Xin mời xem Thông cáo báo chí.
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Giới thiệu tập sách “Ký ức như huyền thoại”
Lời đầu tiên, Nhà Xuất bản Trẻ cùng những người thực hiện xin được gửi lời xin lỗi đến các mẹ, các dì, các chị…. và cả các bạn đọc yêu quý của mình. Lời xin lỗi chân thành cho một cuốn sách ra đời có phần hơi muộn. Cuốn sách, theo dự kiến sẽ được ra mắt vào dịp 8 tháng 3 năm 2005, rồi lần lữa mãi đến 20 tháng 10 và bây giờ là 30 tháng 4 năm 2006, kỉ niệm 31 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoà bình, thống nhất trọn niềm vui. Nhưng không thể muộn hơn nữa, bởi lác đác đã có dì, có chị đã “ra đi” khi tập sách chưa kịp hoàn thành.
Và sau nữa, Nhà Xuất bản Trẻ xin chân thành cám ơn chú Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã giao tập bản thảo này cho chúng tôi, với lời nhắn gửi: bản thảo phải được xuất bản. Một ký thác vừa là tình cảm, vừa là niềm tin và sự gửi gắm từ một đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Nhà Xuất bản Trẻ cũng xin chân thành cám ơn nhà lão thành cách mạng Trần Bạch Đằng, nhà văn Vũ Hạnh đã dành thời gian quý báu của mình để viết lời bạt và lời giới thiệu cho cuốn sách.
Nhà Xuất bản Trẻ chân thành cám ơn các mẹ, các dì, các chị đã cùng chúng tôi chăm chút, đầu tư cho bản thảo được ra mắt ngày hôm nay.
“KÝ ỨC NHƯ HUYỀN THOẠI”, gồm hai tập, có độ dày hơn 1000 trang, gần 150 bài viết, qui tụ một lực lượng hùng hậu tham gia bài vở gồm các dì, các chị, bộ phận viết sử của phụ nữ các tỉnh Nam bộ.
“KÝ ỨC NHƯ HUYỀN THOẠI”, phản ánh nhiều mặt phong phú cuộc đấu tranh của phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam mà người chị cả là Chủ tịch Nguyễn Thị Định.
Qua hai tập sách, chúng ta thấy sự tham gia, nhập cuộc của “đội quân tóc dài” có mặt hầu hết trên các mặt trận đấu tranh từ công khai, bí mật, hợp pháp, bán hợp pháp; từ phong trào đấu tranh đô thị đến nông thôn; từ vùng đồng bào Kinh đến đồng bào dân tộc; từ đấu tranh trực diện trên chiến trường đến đấu tranh trong lao tù, trên diễn đàn, trên bàn hội nghị, mặt trận ngoại giao; các hoạt động sinh hoạt ở vùng căn cứ, các trường lớp huấn luyện, đào tạo, chuyện bếp núc trong những ngày đầu làm báo…
Mỗi một câu chuyện kể, mỗi hồi ức của các dì, các chị được chuyển tải bằng giọng văn chân chất, giản dị không bóng bẩy văn chương song thấm đẫm nghĩa tình sâu đậm với vận mệnh của quê hương, đất nước. Những trang viết do vậy lắng đọng và giàu cảm xúc. Những ký ức được ghi lại hơn cả huyền thoại khi ta bắt gặp bàng bạc hình ảnh những người mẹ, người vợ, người chị, người phụ nữ trong chiến tranh. Những nỗi đau, những hy sinh mất mát hay những giây phút hạnh phúc hiếm hoi trước, trong và sau cuộc chiến được các dì, các chị thể hiện và ứng xử theo cách rất riêng, rất “phụ nữ”. Vừa quyết liệt, gan góc, dũng cảm, mưu trí, thông minh vừa đằm thắm, chịu đựng, dịu dàng và lãng mạn… Gan góc và liều lĩnh như “anh” bộ đội Trần Thị Quang Mẫn, nhớ chuyện Tàu “Mạnh Lệ Quân giả trai” mà trốn nhà giả trai gia nhập quân đội để được đánh giặc cứu nước. Điệu đàng như cô du kích Bảy Mô, bí mật giấu trái dừa khô để chắt ép chút tinh dừa để làm đẹp, làm duyên cho mái tóc óng ả của mình. Lãng mạn như cô dâu Đặng Ái Việt, trong mùa nước nổi, sông Vàm Cỏ Đông ngập lút bờ, quyết ôm thùng phuy, lội sông hối hả để về kịp lễ thành hôn cùng chú rể Phạm Khắc. Và niềm vui sướng, hạnh phúc khó tả của các chị trong chiến khu khi được chia sẻ niềm vui vùng cô em gái cưng vào ngày vui nhất đời bằng bó hoa lan rừng tết vội song không kém phần xinh xắn. Và còn nhiều nữa những câu chuyện đau xé lòng bởi những cuộc chia ly, mất mát của những người thân yêu nhất ngay trong những ngày tháng chiến tranh khói lửa. Hoặc câu chuyện cười ra nước mắt bởi nữ anh hùng người dân tộc Kan Lịch, chưa thạo tiếng Kinh, chỉ biết gọi người con trai cùng đơn vị là đồng chí, đã gan cùng mình khi thét to ra lệnh gọi hàng các binh lính Việt Nam Cộng hòa cũng bằng hai từ “đồng chí”.
Với suy nghĩ “KÝ ỨC NHƯ HUYỀN THOẠI” không chỉ là kỷ niệm, là hồi ức để những người trong cuộc nhắc nhở, gợi nhớ cho nhau về câu chuyện một thời mỗi khi có dịp gặp gỡ hoặc ngồi ôn lại câu chuyện cũ, mà như một lời gởi gắm đến những người trẻ hôm nay niềm tự hào và sự trân trọng với quá khứ sống và chiến đấu cho ngày hôm qua của những bà mẹ, người chị Việt Nam “Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” để sống đẹp và xứng đáng hơn cho ngày mai.
Nhà Xuất bản Trẻ