham vọng vẽ chân dung ông thì tôi không kham nổi.