Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

TS NGUYỄN XUÂN HƯNG VÀ ThS NGUYỄN NGỌC LƯƠNG - Tương tác giữa người trong ngành chưa tốt
Cập nhật ngày: 23/08/2010

Tập 1 của bộ sách khoa học bán chạy tại Mỹ có tên Sinh học phân tử của tế bào của nhóm các nhà nghiên cứu Lodish, Berk, Kaiser, Matsudaira, Scott, Bretscher, Ploegh, Krieger vừa được dịch ra tiếng Việt bởi hai nhà khoa học trẻ Việt Nam: TS Nguyễn Xuân Hưng (28 tuổi) và ThS Nguyễn Ngọc Lương (33 tuổi). Điều đặc biệt, hai dịch giả này đã dành nhuận bút dịch thuật để hỗ trợ giảm giá cho bộ sách. PV Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với hai dịch giả, nhà nghiên cứu trẻ…

Bìa quyển Sinh học phân tử của tế bào

Có vẻ bộ sách Sinh học phân tử của tế bào chỉ dành cho đối tượng hẹp, những sinh viên chuyên ngành?

Nguyễn Ngọc Lương: Đây là cuốn sách chuyên ngành, vì thế nó chỉ dành cho những sinh viên theo học ngành sinh hoặc y học. Mặc dù được chọn làm sách giáo khoa (SGK) cho nhiều chương trình đào tạo sinh học bậc đại học trên thế giới, có lẽ nó vẫn còn vượt quá tầm đại bộ phận sinh viên ở Việt Nam. Dù vậy, ưu điểm của cuốn sách là trình bày rất chi tiết và cách dẫn dắt từng vấn đề rất dễ tiếp thu. Vì thế tất cả sinh viên ngành sinh học và y học đều có thể tiếp cận tốt. Ngoài ra cuốn sách này rất có ích cho các bạn định du học sau đại học ở Mỹ vì nó chuẩn bị kiến thức rất tốt cho kỳ thi “GRE subject” và vòng phỏng vấn (ví dụ học bổng VEF).

Nguyễn Xuân Hưng: Tôi thì nghĩ, với bản chất là một cuốn SGK về tế bào học, ai cũng có thể tiếp cận, điều khác biệt là mức độ thu nhận thông tin từ cuốn sách tới đâu. Tuy có tính chất chuyên ngành nhưng với độ dày 1.000 trang, các tác giả có đủ không gian để trình bày từ những điều cơ bản, thường thức cho tới những vấn đề chuyên sâu về tế bào. Cũng cần nói thêm, nếu đọc về thông tin tác giả thì anh sẽ thấy họ không chỉ là chuyên gia đầu ngành mà còn là những giảng viên hàng đầu tại các cơ sở đào tạo danh tiếng nhất Hoa Kỳ.

Vậy, phương pháp nghiên cứu từ cuốn sách liệu có gợi mở điều gì mới mẻ đối với bản thân các anh, trong tư cách là những nghiên cứu sinh trẻ nói riêng, và với giới nghiên cứu sinh học tại Việt Nam nói chung?

Nguyễn Ngọc Lương: Thực tế thì việc nghiên cứu cơ bản (đối lập với ứng dụng) về sinh học phân tử tế bào là một công việc đòi hỏi cao về trí tuệ (của người nghĩ ra hướng nghiên cứu), cơ sở hạ tầng và nguồn kinh phí nghiên cứu. Phần lớn các nghiên cứu này tập trung ở những nước có nền khoa học phát triển nhất thế giới. Có lẽ ngành sinh học Việt Nam chưa đủ tầm vóc để đảm nhận nhiệm vụ này. Tuy vậy, việc tiếp cận các kỹ thuật cũng như phương pháp luận nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này không bao giờ là quá sớm và vô ích.

