Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Những nhánh xương nhọn
Cập nhật ngày: 03/10/2013

Điểm chung nhất giữa con người và trang viết Võ Diệu Thanh là sự chân thật đến thẳng thắn như một vết chém. Nó ẩn chứa dưới vẻ thô mộc của ngôn từ. Nó hiện ra bằng câu chuyện đời sống ngồn ngộn.

Lắm lúc đọc truyện của Thanh như thể một sự thách thức, vì những chi tiết kỳ dị, kiểu như một anh kia chỉ thích sống với chó và coi chó là vợ (Trở lại với người), hoặc một gã bị ám ảnh bởi những xác chết bị ruồi bu (Mùi vị trần ai).

Duyên cớ đâu đâu mà lại đưa người ta tới một cốt truyện sinh động, vặn xoắn, rồi có lúc rẽ ngoặt bất ngờ, tưởng họ chết tới nơi thì lại sống nhăn răng. Sống để trả cái nợ tiền kiếp, hoặc để trở lại là con người bình thường trong kiếp này. Nhân vật nhiều khi trải qua cơn kinh thiên động địa mới thức tỉnh, rồi phải tự giật lấy một cơ hội sống sót.

Khoảng 2/3 truyện trong tập 17 cây số đường ma xoay quanh tình yêu. Hình như cái xứ cải lương này mặn mà với những câu chuyện tình buồn. Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Tư... rồi Võ Diệu Thanh. Người ta sống nặng tình quá sợ bị phụ tình, cũng khổ. Có khi tình yêu đến sát rạt bên hông mà vẫn còn dè dặt, không dám nhận, hoặc chịu thiệt thòi cho bản thân khi nhận ra nó là một thứ giống mùa nghịch (Giống mùa nghịch). Còn việc nghi ngờ tình yêu thì ở đâu cũng có, nhưng trong truyện của Võ Diệu Thanh thì khác thường quá: cô bé mười bảy tuổi thích theo nghề phá thai vì không muốn thấy những đứa trẻ như mình được sinh ra. Cô không tin những cái bụng bầu là kết quả của tình yêu. Nhưng rồi cơn ám ảnh của cô sẽ được chữa lành bởi một anh chàng không muốn thấy cô ở trong cái nghĩa địa đó nữa (Màu lá cứ xanh). Vậy là tình yêu cũng có thật. Một tình yêu được tìm thấy như một hành trình sống.

Truyện của Võ Diệu Thanh sắc lạnh, khái quát được những ngóc ngách tâm trạng của nhân vật, đến mức còn lại cái khung đầy những nhánh xương nhọn, có thể cứa vào tâm can người đọc. “Tịnh nghĩ mình khóc nhìn chắc như ma. Cho nên... cô không khóc. Cô chạy miết xuống sông, úp mặt chìm trong nước. Nước trong mắt tan vào dòng sông. Sông khóc chớ ta có khóc đâu. Rõ ràng cô thấy con sông rùng mình. Có lẽ nó nguyền rủa. Sao cô dám úp cái mặt trù cha rủa mẹ của cô vào lòng tôi?” - bao nhiêu đó chữ mà thấy được nỗi cô đơn kinh khủng của một cô gái (Giống mùa nghịch).

Có người nhận xét văn của Võ Diệu Thanh như của một gã đàn ông (uống rượu). Nhưng tôi thấy cô viết giống đàn bà hơn. Đó là sự mạnh mẽ không dễ có được và không thể kháng cự được.

Theo TRẦN NGỌC SINH - Báo Tuổi Trẻ

Các Tin Tức Khác