Vẫn là ông - Cao Huy Thuần, với những câu chuyện đời thường hay bắt đầu từ những mẩu vụn, để đến với những suy nghĩ, trăn trở, những băn khoăn đào xới, thậm chí đau đớn, xót xa của một người trí thức trước thế sự, để rồi cuối cùng đọng trong từng câu chữ sự thanh thản của một tâm hồn và một trí tuệ đã đạt đến mức như nhiên của chữ Thiền.
Những câu chuyện trong tập tản vănChuyện trò(NXB Trẻ) có phần dài hơn, lớp lang hơn những câu chuyện trong hai tập sách gần đây (Thấy PhậtvàKhi tựa gối, khi cúi đầu) như chuyệnSợi tóc,chuyệnYêu và ngưỡng mộ,chuyệnLá sầu riêng và hoa nghĩa địa,chuyệnVỗ tay và cười...
Cao Huy Thuần kể từ tốn và chậm rãi như dạy trẻ em đọc giáo khoa thư. Giọng ông nhẹ nhàng và thong thả như đọc kệ, buộc người đọc phải kiên nhẫn đọc chậm. Ðọc chậm, để không đi nhanh, không hấp tấp, không vội vàng đưa ra kết luận. Ðọc thong thả, để cùng ông hiểu rằng cuộc đời này có vô vàn những khoảnh khắc mà nếu ta chỉ cần chớp mắt hay quay đi, nó sẽ không bao giờ lặp lại. Và nghĩ từ từ, để thấy đời ta thiếu quá nhiều, phải học quá nhiều, từ một lời chúc đến sự tự tin, từ cách hiểu “tại sao phải lạy Phật” đến cách dùng tiền cho đồng tiền “biết tu”.
Một phần khác trong những “chuyện trò” của Cao Huy Thuần là những trăn trở về việc nước, về dân tộc, về vấn nạn xuống cấp văn hóa, băng hoại đạo đức... mà ông đã nhiều lần nhắc nhớ trong các tập sách trước. Nhẹ nhàng thôi, vì như thế mới là ông, nhưng âm ỉ và quyết liệt.
Và như thế, cuộc “chuyện trò” cùng Cao Huy Thuần đã không còn là sự thanh thản nhẹ nhõm thuần túy nữa, mà là sự thanh thản của người đã nghĩ và làm được những việc cần và nên làm.
TH.H.
Nguồn: Tuổi Trẻ