Nguyễn Xuân Hưng: Theo tôi, cuốn sách giúp người đọc, bao gồm tôi, hiểu sâu và nhìn nhận các thí nghiệm một cách có hệ thống hơn. Cần nói rõ rằng tuy đề cập nhiều đến thực nghiệm, nhưng đây không phải là một cuốn sách thực nghiệm, tức không đề cập một cách cụ thể là cần sử dụng loại hoá chất nào, liều lượng bao nhiêu... cho một thí nghiệm. Cách thức đề cập đến thực nghiệm trong cuốn sách luôn ở dạng giải thích và gợi mở, tức là khi cần trả lời cho một câu hỏi thì có thể thiết kế những thí nghiệm gì, và kết quả của mỗi thí nghiệm đó sẽ mang lại câu trả lời như thế nào. Một sinh viên cũng như nghiên cứu viên có thể tiến hành rất tốt một thí nghiệm nếu được người khác chỉ cho cách làm, nhưng không phải ai cũng hiểu để có thể tự thiết kế thí nghiệm nhằm trả lời cho câu hỏi cần biết, chưa nói đến phát kiến ra một phương pháp, quy trình thực nghiệm mới. Tôi thấy trong ngành sinh học, số người biết làm nhưng không hiểu trên thế giới và ở Việt Nam đều có, chỉ khác là ở Việt Nam số lượng những người như vậy lớn hơn nhiều.
 
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lương
Nghiên cứu sinh sinh học, đại học Chonbuk, Hàn Quốc. Đã đạt học bổng Ausaid 1997 – 2002, đại học Melbourne, Úc; thạc sĩ sinh học, hiện là giảng viên khoa sinh học đại học Khoa học, Đại học Huế.
 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng

Năm 2007: nhận được học bổng tiến sĩ tại trung tâm nghiên cứu Borstel, Leibniz trung tâm Y học và sinh học, Đức; từng đoạt giải ba của cuộc thi sáng kiến khoa học, đại học Bách khoa Hà Nội; hiện là nghiên cứu viên, phòng Công nghệ tế bào động vật, viện Công nghệ sinh học, viện Khoa học
 và công nghệ Việt Nam.

Gần đây, việc hình thành các tủ sách tri thức khoa học kinh điển và hiện đại đang được các nhà xuất bản chú trọng. Ngoài ra, trên mạng, đã có nhiều forum (diễn đàn) thu hút đông đảo những người trẻ tham gia (đơn cử như sinh học có sinhhocvietnam.com/forum mà hai anh là những thành viên khá tích cực). Là những người làm khoa học trẻ tuổi đã tham gia trên nhiều diễn đàn, các anh nghĩ gì về môi trường nghiên cứu, trao đổi, tương tác tri thức khoa học trong nước hiện nay?

Nguyễn Xuân Hưng: Qua câu hỏi của anh, tôi thấy rất mừng vì nhờ vậy mới được biết các nhà xuất bản gần đây chú trọng vào các tủ sách tri thức khoa học. Qua việc dịch cuốn sách này tôi thấy rằng, nếu được chú trọng và cách thức làm việc hiệu quả thì lượng sách khoa học tại Việt Nam sẽ không ít như hiện tại. Thật vậy, tất cả những người đang học tập và làm việc tại nước ngoài mà tôi biết đều rất ủng hộ việc dịch thuật này, ai cũng sẵn sàng góp một tay mà không có bất kỳ đòi hỏi nào về mặt tài chính.

Tôi tự thấy mình chưa đủ hiểu biết để có thể nhận xét chung về môi trường khoa học tại Việt Nam hiện nay, chỉ xin nêu một vài thiển ý riêng đối với ngành sinh học mà tôi mới chập chững tham gia. Xin được nhấn mạnh là những ý kiến sau đây chỉ là thiển ý của tôi riêng đối với ngành sinh học của Việt Nam:

Trước hết, tài liệu từ cơ bản đến chuyên sâu của ngành này hiện nay không thiếu và không khó tiếp cận. Điển hình là trên trang web sinhhhocvietnam.com và một số forum khác, nhiều bạn luôn sẵn sàng lấy giúp và chia sẻ tài liệu cho những người có nhu cầu. Tuy nhiên số này chưa nhiều và đa phần mọi người chỉ tham gia các forum khi họ cần một điều gì đó, sau khi đạt được thì hiếm khi quay lại để giúp đỡ những người khác. Thành viên thì đông nhưng trao đổi, đóng góp viết bài thì ít. Có lẽ, ý thức vì cộng đồng vẫn còn là điều gì đó xa xỉ hiện nay!

