Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Chữa lành - Kỳ 3
Cập nhật ngày: 23/12/2009

Chẳng bao lâu sau sự việc Ruby tìm thấy khẩu súng trong kỳ nghỉ với gia đình, cuộc sống của cô bắt đầu có những dấu hiệu đảo lộn… Mời các bạn xem các phần tiếp theo của tiểu thuyết “Chữa Lành”.

Sáng hôm đó, trong bộ đồ ngủ, Ruby đang cắt một trái bưởi trên cái bệ đá ở giữa nhà bếp. Cha mẹ cô mặc đồ tắm ngồi ở bàn, ăn điểm tâm và đọc báo. Ba người luôn ăn sáng với nhau vào giờ này. Nathan chẳng bao giờ xuống cầu thang sớm quá hai phút so với xe lái chung; bữa sáng của anh là mấy trái chuối, mà anh vặt lấy trong lúc bước ra khỏi cửa.

Cha mẹ Ruby im lặng, cô tự nhủ chắc họ mệt mỏi lắm; lúc nửa đêm cô thức giấc, cho dù không nghe tiếng nói, nhưng thấy đèn bên phòng còn sáng, cái bóng hình chữ nhật của ánh đèn xiên qua đại sảnh tới tận sàn của phòng cô. Cả hai bên buồng ngủ của cô đều có cửa, và cô thường ngủ với hai cánh cùng mở; cha mẹ cô cũng hay ngủ mà không gài cửa. Các anh trai cô, ngược lại, ai cũng im ỉm.

Cô đang cắt bưởi bằng dao, đầu tiên vạt một miếng tam giác, bóc ra, rồi lại cắt thành những tam giác nhỏ hơn. Công việc này mẹ cô thường làm cho cô, nhưng sáng nay Ruby nói cô muốn tự làm lấy. Cô cảm thấy dễ chịu, tự mình làm lấy công việc, cha mẹ ngồi đó. Như thể cô đang cắt bưởi không phải cho cô mà cho chính họ.

Và rồi, như một khúc phim quay chậm. Cô nghe tiếng bước chân trên cầu thang sau lưng, ai đó đang bước xuống nhà bếp, và cô nhìn lên. Chậm chạp, cánh cửa mở ra, một người đàn ông trần truồng đứng đó, tồng ngồng đứng đó, ngay chân cầu thang, và cô nhìn gương mặt người đàn ông đó, chính là Abraham. Chính là anh trai cô Abraham, và ánh mắt anh trống rỗng đang nhìn về phía cô, nhưng anh vẫn đứng đó, trần truồng, ngay chân cầu thang, cánh cửa đã mở toang, đang nhìn về phía cô, đang đứng ngay bệ đá trong bộ đồ ngủ. Và ngay lúc cô nhận ra đó là Abraham, con người trần truồng này, với khúc thân như cái tam giác chĩa xuống một nhúm lông đen, dương vật anh ta, dương vật của Abraham lửng lơ, con mắt Abraham vô hồn, ngay lúc đó cô nghe mẹ mình ú ớ, và cha cô đứng dậy khỏi bàn hét lên “Abraham!” và ông lao tới cửa nơi Abe đứng tồng ngồng, rồi cha cô che mất cái thân hình Abraham, và cô nghe cha nói, “Đi lên lại đi!” giọng ông hoảng loạn, và họ cùng lên trở lại cầu thang, rồi họ đi mất, mà Ruby còn đứng đó bên bồn đá với con dao trong tay, cứng đơ, lưỡi dao còn găm xuống trái bưởi.

Mẹ cô ngồi yên nơi bàn trong chốc lát, lưng xoay hướng Ruby, hai vai tròn trịa, đầu cúi xuống đĩa nên Ruby nhìn thấy chân những sợi tóc thẳng mượt, đã ngả màu trắng xám buông từ sau ra trước. Bà hít một hơi thiệt dài, rồi thở hắt ra, rồi bà đứng lên đến bên Ruby và nói, “Ruby ơi”, và ôm cô vào lòng như thể ôm một con thú nhồi bông. Bà ôm Ruby sát vào cái áo sô gai của mình, nói, “Mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi”, nhưng Ruby không biết mẹ xin lỗi cái gì nữa. Hình ảnh Abe nơi cầu thang có hơn gì một khung hình còn đọng lại sau khi cô nhìn một ngọn đèn; cô áp mặt vào bụng mẹ; bà đang ôm chặt cô, lắc lư. Cô nói, “Sẽ ổn thôi, mẹ ạ, sẽ ổn thôi”, và cô vùng vằng, cô không muốn bị ôm như vầy, cô đâu có cần, ôm như vầy có vẻ như cô buộc phải khóc, nhưng cô đâu có khóc, cô cũng không hiểu tại sao mình phải khóc nữa. Nhưng mẹ cô không ngừng lắc lư, và sau cùng Ruby nhắm mắt lại áp sát vào vải sô gai, để yên cho mẹ lắc. Có tiếng bước chân ở trên đầu. Abraham, trần truồng, với gương mặt trống rỗng. “Ruby ơi”, mẹ cô thở dài, giọng bà nghèn nghẹn trên đầu cô, “chúng ta bị cái đọa gì vậy?”

