Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Hè này bạn đọc gì (số 10): Tấm ván phóng dao
Cập nhật ngày: 03/08/2006

 
LÒNG NHÂN HẬU VẪN ĐƯỢC NÂNG NIU
 
Miếng nghề phóng dao được ông Trần dạy cho các con như một ngón “độc” để nuôi sống cả gia đình trong những chuyến lang bạt kỳ hồ lúc trên ghe lêu bêu sông nước, lúc dựng tạm bợ bên một nghĩa địa hiu hắt, xác xơ trong những ngày mưa tháng nắng từ miền Đông đến Tây Nam bộ.

Tấm ván phóng dao, NXB Trẻ,2006Bi kịch xuất phát từ từng vết sẹo được hằn trên tấm ván phóng dao và xa hơn, trong nỗi ám ảnh khiếp sợ của tuổi thơ được người lớn đưa vào một cuộc chơi tàn bạo. Nhân vật tôi - cậu bé gù trong truyện - đã phải vẽ mặt hề đi rao bảng, phải đứng giữ tấm ván cho em gái mình tựa vào và anh trai mình thực hiện trò diễn phóng dao ú tim.

Cậu đã đau đớn khi tham gia trò đời rủi ro này và bứt rứt, bất an với nỗi lo sẽ có ngày những lưỡi dao từ tay anh trai mình sẽ phóng găm vào thân thể thiên thần của đứa em gái. Cô bé nghĩ: “Không chỉ sợ những lưỡi dao, em còn sợ cả những người đang sống chung quanh em. Con người sao mà ác… Cứ thế, mỗi đêm biểu diễn, em nhìn thấy bao nhiêu khuôn mặt vô tình, những nụ cười, những tràng pháo tay. Nhưng có gì vui khi nhìn một đứa con gái đứng trước mũi dao?”. 

Ngày này qua tháng khác, tuổi thơ của nhân vật tôi kia lớn dần lên cùng những ám ảnh không nguôi ngoai. Đêm, cậu nằm trên tấm ván đầy thương tích và trằn trọc lo lắng, trong giấc mơ của cậu đầy bất an: mơ những cơn mưa dao nhọn bay găm vào mình, mơ mình biến thành con chó và có nhiều ngày thơ thẩn trên những nấm mộ để trò chuyện với cái bóng của mình…

Những thảm họa cứ như rình rập cuộc sống của cậu. Bởi hơn ai hết, cậu thương đứa em gái mình đang ngày càng lặng lẽ héo đi trước cơn đe dọa sinh mệnh. Cậu thương nhưng vẫn trách người anh cả lâu ngày, thực hiện hàng trăm cú phóng dao nhọn về phía em gái, đang có nguy cơ khô khan và xơ cứng cảm xúc : “Anh quen tuân thủ một thứ kỷ luật tự mình đặt ra và hết sức trung thành với nó. Có lẽ vì vậy, quá đỗi nghiêm ngặt, cho nên anh nghèo tới nỗi không có được một góc tư giấc mơ…”.

Và như phải thế, bi kịch đã xảy ra: vì phân tâm, người anh cả đã phóng lưỡi dao nhọn găm vào cánh tay em gái út của mình. Anh ta phải đi tù. Trong cái thói quen vô tâm của mình, người cha tiếp tục lang thang theo một gánh xiếc khác để lây lất mưu sinh. Phương, người con gái giàu có và đức hạnh, rất yêu thương người anh cả cũng thất vọng trước sự khô khan của anh ta và đi lấy người khác “có trái tim” để làm chồng… Chỉ còn nhân vật tôi và người em gái bất hạnh sống với nhau cho đến khi từ giã cuộc đời đầy ám ảnh u buồn của họ.

Sự cùng cực và bươn chải trong cuộc sống có khi làm cho người ta hiểu hơn vị mặn của muối đời,  để trân trọng, nâng niu hơn những giá trị nhân bản, nghĩa tình; nhưng cũng có khi đẩy dồn người ta sang một thái cực khác: sự  xơ cứng, vô cảm trong tâm hồn. Câu chuyện buồn quá khiến người đọc cứ vẩn vơ mãi về cái khoảng cách giữa hai chữ nhân tâm và nhẫn tâm nơi con người ta. Chúng không quá xa. Chỉ cách nhau một miếng ván mỏng đầy thương tích, là điểm tựa cho con người cùng khốn và yếu đuối.

Rất may, lòng nhân hậu, trắc ẩn vẫn tìm thấy những chốn ngự trị hồn nhiên trong những giấc mơ đầy ám ảnh buồn đau!

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
(Theo Tuổi Trẻ)
Các Tin Tức Khác