Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Mạc Can và mớ ráy tai kỳ lạ
Cập nhật ngày: 11/08/2006

Nhà văn Mạc Can - nguồn: NLĐĐọc văn của ông, không ai nghĩ đó là tự thuật của một cuộc đời chuyên diễn hề mua vui cho thiên hạ. Vào lúc gần cạn vốn thời gian làm người, ông “diễn vai” nhà văn và ảo thuật cùng những con chữ ẩn chứa nỗi buồn.
 
Sau tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, in lần thứ 3 do NXB Trẻ phát hành, hình như Mạc Can viết sung sức hơn. Tập truyện Người nói tiếng bồ câu xuất bản còn nóng hổi, ông lại tiếp tục trình làng Tạp bút Mạc Can - NXB Trẻ vừa phát hành.

Cầm bút là vui nhưng sợ

Người ta đã gọi ông là nhà văn. Có người gọi vui ông là nhà văn trẻ. Nhưng hơn ai hết, ông sợ danh xưng này lắm. Sợ người khác gọi mình là nhà văn bởi trong suy nghĩ của ông, nhà văn phải là bậc trí thức lỗi lạc. Ngẫm lại phận mình, mặt ông buồn, mắt ông buồn và cả dáng ngồi cũng buồn co ro trông bé nhỏ như những con chữ li ti trên sách. Ông không phải là người nhiều chữ, thậm chí như ông tự nhận, viết còn sai chính tả, viết như nói. Ông bảo bây giờ mới là thời điểm ông tập viết văn, chứ người ta không thể thương Mạc Can hoài mà đọc mãi cái giọng văn nói ấy được. Đâu phải ông tự trào văn chương của mình, ông ý thức luyện nghề để mong sống lâu với nghiệp chữ đó thôi. Mạc Can nhìn nhận: “Cầm viết vui nhưng sợ, mỗi khi cầm viết tui lo vô cùng”. Và sau khi in xong Tạp bút Mạc Can, ông vẫn còn lo. Trước khi viết, ông lo đi hỏi ý kiến các chuyên gia viết tạp bút như nhà thơ Đỗ Trung Quân để nghe xem cái thể loại tạp bút có “ngon ăn” không. Sau khi in, gặp ai, ông cũng hỏi: “Sao, cái tạp bút mới đọc được không?”. Mạc Can đã viết tạp bút theo cái cách... Mạc Can, viết tất tần tật những gì ông ghi nhớ được bằng mắt, bằng tai và bằng tưởng tượng. Thậm chí nó là những cuộc đối thoại “vui vẻ cả làng, khóc than cả xóm”, rất hài hước ngoài mặt nhưng “hẻo” trong lòng.

Nếu là một công chức bình thường thì ở tuổi 62 tính theo tuổi mụ (Mạc Can sinh năm 1945, còn ngày tháng thì ông không biết) như ông đã hưu nhàn sau một đời lao lực. Khổ nỗi ông lại là Mạc Can rút ruột đẻ ra những Tấm ván phóng dao, Người nói tiếng bồ câu... bằng vốn sống một đời trầm mặc. Riêng Tấm ván phóng dao đã mang về cho ông 3 giải thưởng của cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn Việt Nam, Giải văn học TPHCM và của Trung tâm Văn hóa doanh nhân.

Sau cú phóng lưỡi dao chữ nghĩa điệu nghệ vào tấm ván văn chương, nhiều người bảo ông ăn may. Xét ở góc cạnh nào đó, Mạc Can thật may mắn khi có số phận tác giả ly kỳ tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm. Rồi Người nói tiếng bồ câu đã giúp ông minh chứng tiếp tiếng nói lạ đầy năng lực. Một nhà văn có nghề thâm niên hơn ông nhận định: “Bắt đầu từ Người nói tiếng bồ câu, Mạc Can đã ở lại...”. Và ông đã ở lại để tiếp tục hành trình chữ nghĩa bằng các truyện ngắn, truyện dài, truyện thiếu nhi, kịch bản phim... Mạc Can đang hoàn thành bản thảo truyện dài Phóng viên mồ côi để in tiếp ở NXB Trẻ theo đơn đặt hàng. Cùng thời gian, ông lo hoàn thành tiểu thuyết Người ruồi và tập truyện Cuộc hành lễ buổi sáng cho Công ty sách Đông A của họa sĩ Trần Đại Thắng ở Hà Nội. Chưa kể kịch bản phim Ai khóc bên kia bức tường cho đài HTV... Chỉ bấy nhiêu đủ thấy bút lực sung mãn cũng như sự mê đắm chữ nghĩa của ông.

