Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:Tôi không muốn viết mãi một kiểu
Cập nhật ngày: 05/06/2007

NV Nguyễn Nhật Ánh ký tặng bạn đọc
tại Hội sách Hè 2007 - Ảnh: HNH
 
Khi dư vị của hành trình phiêu lưu của các cô - cậu bé nơi xứ sở Lang Biang chưa kịp tan, cây bút chuyên viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn đã tiếp tục trình làng một ấn phẩm khá độc đáo: Tôi là Bêtô. Trẻ nhỏ bị truyện ông chinh phục bởi sự hồn nhiên, lý sự thường thấy ở lứa tuổi của chúng. Người lớn lại thấy, đây là một tác phẩm đầy suy tư, trăn trở

. Phóng viên: Sau khi đưa người đọc vào thế giới phép thuật huyền ảo, giờ đây ông lại để những chú chó nói về cuộc sống của mình. Điều gì khiến ông chọn lăng kính mới mẻ thế?

- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Thực ra, trong khi viết bộ sách Chuyện xứ Lang Biang (CXLB), tôi đã bắt đầu viết tác phẩm Tôi là Bêtô. Tôi viết truyện này xen kẽ giữa các chương sách phù thủy như một cách thư giãn. Bạn cũng thấy rồi đó, CXLB có cốt truyện lắt léo, căng thẳng, biến cố dồn dập, thắt nút mở nút liên tục nên nhiều lúc tôi có nhu cầu phải thoát ra cái “từ trường” đầy áp lực của nó. Những lúc đó, tôi lấy lại thăng bằng bằng cách viết Tôi là Bêtô, một cách tiếp cận văn chương theo kiểu khác, nếu không muốn nói là hoàn toàn ngược lại. Tôi viết nhởn nhơ, tung tẩy, ngân nga. CXLB gay cấn bao nhiêu thì Tôi là Bêtô nhẹ nhõm bấy nhiêu. Trong CXLB, các tình tiết móc xích với nhau chặt chẽ như trong một cỗ máy thì ở Tôi là Bêtô, mọi thứ như được tháo rời ra. CXLB kéo dài gần 3.000 trang, Tôi là Bêtô gói gọn trên dưới 150 trang. Tình cảnh tôi viết Tôi là Bêtô đại khái cũng giống như một cầu thủ bóng đá chơi vài ván bi-da để thư giãn sau một trận cầu căng thẳng. Mà bi-da hiển nhiên là khác với bóng đá.

. Theo dõi ông từ Xin lỗi mày Tai To đến Tôi là Bêtô, có cảm giác ông đặc biệt hiểu loài vật nuôi này?

- Trong tất cả các vật nuôi, chó là con vật gần gũi nhất với con người. Ngay từ bé, các chú chó đã là người bạn rất đỗi thân thiết của tôi. Đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc bài hát trẻ con chúng tôi hay hát: “Nhà em có nuôi một con chó. Trông nó to như con bò. Sáng nó kêu gấu gấu gấu. Trưa nó kêu gâu gâu gâu. Tối nó kêu gầu gầu gầu...”. Sau này tôi đi thanh niên xung phong, chó cũng là người bạn không thể thiếu trong doanh trại. Bây giờ tôi lại tiếp tục làm bạn với mấy chú cún trong nhà.

Ngoài Xin lỗi mày Tai To và Tôi là Bêtô, tôi còn một cuốn nữa viết về loài vật đáng yêu này in ở NXB Kim Đồng có tên là Chó con dũng cảm, sách dành cho lứa tuổi nhi đồng. Tôi thích viết về loài vật này không chỉ vì chó là loài vật trung thành mà còn vì đó là vật nuôi duy nhất có khả năng biểu hiện các sắc thái tình cảm sống động và đa dạng, gần với con người nhất. Bạn ngẫm mà xem, không con vật nào có được ánh mắt linh động và biểu cảm như con chó, không con vật nào có cái đuôi “biết nói” như con chó. Cả tiếng sủa, tiếng tru, tiếng gừ, tiếng rên của nó nữa... đó là thứ ngôn ngữ nhiều ý nghĩa mà chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được.