Ruby không biết có chuyện gì, nhưng rõ ràng có chuyện gì đó. Cô chuẩn bị đi học như thường lệ; cô mặc cái áo thun dạ hội ưa thích, có lẽ hôm nay quá ấm áp cho chiếc áo nhưng mà cô muốn mặc, và cô tròng nó lên, cùng với chiếc quần cô tông màu xanh ưa thích, thắt lưng nhựa dẻo, và một ngày như mọi ngày, cô thay quần áo trong phòng và cho sách vào ba lô. Cái cúp thắng giải đánh vần nằm trên kệ tủ, cô nhìn thấy nó trên đường đi ra và thoáng nghĩ đến đêm hôm trước, khi cô mang khoe với mẹ, bà ôm cô vào lòng và nói bà tự hào, rất tự hào, rất rất tự hào, những ba lần tự hào, nhưng không hiểu sao bây giờ Ruby không muốn nhìn cái cúp nữa, bây giờ trông nó thô kệch làm sao ấy, cô muốn giấu nó ở đâu đó, cô muốn ném nó ra cửa sổ, cô muốn nó biến mất cho rồi.

Cô mang ba lô đi xuống cầu thang. Ngôi nhà như một không gian xa lạ, quen thuộc nhưng không quen biết, khó lường, như đôi khi trong những giấc mơ xưa: tưởng như của mình mà không phải. Cha cô trên cầu thang, cuối đại sảnh trong phòng Abe, nhỏ to với Abe, và khi Ruby xuống bếp Nathan có đó, ngồi chếch một bên so với mẹ cô, người đang lau nước mắt.

“Ruby, con sẽ trễ học mất”, mẹ cô nói, đứng lên kiểm tra đồng hồ bên trên lò sưởi. “Ồ, xe buýt sẽ đến đây trong ít phút. Mẹ xin lỗi, con yêu, mẹ không có thời gian làm bữa trưa”. Bà đứng ngượng nghịu. “Hy vọng hôm nay ở trường có làm món gì đó. Mẹ sẽ cho con một ít thứ ăn vặt vậy”. Bà lấy một trái táo, vài cái bánh qui, một hộp nước ép trái cây, bỏ vào một cái bọc, đưa cho Ruby ở cửa, nói, “Con đi học vui vẻ nhé”, và hôn lên má cô. “Tạm biệt Rube,” Nathan nói, vẫn ngồi yên ở bàn.

Ruby đi bộ hết lối đi. Từng có một thời Nathan đứng cùng cô, nơi đây, chờ xe buýt; cô còn nhớ ngày họ học chung một trường, trước khi anh ấy chuyển đến Featherton, ngôi trường tư mà Abe và Aaron từng theo học, và cô cũng sẽ theo học, năm tới. Cô nhớ lúc họ cùng chờ xe buýt, cùng lên một chuyến xe, và Nathan làm trò hề bậm môi giả làm ông già, hay trò giả câm giả điếc bắt chước phim hoạt hình, ngọng nghịu như nói chuyện dưới nước. Mỗi lần lên xe là một trò mới, mỗi buổi sáng là một nhân vật mới, và bốn anh em sinh tư nhà Callin ở dưới chân đồi lúc nào cũng cười thét lên, làm Ruby thấy tự hào, anh ấy là anh trai cô, là người thân của cô, thành ra cô làm bộ như ba cái trò này cô đã nhàm lắm lắm.

