Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước
Cập nhật ngày: 19/01/2007

 
Trong lịch sử học thuật của loài người, nhà nước là một đề tài đặc biệt từng được đề cập nhiều; người ta không ngớt phân tích, mổ xẻ, tranh cãi về bản chất, tính chính danh, quyền lực, chức năng, các giới hạn… của nhà nước. Và qua các thời kỳ, hầu như luôn có các học giả nêu trở lại vấn đề: liệu cái định chế này có đi đến chỗ tiêu vong? Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi toàn cầu hóa đang là một quá trình khách quan mạnh mẽ và không thể kìm hãm, câu hỏi này lại càng trở nên nóng bỏng.

Nhằm làm rõ tác động của toàn cầu hóa đối với định chế nhà nước, Ủy ban Liên hiệp châu Âu đã đặt hàng tác giả Nguyễn Vân Nam thực hiện một công trình nghiên cứu mang tên “Vai trò của nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa”. Trên cơ sở công trình nghiên cứu này, tác giả - một giáo sư, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế hiện đang sinh sống tại CHLB Đức - đã viết lại và bổ sung thêm để cho ra đời cuốn “Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước”. Với tác phong nghiêm túc, chuẩn mực của một nhà nghiên cứu, tác giả đã trình bày kiến giải của ông về một loạt vấn đề then chốt: nhà nước sẽ thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình như thế nào trong quá trình toàn cầu hóa? Nó sẽ làm gì trong tương lai? Phải chăng “nhà nước quốc gia” sẽ mất đi năng lực điều hành và do đó sẽ cần thiết phải tăng cường năng lực điều hành siêu quốc gia, liên quốc gia? Liệu nhà nước có nên “theo chân” thị trường và doanh nghiệp, vượt ra khỏi biên giới quốc gia để thực hiện vai trò “bạn đồng hành” với công dân của mình hay không?

 

Và cuối cùng, tất nhiên, là câu hỏi quan trọng nhất, như theo cách đặt vấn đề của tác giả: “Câu hỏi về tính chính danh của sự tồn tại của nhà nước: liệu trong môi trường toàn cầu hóa, nhà nước có còn hoàn thành được vai trò mà nó đã được công dân tin cậy giao phó, đã được hoàn cảnh lịch sử xác định và vì vậy tạo nên tính chính danh của mình hay không? Hay vai trò đó đã được hoàn thành rồi và nhà nước đã kết thúc sứ mạng của mình, và vì vậy đã trở thành quá khứ?”.

 

Điều thú vị là ngay từ trong Lời nói đầu của cuốn sách, tác giả đã không ngần ngại báo trước cho độc giả câu trả lời đầy khẳng định của mình: “Liệu nhà nước quốc gia còn có thể tồn tại mãi hay không? Câu trả lời của tác giả là: Không!”. Rồi sau đó, tác giả mới dẫn dắt người đọc đi qua năm phần của cuốn sách với những phân tích, lý giải khúc chiết và cặn kẽ.

 

Cũng cần nói thêm rằng đây không phải là cuốn sách chỉ luận bàn về những điều cao siêu, mà nó còn đi vào những vấn đề thiết thực, thậm chí là nóng bỏng tính thời sự. Ví dụ như về cuộc chạy đua đang diễn ra giữa các nước nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng cách đua nhau tăng cường các điều kiện ưu đãi hơn đồng thời giảm nhẹ các yêu cầu về môi trường, lao động, và phúc lợi xã hội - một cuộc đua đáng sợ mà nhiều người thích gọi bằng một cái tên thời thượng là “cuộc đua tới đáy” (race to the bottom).      

 

Sách do Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản, với bản dịch (từ nguyên tác tiếng Đức) do chính tác giả cung cấp, dày 400 trang, giá 50.000 đồng, đang phát hành trên cả nước.
 
                                                                                                    Dương Thủy
                                                                                 Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Các Tin Tức Khác