1. Hổm rày, lần theo những trang sách Nghiêng tai dưới gió của nhà thơ Lê Giang, thú thiệt là gặp ý nào tôi cũng muốn viết, muốn bàn. Tôi tâm đắc rất nhiều thứ mà chị đề cập. Chẳng hạn, chuyện chị rất hay nằm mơ thấy mất tiền, mất bóp, thức dậy muốn toát mồ hôi hột. Hồi học cấp một, tôi cũng hay nằm mơ. Tôi khác chị, tôi nằm mơ thấy mình lượm được tiền. Nhưng tôi chưa bao giờ lượm được tờ giấy bạc nào có mệnh giá lớn. Trong giấc mơ, tôi chỉ lượm được tiền xu, thứ tiền trẻ em dùng đánh đáo. Vậy mà tôi đã mừng rơn. Lúc tỉnh dậy hớn hở xòe tay ra, thấy tay trống không, biết là mơ, tôi buồn ứa nước mắt. Đó là những giấc mơ khốn khổ của người nghèo. Người nghèo lượm được vài đồng xu đã tíu tít. Người nghèo mới cắt củm gìn giữ từng tờ bạc, gài kim băng ngay túi áo nhưng lúc nào cũng sợ rớt mất, ngay cả trong khi ngủ. Nhà giàu bỏ tiền vào két sắt, gửi tiền vào ngân hàng, đâu sợ gió thổi bay đi, ngả lưng xuống là ngủ một giấc thẳng cẳng từ đêm tới sáng. Đâu có giống chị Lê Giang.
Lê Giang gọi cuốn sách của mình là tạp văn. Tôi đọc, lại nghĩ mình đang đọc tự truyện. Qua những trang sách của chị, tôi mường tượng ra được một phụ nữ gạt nước mắt gửi lại con thơ để lên đường ra trận, hình dung ra những tháng ngày vất vả lội núi băng đồng, những tình bạn chân thành và ấm áp, và như thấy mồn một trước mắt cảnh sống đơn sơ mà giàu cảm thông trong gia đình chị. Cảnh sống thanh bạch và giản dị của một đôi vợ chồng nghệ sĩ từ chiến khu về giúp tôi cảm thấy lòng mình như được sưởi ấm trong những ngày vụ PMU 18 đang làm lung lay niềm tin và chấn động dư luận xã hội.
2. Đọc tập sách này của chị, tôi chắc bạn đọc “ngoại đạo” sẽ ngạc nhiên thú vị khi biết được chuyện bếp núc của giới sáng tác. “Cho tới một hôm, trong nhà lồng chợ bước ra, đụng mấy bà bán trái cây đang bụm miệng cười khọt khẹt, mấy bả hỏi tôi ổng làm gì vậy bà? Tôi dòm qua đường thấy ổng ngửa mặt lên trời, miệng chu chu hút gió”. Gì vậy cà? Té ra người đàn ông trông có vẻ “tưng tửng” đó là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, người bạn đời của chị. Sở dĩ trông nhạc sĩ kỳ khôi như vậy là do anh đang sáng tác, đang thả hồn theo mây gió trong khi chờ vợ xách giỏ đi chợ. Nếu Lê Giang không nói, chắc không ai biết được đó là khoảnh khắc anh khoái trá tìm ra giai điệu điệp khúc “A, ai gọi đời ta!” trong bài hát Hãy yên lòng mẹ ơi khá quen thuộc. Những khoảnh khắc trông “không giống ai” đó ở người nghệ sĩ dưới ngòi bút hóm hỉnh của Lê Giang hiện ra không chỉ một lần: “Mấy ngày còn lại ở Buôn Ma Thuột, anh em trong đoàn gặp nhau sao bỗng lạnh lùng, lại còn đăm chiêu... Về nhà nghỉ cứ day lưng ra ngoài, quay mặt vô vách, lẩm nhẩm, lầm thầm như đọc thần chú. Hễ đi vòng vo về là ịch xuống gối, day mặt vô vách như giận ai từ đời nào”. Bạn đọc có thể hoảng hồn, nhưng những con người khó đăm đăm và có vẻ sẵn sàng gây gổ với bất cứ ai đó thực ra không xa lạ gì trong giới văn nghệ. Họ toàn là những bậc tài danh: Phan Huỳnh Điểu, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phạm Minh Tuấn... Họ đang sáng tác, đang nâng niu và cực nhọc nuôi dưỡng những ý tưởng vừa hoài thai trong đầu. Mới biết, sự thai nghén một tác phẩm tinh thần so ra cũng vật vã không thua gì sự thai nghén một tác phẩm bằng xương bằng thịt.
3. Riêng tôi, tôi khoái nhất những trang ngòi bút tác giả đụng chạm đến chuyện ăn uống. Tôi không phải là người ham ăn uống, nhưng cái kiểu ăn uống của Lê Giang, cái cách bàn về ẩm thực của chị có điều gì đó rất gần gũi với tôi. Tôi lớn lên ở thôn quê miền Trung, lớn lên trong các món ăn dân dã như bánh ú, bánh ít, rau lang, rau muống, khoai khô, khoai chà và đến bây giờ vẫn khôn nguôi nhung nhớ thì Lê Giang cũng vậy. Trong suốt tập sách của mình, người con gái của sông Gành Hào không ngừng tha thiết nhắc tới những món ăn đơn sơ quê kiểng: cá trê, cá sặt, cá chốt giấy, bông súng, điên điển, bông so đũa, khổ qua đèo, rau đắng đất, bông mướp, đọt bầu, cỏ hẹ, rau mác, bông bí, rau ngổ, cọng bồn bồn... Hổng thấy cà rốt, xà lách, bắp cải, su hào đâu hết.