Giờ cô thấy nhớ anh quá. Đã từ lâu không còn chờ xe buýt chung với Nathan nhưng cô vẫn cứ nhớ, cái cảnh vừa đợi chiếc minibus màu vàng xuất hiện sau khúc quanh, vừa đá đá vô tảng đá to vật có sơn số nhà của họ, hay dậm dậm lên những lá vàng hay tuyết trắng, ngâm nga câu gì đó, lảm nhảm lời nào đó, tự chế nhạc và lời, tự bày trò để chơi, và sáng nay sao cô thấy nhớ anh quá. Cô không thể không hình dung tấm thân trần truồng của Abe, đóng khuông trong khung cửa phía sau cầu thang, Abe với tóc cắt ngắn sát da đầu, hai mắt mở to và vô tri; cô không thể không nghe cái kinh hoàng trong giọng nói của cha cô khi ông lao tới chỗ Abe. Nathan sẽ nói sao về việc này. Điều gì đã xảy ra với Abe; ai đã đưa anh ấy về nhà từ trường học; làm sao về tới nơi; khi nào về tới nơi; anh ấy muốn bày tỏ điều gì khi đứng ở chân cầu thang nhìn xuống bếp cứ như có cái gì đó để xem?

Xe buýt kia rồi, ngay ở khúc quanh. Xe thả dần tới chỗ cô, và cô bước lên. Rồi xe lăn bánh xuống dốc đồi để đón bạn gái thân nhất của Ruby, Beth Callin, cùng với bốn người anh, bốn anh em sinh tư: Sadie, Joe, Michael, và Drew. Họ leo lên xe, cả băng cả nhóm; Beth ngồi sát Ruby và các anh trai ngồi xung quanh họ – hai người đằng trước, một người bên trái, và một người phía sau.

Anh em nhà Callin toàn nhỏ con, và Ruby chẳng bao giờ hiểu nổi làm sao mẹ của Beth có thể cưu mang đến bốn em bé trong bụng bà – chuyện không tưởng nhưng mà có thiệt. Drew có một cái chân dị tật do cách anh ấy nằm co trong bụng mẹ. Cái chân như một nhắc nhớ thường xuyên, với Ruby, về sự kiện kỳ lạ trên thế gian, bốn anh em nhà Callin chen chúc trong Bà Callin nhỏ nhắn.

Kế bên cô, Beth chào hỏi. “Chào”, Ruby nói, bỗng dưng ngượng nghịu trước người bạn thân từ thời mẫu giáo. Đời cô đã có điều gì đó không như trước, nhưng cô không chắc nó là điều gì.

“Nè, hôm qua thi đánh vần hay đó”, Beth nói. “Mình không kịp chúc mừng. Nhưng mình có thấy cái cúp, ngon lành hén”.

“Ờ, cám ơn nha”, Ruby nói.

“Thiệt tiếc là mình bị loại từ vòng hai. Trong khi Miranda khờ khạo bốc trúng chữ dễ”.

“Ờ phải”.

“Lúc cậu đánh bại nó mình sướng muốn tè trong quần luôn. Nói thiệt đó. Cậu có thấy vẻ mặt nó sao không? Nó vầy nè...” Beth há mồm làm một chữ O thiệt tròn và hai mắt giương to hết cỡ. Ruby cười, có lẽ hơi quá to so với sự buồn cười của điệu bộ kia; cái cười bật ra như thể đã chờ sẵn.

“Thiệt đó!” Beth nói. “Nó sụ mặt suốt giờ học của thầy Harding ngay sau đó. Nó cứ gục đầu miết. Thiệt là thích đó”. Cô bé ngừng lại, dựa lưng vào ghế sau, cái đuôi sam kéo đầu cô ngược lại.

Ruby cho phép mình thả lỏng, những ranh giới vô hình đang bao thâu nhỏ lại. Mà đánh bại Miranda Chen đúng là sướng thiệt. Cô nhớ cái cảm giác ngày hôm qua khi cô Butterworth trao cho cô cái cúp, cái ấm áp khi cả thính phòng hoan hô, tay cô run run đưa ra đón nhận. Nguyên cả trường vỗ tay hoan hô! Làm sao cô có thể quên.

Tài xế xe buýt nói “Đến nơi rồi!” và kéo cửa mở. Ruby để hồn vào đôi chân, xem nó mang mình ra khỏi xe buýt vào trường học, đến chỗ của cô trong một hàng dài học sinh.