Ngoài ra, qua quá trình làm việc trong và ngoài nước, tôi thấy trang thiết bị, kinh phí dành cho nghiên cứu tại Việt Nam không thua kém nhiều, nhưng yếu tố con người thì vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước phát triển. Theo tôi biết, hiện ở Việt Nam đã rất chú trọng mời những chuyên gia Việt kiều về đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nhưng vậy thôi chưa đủ. Ngành này sẽ phát triển hơn nhiều nếu như có chính sách mời những nhà khoa học hàng đầu về làm cố vấn hoặc lãnh đạo; có quỹ học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Việt Nam để thu hút sinh viên nước ngoài tới du học, để những sinh viên khá, giỏi của nước nhà không có điều kiện ra nước ngoài yên tâm học tập, nghiên cứu; có chính sách khen thưởng, bổ nhiệm, phong học hàm, học vị dựa trên công bố quốc tế, một tiêu chuẩn mà hầu như mọi nước đều áp dụng.

Cuối cùng, sự tương tác giữa những người trong ngành còn chưa tốt. Cụ thể tôi thấy sẽ rất đáng quý nếu lập được cơ sở dữ liệu về: những đề tài nghiên cứu đã, đang, sẽ được tiến hành tại Việt Nam; các cán bộ nghiên cứu trong ngành và chuyên môn của họ; luận văn từ cấp sinh viên đến tiến sĩ của người Việt Nam, bất kể được thực hiện trong hay ngoài nước; các loại hoá chất, sinh phẩm mà các cơ quan đang nắm giữ và sẵn sàng chia sẻ, điều này rất quan trọng khi mà nhiều loại chủng giống vi sinh vật, dòng tế bào... nếu mua từ hãng thì có giá lên tới hàng ngàn USD, nhưng chỉ cần mua một lần thì sau đó tự nhân lên để chia sẻ được.

Được biết, các anh đã hỗ trợ nhuận bút dịch thuật để góp phần giảm giá sách với mong muốn người đọc sẽ dễ mua hơn. Nhưng, giá sách cao có phải là vấn đề chính khiến người ta ngần ngại sở hữu, trang bị những tủ sách tri thức chuyên ngành?

Nguyễn Xuân Hưng: Một số người chỉ cần thích một cuốn sách thì không tiếc tiền mua, nhưng số này không nhiều. Hơn nữa dù có thích đến đâu, nhưng nếu không đủ tiền thì cũng khó mà mua được! Ngoài ra, chỉ cần việc giảm giá sách giúp thêm một vài người có thể tiếp cận cuốn sách là chúng tôi đã vui rồi.

Theo các anh, chính phủ có nên xây dựng những phương án hỗ trợ giá cho dạng sách này để phát triển dân trí – khoa học như một chiến lược phát triển nền tảng và lâu dài?

