Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Đoàn Minh Phượng 'Và khi tro bụi'
Cập nhật ngày: 05/11/2007

 
"Và khi tro bụi" (NXB Trẻ, 2006) của Đoàn Minh Phượng trở thành cuốn sách đoạt giải thưởng văn xuôi duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007.

Cách đây nhiều năm, tôi có gặp chị Đoàn Minh Phượng. Khi ấy chị mới về nước và bắt đầu công việc kinh doanh tại TP HCM. Thi thoảng chị ra Hà Nội, vào làng lụa Vạn Phúc, sang làng gốm Bát Tràng mua những thứ gì đó, giống như khách du lịch đi mua đồ lưu niệm.

Sau khi những gói đồ đạc to tướng được đóng gói gửi vào TP HCM, chị mới dành thời gian đi thăm thú Hà Nội và tôi gặp chị trong một lần như thế.

Khi nói chuyện, nghe loáng thoáng chị đang có ý định làm phim hay viết kịch bản gì đó. Sau này tôi biết thêm, chị mở gallery, rồi một số cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ gỗ, đồ sứ cao cấp, trên một trong những đường phố chính tại TP HCM.

Cửa hàng của chị rất đông khách. Những món đồ thủ công xoàng xĩnh ở ngoài này, qua nghiên cứu và sáng tạo riêng của chị đã trở thành những món hàng độc đáo, hấp dẫn với khách nước ngoài và cả những khách hàng kỹ tính trong nước.

Ấn tượng của tôi khi ấy về chị càng được củng cố. Chị là một Việt kiều mới trở về nước và đang thử nghiệm các cơ hội kinh doanh khác nhau. Chị là một doanh nhân.

Bỗng một lần, bạn văn ở TP HCM gửi cho tôi một truyện ngắn với lời giới thiệu ngắn gọn là “rất được” của tác giả với cái tên mới toanh: Đoàn Minh Hà.

Động hoa vàng được mở đầu bằng câu thơ: “Ngày xưa có gã từ quan/Lên non tìm động hoa vàng ngủ say” của Phạm Thiên Thư. Cả câu chuyện cũng là một bài thơ, tiết tấu chậm, viết kỹ và tinh tế.

Tuy được giới thiệu đây chỉ là một trong những sáng tác đầu tay của tác giả, nhưng mới đọc đã nhận ngay ra sự già dặn trong nghề được tiết chế tới mức tối đa cảm xúc và câu chữ.

Truyện ngắn Động hoa vàng ngay sau đó đã được in trên báo Tiền phong Chủ nhật. Khi báo ra, người bạn kia mới tiết lộ: Đoàn Minh Hà chính là “chị Phượng” mà tôi từng gặp - một sự bất ngờ thú vị.

Thế rồi cái tên Đoàn Minh Phượng (đạo diễn) lại xuất hiện cùng với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu - được coi là sản phẩm của “sự bất lực khi định viết nó thành tiểu thuyết”, thể hiện bằng hình ảnh.

Bộ phim này được đánh giá khá cao khi tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế, có lúc trở thành đối tượng khiến giới truyền thông nước ngoài tốn nhiều giấy mực.

Bằng một ngôn ngữ điện ảnh lạ, Hạt mưa rơi bao lâu kể lại câu chuyện xảy ra cách đây hai trăm năm ở một miền quê đồng bằng Bắc Bộ, được đánh giá “là sự kết hợp giữa vẻ đẹp vĩnh hằng, quyền lực và sức mạnh của người phụ nữ trong một xã hội quá nhiều định kiến”.

Và bây giờ, Và khi tro bụi (NXB Trẻ, 2006) của Đoàn Minh Phượng trở thành cuốn sách đoạt giải thưởng văn xuôi duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007.

Sách không ghi thể loại, nhưng người viết bài này tạm gọi đây là tiểu thuyết. Đoàn Minh Phượng lại mở đầu bằng một câu thơ, của Henry Vaughan, dịch qua lục bát: “Và khi tro bụi rơi về/Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương”, như là cảm hứng cho toàn bộ cuốn sách.

Nhân vật chính là một phụ nữ có chồng mất trong một tai nạn. Chị không muốn sống nữa và quyết định tìm đến cái chết. Một cái chết chủ động, và người định chết cũng không biết bao giờ mình sẽ chết và chết theo cách nào.

Chị chọn cuộc sống trên những con tầu, lang thang khắp châu Âu. Một lần dừng chân, chị quyết định nhất thiết phải mua ngay một quyển sổ. Chị phải ghi lại hình ảnh của mình, để định nghĩa chính xác mình là ai trước khi từ giã cuộc đời.

Bởi vì cho đến lúc đó chị chỉ là một đứa trẻ mồ côi, đến từ đất nước có chiến tranh. Chị là một khách lạ ở xứ sở châu Âu, một con người không có quê hương giống như một hạt cỏ gió đưa đến bám rễ trên vách đá, tôi biết thân phận của mình rất dễ vỡ.

Nhưng cuốn sổ đã mở đầu cho những bất ngờ liên tiếp. Người trực đêm khách sạn đã không bán mà tặng chị cuốn sổ ấy. Trong đó có chứa cả một câu chuyện lạ lùng và bi thương của chính anh ta. Hành trình đi tìm cái chết của chị biến thành một cuộc kiếm tìm để ngăn một cái chết khác.

Toàn bộ câu chuyện luôn ẩn hiện trong một màn sương mờ ảo, hoang mang, đôi lúc khó nắm bắt. Một thân phận tha hương, phải chịu đựng những xung đột về xã hội, văn hóa, phân vân giữa quá khứ và hiện tại, hiện tại và tương lai. Để cuối cùng, người đàn bà - nhân vật chính nhận ra, chị cũng chỉ là một trong số những người chị từng gặp và tiếp tục đi tìm.

Một người từ bỏ gốc rễ, cội nguồn của mình sẽ không thật sự bám rễ được vào đâu hết. Người ấy cần phải sống những ngày những đêm những tháng của mình chứ không phải sống bằng thời gian, trí nhớ của người khác.

Giống như tro bụi, cũng có quê hương và một lúc nào đó rơi về...  

(Nguồn: Tiền Phong)

Các Tin Tức Khác