Tối hôm đó ở bàn ăn, Abe hầu như im lặng. Anh ấy đã xuống cầu thang, ngồi ngay tại bàn, khi Ruby và mẹ thắp nến đôi, Ruby cầu nguyện, mẹ cô đánh diêm, loé lên, mồi lửa cho cây bạch lạp, cây bạch lạp nhận lửa và lung linh. Hai mẹ con huơ tay trước nến và rồi đưa lên che mắt; mẹ Ruby từng dặn dò đây là lúc, khi hai tay đưa che mặt là lúc thốt lên những nguyện cầu với Chúa. Ruby không chắc cô có tin hay không; cô luôn cảm thấy sao sao khi cầu xin gì đó trong đầu với hai tay che mặt và có mẹ đứng sát bên. Làm sao ơn trên nghe được cô lúc này mà không phải lúc khác. Nhưng cô cảm thấy phải tuân thủ lễ nghi, biết đâu linh thiệt thì sao. Cô cầu nguyện chung chung – hòa bình thế giới, sức khỏe cho gia đình – và đôi khi một chút ít riêng tư nữa, về Bobby Newberg, về đôi giày da cô nhìn thấy nhưng mẹ không cho. Cô gắng làm sao cho có thành tâm trong cầu khẩn, làm sao khi những chữ vang trong đầu cô thật sự ước ao những cái đó: khi nói thế giới cô hình dung thế giới, như quả địa cầu trong giờ học của cô Simpson; khi nói sức khỏe cô hình dung các thành viên trong gia đình, từng người một, đứng dậy, săm soi.

Nhưng tối nay cô thấy sao sao khi kết nối với Chúa trong khi Abe ngồi lặng lẽ sau lưng bên bàn ăn; cô cảm nhận ánh mắt anh ấy, ánh mắt đã đổi thay, xuyên qua ngực cô đi vào trong lời nguyện. Cô làm cho nhanh, nghĩ thầm những chữ nhưng không hình dung. Và sức khỏe cho gia đình con, cô nghĩ, nhưng nhìn thấy Abe, đang ở ngay đó, ngồi phía sau cô nơi bàn ăn, hơi khác so với cách cô thường thấy, và cái từ này thực sự có nghĩa gì? Sức khỏe, cô nghe cái từ này vang vang khi cô hạ tay xuống, và cô nhìn thấy mẹ mình đứng sát bên hai tay còn che mặt. Sức khỏe. Abe vẫn như xưa, nói về thể chất vẫn như xưa, nhưng về mặt nào đó anh ấy không khỏe mạnh. Cô mông lung về cái từ đó, mà tuần nào cô cũng dùng đến. Có khi nào cô đã nguyện cầu điều gì đó không phải?

Ruby quay mặt khỏi những ngọn nến, mà lửa đã vươn dài và lung lay, để nhìn ra bàn, nơi đó có Abe ngồi. Anh ấy đang nhìn vào một điểm trên tấm vải trải bàn, hai mắt to tròn. “Shabbat shalom”, mẹ Ruby nói, chạm vào đầu cô với hai tay và cúi xuống hôn lên má. “Shabbat shalom”, Ruby nói lại.

“Shabbat shalom, Abe”, mẹ cô nói, và Abe ngước lên nhìn cô, nhưng có vẻ như anh ấy không hiểu cô nói gì. Gương mặt anh như có vẻ mỉm cười.

Cha Ruby bước vào từ đại sảnh, nơi ông nãy giờ mở thư xem. Ông đã thay bộ vét bằng cái áo sơmi và quần tây.

“Anh Josef gọi dùm Nathan chút” mẹ Ruby nói. Bà đang nhìn vào lò nướng. “Gọi ăn tối”.

Năm người đứng vào chỗ của họ bên bàn ăn. Họ ngân nga bên cốc rượu vang, và rồi mỗi người nâng cốc uống. Mỗi người trong nhà có một cái cốc rượu vang, to dần lên từ cái cốc bé xíu của Ruby cho tới cái cốc của cha mẹ cô, có những viên ngọc nhỏ đính lên kim loại mạ vàng. Bộ đồ uống này là quà tặng của bà nội, bà đã tìm mua ở Tel Aviv và gửi tặng cha mẹ Ruby ngay sau khi họ kết hôn. Sự cá biệt của từng cái cốc, tùy theo từng người trong nhà – tách của Abraham lớn nhất trong các anh em, cao và hẹp nhưng có miệng rộng, rồi đến của Aaron, hơi giống cái chén nhưng lùn hơn, rồi đến của Nathan, uốn cong một cách kỳ dị, hơi lõm ở dưới đáy, rồi đến của cô, giống như cái ly có đáy rộng – sự cá biệt thiệt hoàn chỉnh, tự nhiên chứ không có sắp đặt. Ruby yêu thích cách thức bàn ăn bày biện cho ngày thứ bảy Shabbat, mỗi người đều có bộ chén tách, thành ra cho dù đi vắng họ vẫn như có mặt.