Nguyễn Ngọc Lương: Gần đây có nhiều tai tiếng về đạo văn của một số trí thức ở Việt Nam. Bên cạnh đó mặc dù một số ngành có rất nhiều SGK, nhưng vẫn hạn chế về tính cập nhật, toàn diện và thực tiễn. Việc viết SGK không giống như viết sách chuyên ngành, khi một chuyên gia chia sẻ những gì chỉ mình anh ta biết rõ nhất. Việc viết được một cuốn sách giáo khoa hay đòi hỏi một chút năng khiếu, một chút uyên bác và một chút may mắn. Điều này giải thích tại sao cả thế giới chỉ dùng vài ba cuốn SGK cho mỗi chuyên ngành. Chính vì thế, tôi nghĩ việc dịch các cuốn SGK này ra tiếng Việt sẽ đem lại rất nhiều lợi ích: Thứ nhất, chúng ta hoà nhập nhanh chóng với tri thức nhân loại. Thứ hai, ta tiết kiệm được công sức, tiền của tự biên soạn. Thứ ba, rào cản ngôn ngữ, một trong những rào cản lớn nhất để tiếp cận tri thức, bị loại bỏ hoàn toàn. Tôi đã chứng kiến sinh viên tại Hàn Quốc sử dụng bản dịch các cuốn sách giáo khoa nổi tiếng trên thế giới với giá chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 giá gốc. Đây là một việc nước ta nên làm và có thể làm được trong tầm tay.

Nguyễn Xuân Hưng: Tất nhiên là có. Đây cũng là điều mà tôi và nhiều người trong ngành rất chờ mong. Vì đặc thù của sách chuyên ngành khoa học là lượng độc giả ít, đặc biệt là với những chuyên ngành hẹp, trong khi tiêu chí cuối cùng của mỗi nhà xuất bản đều là lợi nhuận. Nếu không được Chính phủ hỗ trợ thì ngay việc nhà xuất bản có tiến hành dịch và xuất bản hay không cũng là một vấn đề, chứ chưa nói đến giá sách có đủ thấp để nhiều người mua được hay không!

Thực hiện: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
(Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị)

TS LÊ THỊ NGUYỆT MINH
Viện Miễn dịch, trường y khoa Harvard, Mỹ

“Tôi thật sự xúc động khi nhận được tập đầu tiên của cuốn sách này. Tôi đã đọc cuốn sách này nhiều lần bằng tiếng Anh nhưng đây là lần đầu tiên, được thấy những dòng kiến thức tuyệt vời này bằng tiếng mẹ đẻ. Trong suốt hai năm vất vả xin bản quyền, tôi rất cảm phục nhiệt tình của anh Nguyễn Xuân Hưng, âm thầm dịch một mình từng chương. May mắn thay khi chúng tôi chính thức bắt đầu đề tài, anh Nguyễn Ngọc Lương cũng tình nguyện tham gia dịch. Bản dịch rất trôi chảy và trung thực với nguyên tác. Tôi rất khâm phục trình độ chuyên môn của các dịch giả, sự tỉ mỉ và rất khéo trong việc dịch thuật ngữ và các khái niệm phức tạp, nhất là trong những lĩnh vực mới chưa được viết nhiều bằng tiếng Việt. Tôi mong các tập tiếp theo của cuốn sách cũng sẽ được các anh dịch với chất lượng cao như vậy”.
 

 
ÔNG PHẠM SỸ SÁU
Trưởng phòng khai thác đề tài
và giao dịch bản quyền, NXB Trẻ
 
“Trước hết, cần ghi nhận đây là công việc của một nhóm nghiên cứu sinh trẻ tự nguyện và đam mê khoa học, muốn đưa những tri thức chuyên ngành đến với độc giả, sinh viên nghiên cứu trong nước. Với tinh thần tự nguyện, với sự vận động xin tài trợ tác quyền miễn phí của TS Lê Thị Nguyệt Minh, ThS Nguyễn Thị Thanh Dịu cộng với tinh thần dịch thuật đầy trách nhiệm của hai dịch giả Nguyễn Xuân Hưng và Nguyễn Ngọc Lương, qua một năm rưỡi làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm, tập 1 của bộ sách đã ra mắt bạn đọc. Với những cuốn sách khoa học có tính chuyên môn cao như thế này, nếu không có sự nhiệt tình và đóng góp tri thức (thẩm định, giới thiệu, dịch thuật) của những người trẻ tự nguyện như vậy, chắc chắn sách sẽ khó đến với bạn đọc Việt Nam”.
Các Tin Tức Khác