Cư ngụ tại thành phố hoa lệ đã lâu, mỗi lần đi chợ Lê Giang vẫn thích la cà với các em các cháu, nơi có những tiếng mời chào trở thành một phần của đời sống tình cảm: “- Ngoại ăn kèo nèo đi ngoại. Con mới nhổ hồi sáng. - Má ăn cá chốt giấy kho tiêu đi má. Cá còn tươi, rộng nước sông Sài Gòn nè má. - Dì Năm làm mớ rau ngổ về luộc “trần” đi, dì Năm.” Rõ ràng, Lê Giang đi chợ không chỉ để mua, mà còn để nghe, để ngắm. Ngắm cái sàng rách bung vành đựng mớ đọt nhãn lồng, rau đắng, dền gai, mớ rau dệu nhám nhám bùi bùi, những loại rau đọt mà chị vẫn âu yếm bảo “những loại rau không ở trong nhà kính” - những loại rau mọc ở bờ bụi, sông hồ, mương rạch, ao chuôm, ruộng đồng - nơi chị tắm mình trong không khí thân quen thời ấu thơ và sau này chị lại hít thở nó khi lặn lội qua những nẻo đường dân ca diệu vợi.
Cái ăn còn quan trọng ở chỗ nó có khả năng gắn kết và nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Tác giả quan niệm như vậy và tôi thấy không có lý do gì để không đồng ý với chị. Thời buổi hiện đại, con người có thể cho phép tự giải phóng mình ra khỏi chuyện chợ búa, bếp núc. Hai vợ chồng có thể kéo nhau ra quán xá, nhà hàng. Hoặc giao chuyện nấu nướng cho người giúp việc. Bận rộn hay lười nhác hơn nữa thì nhấc điện thoại “alô” một tiếng, cả tỉ tiệm ăn sẵn sàng đem cơm hộp tới tận nhà. Chàng và nàng chẳng phải bận tâm gì hết. Tới bữa cứ ngồi vô bàn. Như vậy tiện thì có tiện, nhưng ngẫm kỹ cũng có chỗ thiêu thiếu. Người chồng sẽ không thấy được hình ảnh người vợ xách giỏ đồ chợ bước vô nhà, mồ hôi bết tóc, mặt mày đỏ lơ đỏ lưỡng. Không thấy được cái cảnh người phụ nữ ngồi bên bếp than hồng, làm cá, vo gạo, bằm ớt, lặt rau rồi chí thú và hồi hộp bày biện các món ra bàn, thắc thỏm hỏi “Anh có ngon miệng không?”. Nói chung, người vợ rời xa cái bếp cũng giống như người nông dân bỏ bê ruộng đồng - những hạt giống tình yêu sẽ mất đi một cơ hội để gieo xuống những buồn vui, sẽ không ai thấy được sự chăm sóc, quan tâm của người này đối với người kia. Không khí đầm ấm, thân thuộc của nếp sống truyền thống tự nhiên mà biến mất. Cái không khí đó nó vô hình nhưng thực ra nó như sợi dây tình cảm thiêng liêng cột chặt các thành viên trong tổ ấm lại với nhau. Khi cái “tổ” không còn cảnh người vợ hiền ngồi cơi bếp lửa thì đâu còn “ấm” nữa! Vì lẽ đó mà khi Lê Giang nói chắc như cua gạch “Tôi giữ ảnh tới ngày nay, có lẽ là nhờ bữa cơm hằng ngày”, tôi tin là chị không định nói chuyện hoạt kê. Vì với chị, nấu nướng cũng giống như làm “lời mới” cho một bài dân ca, hoa lá cỏ cây chim trời cá biển đã có tự ngàn xưa nhưng mỗi ngày biết “biên soạn” lại sao cho phù hợp với tuổi tác và tâm tình của người đối diện là một nghệ thuật - không chỉ nghệ thuật của bàn tay mà còn là nghệ thuật của tâm hồn: Cái bàn là chiếc gương soi mình hằng ngày.
Soi mình vào chiếc bàn hằng ngày thì trong chúng ta ai cũng “soi”. Nhưng soi để thưởng thức, để ngẫm nghĩ, để điều chỉnh, để nhìn từng màu sắc, ngửi từng hương vị trên bàn viết, bàn ăn mà rèn cho tâm hồn mình luôn hòa quyện vào thiên nhiên, vào cuộc sống chung quanh sao cho thích ứng hài hòa thì không phải ai cũng làm được.
Để có thể cảm thụ cuộc sống tới mức đó, chắc chắn không thể sống thờ ơ. Mà phải sống mạnh mẽ, chân thành, lòng như muối mặn, và nhất là phải biết “nghiêng tai dưới gió” để đón bắt những giai điệu đa thanh của cuộc đời. Như Lê Giang. Hay nói một cách ví von, như một câu thơ trong bài Hương ngọc lan trong vườn treo của chị - câu thơ đạt đến mức khái quát của một bậc minh triết:
Đời cho ta được nâng niu.
Nâng niu cho đời ta được...
Tháng 5/2006
NGUYỄN NHẬT ÁNH