Ruby đọc lời nguyện lên trên bánh mì, huơ tay bên trên ổ bánh xoắn; cô bóc giấy, tháo hộp để cha cô cắt nó. Cả nhà im lặng trong khi ông phân phát những vụn bánh đầu tiên cho họ. Ruby chuyền một mẩu cho Abe, ngượng nghịu, như thể anh ấy là khách mời. Đứng gần anh trai luôn cho cô một cảm giác, giống như khi bạn ấn ngón tay lên sống mũi và nhận được một cảm giác. Cô nghĩ đến hình ảnh của anh lúc đó, không mặc đồ, cái thân mảnh khảnh tựa cầu thang, và tự hỏi không biết anh ấy có biết lúc này đang mặc đồ gì – áo thun màu xanh, và quần jean. Cô nhìn sang Nathan, đang nhìn sang Abe, và nhận ra cái biểu cảm trên mặt cậu ta không phải sợ hãi mà là tò mò. Không khí trong phòng nặng nề. Họ nhận bánh mì, nhai nuốt, rồi ngồi xuống. Mẹ Ruby quay trở lại lò.

“Có mặt mọi người ở đây thiệt là hay”, cha Ruby nói sau một phút. “Có bốn người thôi thì thiệt cô đơn, phải không Ellen?”

Mẹ cô bưng cái tô đậu xanh nghi ngút ra bàn. “Ờ phải”, bà nói, đặt tô xuống trước mặt chồng.

“Trưa nay anh có nói chuyện với Aaron”, ông nói. “Nó nói rất tiếc không về dự Shabbat được”. Ông ngưng nói, múc đậu xanh cho vào đĩa. “Nè các con, nếu các con muốn ta có thể gọi điện cho nó sau bữa ăn tối, ta chắc nó sẽ ưa lắm”. Ông đẩy cái tô đậu xanh sang Ruby và tự mình lấy một miếng thịt gà trên khay do mẹ cô đưa tới. Khi đã cho đầy đĩa, ông nhìn xuống đó.

“Sao,” ông nói, “có bây nhiêu thôi sao?”

“Có bấy nhiêu thôi”, mẹ Ruby nói, mỉm cười, ngồi xuống.

“Món này có kèm theo kính hiển vi không?” cha cô hỏi. Là cách pha trò thông thường của ông. Bữa tối với ông bao giờ cũng quá ít, trừ phi là những món ông không ưa, hầu như là những món mới lạ mẹ cô thử tài, trong trường hợp đó ông sẽ không nói gì cả.

Ruby nhìn sang cha cô, một người luôn biết tự thưởng thức sự pha trò, cho dù tuần nào cũng chỉ là những câu chữ đó. Thường thường ông sẽ kể những sự hài hước nghe được ở chỗ làm – một công ty kế toán tầm cỡ – và cho dù đôi khi chúng thực sự khôi hài, ông luôn là người cười nhiều nhất, và đập bàn và vỗ đùi, cười ra nước mắt, và lau nước mắt bằng khăn ăn. Cười riết khiến cho ông ra mồ hôi, mà ông luôn ra mồ hôi khi ăn đồ nóng – nhất là món ăn Tàu, chẳng hiểu sao nữa – đến mức ông phải lấy khăn ăn lau trán và lau luôn cái chỏm hói. Ông là kiểu người không thể chấp nhận pha trò mà không được hưởng ứng – nếu không ai cười ông sẽ hỏi tại sao. Mà không phải chỉ có pha trò; cha cô làm gì là phải có ai đó vướng theo, cho dù ông không yêu cầu đi nữa. Ông là người làm người ta chú ý.

Lúc này, Ruby chạm phải ánh mắt ông, và ông nháy mắt trở lại. Ông đang cười, nhưng có gì đó trên nét mặt có vẻ giả tạo đối với cô. Có phải tại vì tín hiệu trả ngược của cô không ăn rơ, cái cười yếu ớt mà cô đáp lại, hay cái ý thức rằng câu pha trò của ông đêm nay có vẻ gượng gạo, như chưa từng gượng gạo? Hay tại vì mục quang trong mắt ông, cách nó gắng gồng để trấn an rằng đêm nay cũng như bao đêm thứ Sáu khác, cũng với chừng đó gà hầm và đậu xanh? Có cái gì đó khó chịu trong bàn ăn, như thể có cái ống dẫn nước trong nhà đã bắt đầu rò rỉ, rò rỉ chỗ nào ai biết, nhưng ai cũng biết sắp ngập ngụa tới nơi.
(Còn tiếp)
Các Tin Tức Khác