Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

“DU KÝ VIỆT NAM” CÙNG CÁC CÂY BÚT THỜI PHÁP THUỘC
Cập nhật ngày: 08/05/2007

“NXB Trẻ vừa ra mắt bạn đọc tuyển tập “Du ký Việt Nam” gồm 3 tập, mỗi tập dày hơn 600 trang, do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu. Những bài viết trên tuyển tập này đã được đăng tải trên tạp chí Nam Phong từ năm 1917 – 1934. Đọc tuyển tập, độc giả không chỉ được chu du khắp đất nước Việt Nam, mà còn hiểu thêm về kinh tế, chính trị, xã hội. Nó là một bức tranh khá đầy đủ của xã hội Việt Nam thời đó”

Ngày nay, cách sử dụng ngôn từ trong thể loại bút ký có hiện đại hơn, nhưng những trang viết này vẫn gây ấn tượng cho độc giả ở thể loại nằm giữa báo chí và văn học này.  Có thể nói, du ký là một thể loại đặc biệt của văn học. Nó không đơn thuần là một tác phẩm văn chương mà còn hàm chứa nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội… Khi văn học Việt Nam chuyển mình sang hướng hiện đại hóa, trên cơ sở chịu ảnh hưởng và tiếp thu văn học phương Tây, thì cùng với thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự … ký sự cũng phát triển. Sự xuất hiện của báo chí, nhà in, nhà xuất bản, sự nở rộ của những cây bút hay nên việc xuất hiện những tác phẩm hay là điều tất yếu… Có thể nói, thời đó, tạp chí Nam Phong là nơi đăng tải nhiều bài bút ký hay của nhiều cây bút cả nước.
 

Tạp chí Nam Phong tồn tại gần 17 năm, với chủ nhiệm kiêm chủ bút là Phạm Quỳnh đã được sự cộng tác của các cây bút từ Bắc vào Nam. Những chuyến đi dù ngắn hay dài ngày, được thể hiện qua lăng kính của một nhà văn, nhà báo đã trở nên gần gũi và thiết thực hơn với độc giả. Bây giờ, khi đọc lại những tác phẩm ấy, người đọc sẽ thấy được cách thể hiện mới lạ, phong cách rất riêng của người viết.

Trong “Một tháng ở Nam Kỳ” của Phạm Quỳnh, chỉ có vài câu thôi đã đủ để mọi người hình dung bao quát xã hội ở miền Nam: “Ở Sài Gòn, thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây. Vào đến Chợ Lớn thì lại ra một nơi đô hội theo lối Tàu. Còn các châu thành khác ở lục tỉnh thì  những nơi quan sở là Tây mà chốn phố phường là Tàu, phần An Nam thật ít lắm. Xét về phương diện đó thì những nơi đô hội Bắc Kỳ tuy coi cũ kỹ mà còn có cái vẻ An Nam hơn”

 
Đọc tuyển tập, người đọc sẽ phát hiện ra rằng, có nhiều dòng du  ký thú vị tồn tại qua từng trang viết. Đó là dòng viễn du, mở ra chân trời mới, cùng những cuộc đi dài hơi, phong phú và hấp dẫn ở nước ngoài, tiêu biểu là “Pháp du hành trình nhật ký” của Phạm Quỳnh được viết trong sáu tháng ông đến và đi tham quan nước Pháp, “Hạn mạn du ký” (Nguyễn Bá Trác) là cuộc hành trình của các nơi Bangkok, Hương Cảng, Nhật, Thượng Hải, Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Quảng Đông… dòng du ký khảo cứu danh nhân lịch sử, khảo sát giới thiệu cả một vùng văn hóa rộng lớn như những bài: “Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh”, “Các lăng điện xứ Huế” (Nguyễn Đức Tính) “Tây Đô thắng tích” ( Thiện Đình), Cảnh vật Hà Tiên (Đông Hồ - Nguyễn Văn Kiểm), “Du tử Trầm Sơn ký” (Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục), “Nam du đến Ngũ Hành Sơn” (Nguyễn Trọng Thuật)…. Những phong cảnh thiên nhiên cuộc sống đời bình dị, niềm vui văn hóa lễ hội như: “Trẩy chùa Hương” (Thượng Chi), “Tết chơi biển” (Trúc Phong), “Cuộc chơi trăng sông Nhuệ” (Mai Khê)…
 
Mỗi một bài viết đưa khán giả thưởng ngoạn và tìm hiểu nhiều địa phương trong cả nước từ miền núi xa xôi, đô thành rộn rịp đến nhịp sống người dân miền sông nước. Tập sách là nguồn tư liệu quý để mọi người cùng ngắm nhìn toàn cảnh xã hội Việt Nam và một số nước trên thế giới từ thế kỷ trước.
 

Thảo Hương.

(Báo Hậu Giang, ngày 23/4/2007)  

Các Tin Tức Khác