“Nhà văn Trần Hoài Dương đã mất”, anh Nguyễn Thế Truật (phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ) nhắn tin cho tôi vào trưa 8-5, và sau đó là tin nhắn, điện thoại của nhiều người khác...
hật không thể tin được, mới buổi sáng, khi ngồi ở quán cà phê Cheery (góc đường Phùng Khắc Khoan - Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM) tôi đã lấy điện thoại vài lần định bấm gọi mời nhà văn Trần Hoài Dương ra. Nhưng nhìn đồng hồ đã hơn 8g, nghĩ chắc ông đang ngồi ở một góc phố nào đó nên tôi không gọi nữa. Thế mà...
Nhớ mùa Giáng sinh năm trước, khi tôi bước vào quán Cheery thì thấy nhà văn Trần Hoài Dương đã ngồi ở đó. Một tách cà phê đen, bao thuốc lá, mắt dõi vào lòng phố trầm tư... Có lẽ đó là cách mà Trần Hoài Dương chào đón những buổi sáng phố phường. Ông thích những góc phố sạch sẽ, bình yên, những chỗ ngồi để có thể nhìn ra phố.
Như nhiều người biết, trong nhiều năm nay nhà văn Trần Hoài Dương sống một mình trong ngôi nhà ở hẻm đường Thích Quảng Ðức. Người con duy nhất của ông - nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh - sống ở Anh. Trước khi chuẩn bị lên máy bay về Việt Nam để tang bố, Trần Lê Quỳnh đã kịp viết trên một trang web: “Từ hôm qua thứ bảy, Quỳnh gọi điện cho bố nhiều lần không được. Lúc ấy Quỳnh nghĩ là bố ngủ. Ðến sáng nay chủ nhật giờ VN, Quỳnh gọi lại nhiều lần cũng không được. Khi ấy Quỳnh mới gọi cho mẹ của Quỳnh. Vì mẹ Quỳnh đang ở Hóc Môn nên mới nhờ hai cô và cậu bên ngoại sống ở quận 2 gần hơn đến nhà bố. Khi đến nhà thì thấy cửa bên trong khóa. Hai cô cậu hỏi chuyện hàng xóm và sau đó mọi người quyết định phá cửa để vào thì phát hiện bố đã đi”. Người nhà Trần Hoài Dương cho biết pháp y kết luận là nhà văn mất do nhồi máu cơ tim, thời gian tử vong vào khoảng 20g ngày 6-5.
“Trần Hoài Dương cả đời viết cho thiếu nhi”, đó là nhận định của nhiều người. Nhưng theo nhà văn Trần Ðức Tiến (cũng là một nhà văn có nhiều tác phẩm hay viết về đề tài trẻ em) thì chính Trần Hoài Dương lại thừa nhận mình không chỉ viết cho thiếu nhi. Ông có ý thức viết cho cả người lớn đọc. “Trần Hoài Dương là người cực đoan. Cực đoan trong cách nhìn nhận mình. Cực đoan trong nghệ thuật. Một bức minh họa đẹp vẽ chú sâu cuộn mình êm ấm trong chiếc lá được ông nâng niu gìn giữ trong nhiều năm, thỉnh thoảng lại giở ra khoe bạn bè rưng rưng cảm động, nhưng một câu văn dở có thể khiến ông sổ toẹt cả một cuốn sách, thậm chí một tác giả. Nhưng thái độ cực đoan đáng kính trọng nhất ở ông, đó là sự khinh bỉ sâu sắc những thói tật xấu xa, bẩn thỉu ở con người” - nhà văn Trần Ðức Tiến nhận định như thế về Trần Hoài Dương.
Rồi đây, có lẽ sẽ còn nhiều người viết về Trần Hoài Dương, một nhân cách, một văn tài lặng lẽ. Một con người đã sống để đi tìm, phục dựng cái đẹp, cái thiện. Hành trình đó bền bỉ cho đến lúc ra đi.
Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8-11-1943 ở TP Hải Dương.
Tác phẩm chính đã xuất bản: các tập truyện ngắn: Em bé và bông hồng (1963), Cây lá đỏ (1971), Cuộc phiêu lưu của những con chữ (1975), Con đường nhỏ (1976), Lá non (1981), Những ngôi sao trong mưa(1988), Nắng phương Nam (1998)...; các truyện dài: Hoa của biển (1976), Người tù vượt ngục và em nhỏ trên đảo (1979), Mầm đước (1994), Miền xanh thẳm (2000)... và tiểu thuyết Bên ngoài mái trường (1983). Giải thưởng văn học: giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên và nhi đồng trung ương năm 1968 với tác phẩm Cuộc phiêu lưu của những con chữ, giải thưởng loại B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 với tác phẩm Miền xanh thẳm.
TRẦN NHÃ THỤY
(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Nhà xuất bản Trẻ thành kính gửi lời chia buồn đến gia quyến của nhà văn Trần Hoài Dương.