Tiến Đạt thường dùng không gian truyện là những chuyến xê dịch, có lẽ bắt nguồn từ tuổi thơ nhiều biến động và công việc thường phải đi xa của anh. Không gian truyện vì vậy thường dự báo về một tâm thế bất an - chuyển tải một đặc điểm của lớp thị dân Việt Nam vốn xuất thân từ nhiều thành phần như hiện nay. Tiến Đạt muốn nhấn mạnh vào những trải nghiệm và cả những chấp nhận trả giá của cư dân trẻ tại những vùng đô thị. Anh vẫn còn nhặt lấy những xúc cảm hồn hậu của tuổi thơ, những khoảnh khắc trong trẻo của lòng người nơi thôn quê..., nên hóa ra chất “vào đời” của Tiến Đạt vẫn còn đó. Tuy nhiên, sức sống của thị dân bắt đầu chao chát trong văn anh khi hình tượng các cô gái bán thân, những nhân viên dùng rượu ngon, gái đẹp để hoàn thành các thương vụ - nhiều khi là nhiệm vụ “chính đáng” của ban ngành đoàn thể nào đó. Tiến Đạt từng tâm sự: “Cuộc sống mỗi thời định hình trong thị dân trẻ những ý thức hệ rất riêng. Làm nhà văn phải nắm bắt đúng và phản ánh chân thực những gì anh đang sống cùng người trẻ, cùng chung ý thức hệ của những người sẽ đọc văn anh”.
Cái hơi văn thản nhiên trong Tội lỗi tự nhiên là minh chứng cho “công phu” trải nghiệm sâu sắc những lối sống đang diễn ra thực tế từng ngày.
Một cô gái thuộc “thế hệ 8X” có cái “thú riêng” là hủy diệt mầm sống trong mình sau mỗi lần quan hệ tình dục, một gái làng chơi quyết định đối xử chân tình với nhân vật đang bị pháp luật và báo chí săn đuổi, một cô sinh viên có đời sống tình dục phức tạp với người bạn vong niên... Tất cả tề tựu vào trang viết của Tiến Đạt tự nhiên như chính anh quờ tay chạm phải trong một cái xoay mình. Điều đáng quí của anh có lẽ là ở cái đầu tỉnh táo và độ sâu sắc trong cảm nhận đủ để nhận ra sự tinh tế của con người dù trong hoàn cảnh có tàn khốc trần trụi đến đâu. Do vậy, dù trang viết không dụng công đến mức xuất thần bằng chi tiết và tư tưởng, nhưng sự chân thực và khéo léo trong cách sắp xếp các hình mẫu nhân vật mang lại sự tin cậy như một sự chia sẻ. Cho nên có thể nói trang văn cũng chính là một mảng hồn của thị dân hôm nay.