|
Cô bé mười sáu không biết được rằng mỗi mùa hè về quê để đổi gió của nó là những ngày vui nhất của cô. Nó không biết sau mùa hè, khi nó trở về thành phố tiếp tục học, cuộc sống của cô trôi đi như thế nào.
Quê nội với nó là vườn ổi lủng lẳng mà những trái to nhất luôn được dành cho nó. Quê nội là ruộng lúa xanh mướt để nó thả hồn tập làm thơ. Quê nội là mặt ao xanh thẫm nó thích thả chân khoắng đám lục bình lững lờ. Quê nội là giàn mướp luôn khiến nó ngạc nhiên về những trái mướp còn nhỏ xíu mà đã quắt queo thành xơ...
Thuở mười sáu, nó không biết quê nội còn có những đêm dài dằng dặc cô ngồi đan len, một cái áo len màu đỏ không bao giờ cô được mặc. Nó không biết quê nội còn có những bữa cơm cô chống đũa ngồi một mình nghe tiếng tu hú gọi xa xa. Nó không biết ruộng lúa xanh óng mà nó tả lại trong bài thơ tập làm, được cô bón bằng những năm tháng thanh xuân. Rồi rơm rạ khô theo thân hình gầy ngẳng và làn da lốm đốm vết đồi mồi. Nó không biết có những lần bị cảm, cô tự vạch áo cạo gió, tự nấu nồi lá xông, và dưới cái mền trùm kín cô ước có một chén cháo hành tiêu thật nóng.
Nó không biết, tuổi mười sáu cần gì phải biết những điều đó. Vậy là cứ mỗi mùa hè nó vô tư làm một sợi dây mỏng manh nối liền phần họ hàng bỏ làng ra phố ngược xuôi với phần còn lại ở quê là bà nội và cô Diệu. Nó vô tư lặp lại nguyên văn lời thăm hỏi “... Đây là quà của nội, đường, sữa, thuốc bổ... Đây là vải, quà của cô. Các bác nói cô cố chăm sóc bà nội rồi mai mốt nhà và vườn cũng thuộc về cô thôi”. Tuổi mười sáu, con bé không biết những giọt nước mắt rơi trên tấm vải mới vì sao. Nó tin ngay khi cô nói “Cháu về cô mừng quá, nước mắt tự nhiên cứ chảy ra”.
Cái khờ khạo của tuổi mười sáu, cái vô tư của tuổi mười sáu và cái tàn nhẫn của tuổi mười sáu. Cô Diệu ơi! Hôm nay cả họ về đây đưa cô và bà nội về phố. Quá muộn rồi. Xin cô tha thứ cho tất cả và xin cô tha thứ cho con bé mười sáu ngày xưa.
“Hụp” - Đôi giày cao gót trẹo về một bên, tôi bật kêu vì đau. Chồng tôi mỉm cười:
- Em thường nói là đường làng em quen lắm, nhắm mắt cũng đi được mà.
Bỗng nhiên tôi nổi cáu:
- Anh về làng sống vài chục năm rồi hãy nói sống quen hay lạ.