. Hình mẫu và tính tình của Bêtô, Binô và Laica lấy từ vật nuôi trong nhà, cả những nhân vật như Ni, ba chị Ni… hình như cũng thế. Người đọc sẽ cho rằng ông dễ dãi khi “bê” không gian sinh hoạt trong nhà ông vào truyện. Ông nghĩ sao?

- Tôi không biết có nhà văn nào mà không “bê” những gì gần gũi nhất, thân thuộc nhất của mình vào truyện. Nếu bạn đọc Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải hay Dạ Ngân, bạn sẽ thấy những tác phẩm xuất sắc nhất của họ là những tác phẩm dựa trên chuyện đời mình. Cả nhà văn Tô Hoài khi viết truyện loài vật hay truyện người lớn đa số cũng là viết chuyện đời mình hay chuyện quanh mình đó thôi, đơn giản vì nhà văn viết bằng những gì đã trải nghiệm.

Chẳng hạn khi viết truyện mà buộc phải tả cái phòng ngủ thì tả cái phòng ngủ nhà mình vẫn tốt hơn là tả cái phòng ngủ của nhà hàng xóm. Tả cái không phải của mình, không những độ chính xác không đáng tin cậy mà ngay cả đạo đức cũng bị nghi ngờ. Hầu hết các tác phẩm lẫy lừng nhất của G. Marquez cũng đều viết về cái làng của mình, về gia đình và dòng họ của mình đó thôi. Có vô số những dẫn chứng như vậy. Và biến tất cả những cái đời thường xù xì đó thành văn chương không hề là “chuyện dễ dãi”.

Bởi thế giới bên ngoài khi đi vào văn chương bao giờ cũng được nhà văn thiết kế lại theo những quy tắc nghệ thuật, chứ không phải là “bê nguyên xi” như có người nghĩ, bởi nếu “bê nguyên xi” cuộc đời thì người đọc sẽ đọc thẳng vào cuộc đời chứ chẳng việc gì phải liếc vào trang sách. Ví dụ để “thai nghén” chú chó Bêtô, công việc đâu chỉ đơn giản là quan sát một chú chó nào đó rồi viết ra, mà hình ảnh của nó phải kết hợp và nhập vào với vô số những con chó tác giả đã từng biết trước đây để lọc ra những đặc điểm chung nhất.

. Tôi là Bêtô không có cốt truyện, không có cao điểm thắt/ mở thường thấy ở truyện Nguyễn Nhật Ánh. Có thể, điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ mất đi một lượng độc giả quen thuộc?

- Có thể như thế. Và tôi cũng đã nghĩ đến điều đó khi viết cuốn sách này. Độc giả thích một nhà văn nào đó tức là thích lối viết của anh ta. Cũng như khán giả âm nhạc thích một ca sĩ đôi khi là thích cái phong cách biểu diễn của ca sĩ đó. Đổi khác đi là họ không thích. Các độc giả của tôi cũng vậy, các em đang chờ đợi một tác phẩm nào đó như Ngôi trường mọi khi, Cô gái đến từ hôm qua hay Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang... mà các em đã biết.

Nếu muốn bảo đảm số lượng sách tiêu thụ ở mức ổn định, tôi sẽ tiếp tục viết theo phong cách quen thuộc của mình, nhưng tôi lại không muốn viết mãi một kiểu. Người ta thường gọi tôi là nhà văn best-seller, nhưng nhà văn có sách bán chạy cũng có nỗi khổ của mình, tức là anh không dám đổi mới cách viết. Anh sợ phải “chống lại người đọc” của mình, và nếu cứ như vậy anh sẽ trở thành “nô lệ” cho chính cái sự “best-seller” đó, hệ quả tất yếu là tính sáng tạo của anh sẽ bị chính anh phong tỏa. Tất nhiên, sự đổi mới cách viết của một nhà văn không có nghĩa là từ bỏ hay đoạn tuyệt cách viết cũ. Tôi là Bêtô vẫn kế thừa không ít những đặc trưng của các tác phẩm trước đó. Và may mắn thay, các độc giả của tôi vẫn còn nhận ra tôi trong cuốn sách này.

Phương Quyên thực hiện
(Theo NLĐ, 3/6/2007)
Các Tin Tức Khác