Truyền thông đại chúng dưới cái nhìn xã hội học
Cập nhật ngày:
06/04/2006
Những nhóm độc giả nào đọc báo để theo dõi tin tức, mở mang kiến thức và nhóm nào chủ yếu để giải trí? Trước một sự kiện xảy ra quá bất ngờ, các nhà báo đã vận dụng cái “khung giải thích” như thế nào? Không gian công cộng của truyền thông đại chúng mang đặc điểm gì? Phải chăng các phương tiện truyền thông là nguồn gốc dẫn đến tình trạng bạo lực ngày càng tăng và “xã hội thông tin” do Internet tạo ra chỉ là một thứ huyền thoại…? Những vấn đề đó được tác giả Trần Hữu Quang phân tích, trình bày trong cuốn sách mới nhất của ông: “Xã hội học báo chí” do Thời báo Kinh tế Sài gòn, Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (VAPEC) và NXB Trẻ xuất bản.
Như tên gọi, “Xã hội học báo chí” là một công trình nghiên cứu về các vấn đề căn bản của truyền thông đại chúng nói chung, báo chí nói riêng, theo nhãn quan xã hội học. Đây là đóng góp đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu báo chí, bởi vì trước nay, có rất ít các công trình nghiên cứu được triển khai theo phương pháp này. Một cách nhìn của nhà xã hội học về quá trình truyền thông, nghề báo và hoạt động của nhà báo, đặc điểm và ứng xử của công chúng truyền thông, tác động xã hội của truyền thông đại chúng… sẽ giúp người đọc phát hiện thêm những khía cạnh mới mẻ, những ý nghĩa bề sâu của một định chế xã hội đang phát triển mạnh nhưng còn chưa được nghiên cứu nhiều ở nước ta.
Điều đáng nói là tác giả không chỉ dừng lại ở việc trình bày một cách có hệ thống các lý thuyết xã hội học truyền thông đại chúng, mà quan trọng là vận dụng các lý thuyết đó vào việc phân tích, luận giải các vấn đề do thực tế đặt ra. Mặt khác, cuốn sách cũng cung cấp nhiều tài liệu, kết quả điều tra cùng những diễn giải khá thuyết phục từ các kết quả đó.
Một công trình có giá trị, một cuốn sách rất hữu ích cho những ai quan tâm, nghiên cứu lĩnh vực truyền thông đại chúng – đặc biệt là với sinh viên các ngành báo chí, xã hội học.
“Xã hội học báo chí” dày 500 trang, in trên giấy trắng, trình bày trang nhã, giá 64.000 đồng.
Công Thắng
(Theo nguồn TBKTSG)