Tình người trong văn giới

Nhà văn Mạc Can kể ông bị nghễnh ngãng tai trái do ráy tai phát triển không bình thường. Cứ khoảng một tuần ông phải đi lấy ráy tai một lần mà lần nào cũng làm anh thợ hớt tóc ngạc nhiên bởi cục ráy to hơn đầu ngón tay út. Khi lấy ráy tai xong, ông cảm tưởng như gió ùa vào lỗ tai hoặc như ai tháo đáy một hồ nước. Còn trước đó, trong lỗ tai trái nhà văn như có ai trú ngụ chuyện trò với ông. Đem chuyện lỗ tai của mình, ông kể với họa sĩ Trần Đại Thắng và được anh đặt hàng viết thành tiểu thuyết Người ruồi. Mạc Can đã hư cấu cái lỗ tai trái đầy ráy của mình thành nơi cư trú Người ruồi để thường xuyên Người ruồi bò ra sống mũi nhìn vào mắt ông hàn huyên tâm sự. Chuyện nghe có vẻ tiếu lâm hơn liêu trai khi nó được Mạc Can viết thành sách. Nhưng Người ruồi ra đời từ một lỗ tai “đầy rác” như thế ẩn chứa sự đơn độc trong sáng tạo của nhà văn. Sáng tạo, đối với Mạc Can, đó là cuộc chuyện trò triền miên với chính mình.

Bước chân vào làng văn, ông ngơ ngác trước bao điều mới lạ nhưng cũng dần dần nhận biết mọi thứ, nhất là thứ “tình trong văn giới”. Một số nhà văn mà Mạc Can ngưỡng mộ nhận xét chân tình rằng Mạc Can viết văn hay bởi ông không biết hoặc bỏ ngoài tai những tai nạn chết người trong nghiệp chữ. “À hen, nghĩ tui cũng gan thiệt, đang làm diễn viên tự dưng đi viết văn.” – ông cười khoe hàm răng sún vô tư. Nhưng sự đơn độc hay những tai nạn chữ nghĩa luôn rình rập nhà văn không thể xua nổi sự ấm áp nghĩa tình trong văn giới. Nhà văn Mạc Can góp mặt với đời cũng nhờ nhiều người thương ông, giúp tác phẩm của ông hiện diện và giúp cả những vụn vặt đời thường. Hôm Mạc Can ra Hà Nội nhận giải thưởng của Trung tâm Văn hoá doanh nhân, nhà văn Lê Lựu đã mời ông về nhà mình. Trời Hà Nội khi ấy vào đông rất rét, ông nằm trên chiếc giường của Lê Lựu còn Lê Lựu thì nằm dưới sàn nhà. Nửa đêm, lạnh không ngủ được, bất giác Mạc Can phát hiện Lê Lựu đang rón rén đắp mền cho ông. “Ông là nhà văn lớn lại quan tâm từng chút đến “nhà văn trẻ” như tui. Thật hạnh phúc không còn gì để tả” – Mạc Can cảm khái.

Nhắc đến những chuyện xúc động, ông lại đưa tay dụi mắt, có những chuyện ông vừa dụi mắt vừa cười ngất ngư. Mắt ông “nhà văn trẻ” này đang yếu dần nên ông đã phải đi khám nhiều lần. Trời hôm ấy vẫn không ngừng mưa, hình như cái đuôi cơn bão đang quét trúng Sài Gòn. Ông “nhà văn trẻ” Mạc Can lúi húi xăn quần lên tận gối, trùm áo mưa cánh dơi kín người, khệ nệ rinh cái két sắt gắn vào ba-ga chiếc xe thồ hàng... rồi lẩn vào đám đông đang kẹt xe. Không ai kịp nhận ra ông là nhà văn Mạc Can giữa bộn bề phố chợ.
 
Tạp bút Mạc Can có tên gọi nhân vật hẳn hoi như truyện. Hiệp sĩ có tài ngoại cảm, dự báo được mọi điều sắp xảy ra bằng kinh nghiệm sống, trí tưởng tượng... qua một thời cực kỳ khốn khó. Hiệp sĩ hiện hình ở nhiều dạng, có thể là một văn sĩ, một người ngớ ngẩn... cũng có thể là một ly trà đá. Đối lập với hiệp sĩ là người săn mồi, mà người săn mồi thì đã tồn tại từ thời tiền sử trong nhiều lớp hóa trang, biến hình khác nhau. Trong bài tạp bút dài 89 trang như Cuộc thử nghiệm tồn tại nhiều tạp bút ngắn như: Không nên gọi ai là “giáo sư thạc sĩ”, Anh ba Sơn Nam, Chim quyên xuống đất, Tiếp thị nóng... Do vậy Tạp bút Mạc Can dày hơn 300 trang, gần bằng một tiểu thuyết, nhưng không làm “mệt” người đọc.
 
TRẦN HOÀNG NHÂN
(Theo Người lao động, 11/8/2006)
Các Tin Tức Khác