Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Sách mới: Mong Sil
Cập nhật ngày: 18/06/2007

Mong Sil” là câu chuyện về cuộc đời một người phụ nữ Hàn Quốc từ thuở ấu thơ cho đến tuổi trung niên.

Sinh ra vào những năm cuối đất nước Triều Tiên sống dưới ách đô hộ của Nhật Bản, rồi sau Thế chiến thứ hai (1939-1945) lại rơi vào loạn lạc, từ khi còn bé Mong Sil đã nếm trải cảnh bần cùng. Chiến tranh đã tàn phá bán đảo Triều Tiên xinh đẹp, khiến bao người dân phải lâm vào tình trạng nghèo khổ, không nhà không cửa. Gia đình Mong Sil cũng bị cuốn đi theo làn sóng dữ ấy: Mẹ em đã phải bỏ chồng dắt con trốn theo một người đàn ông lạ chỉ để khỏi rơi vào cảnh chết đói, rồi từ đó bất hạnh liên tục đổ xuống cuộc đời cô bé đáng thương. Đôi chân lành lặn của em bỗng chốc trở thành tật nguyền suốt đời vì thói hung hãn ghen tuông của người cha dượng. Rồi khi được giải thoát trở về làng cũ, cuộc sống của em lại càng tăm tối hơn. Người cha của Mong Sil bị động viên ra mặt trận trong cuộc phân tranh giữa quân đội hai miền, để lại cho em một túp lều trống hoác và bà mẹ kế ốm yếu cận ngày sinh nở…

 Mong Sil tiếp tục bữa đói bữa no với cháo rau rừng làm lương thực chính, có lúc cùng đường phải cầm ống bơ đi xin ăn giữa chợ, trên lưng cõng Nan Nam, đứa em sơ sinh cùng cha khác mẹ. Một tay Mong Sil đã chôn cất Buk Chon, người mẹ kế kiệt sức trên giường sinh nở vì thiếu ăn triền miên. Cũng chính em vuốt mắt cho Jeong, người cha đã nằm lại vĩnh viễn trên vỉa hè thành phố sau những ngày dài vô vọng xếp hàng rồng rắn trước cửa bệnh viện chờ đến lượt xin chữa trị những vết thương mang về từ mặt trận. Và rồi cái chết của người mẹ ruột nơi phương xa, để lại hai đứa em cùng mẹ khác cha… Cuộc sống của đứa bé mới chín mười tuổi đầu đã mất hẳn nơi nương tựa ấy là chuỗi ngày tháng đấu tranh để sinh tồn, không chỉ cho bản thân mà cho cả những đứa em con hai dòng mà Mong Sil phải cưu mang. Tuổi thơ của em đã hoàn toàn bị đánh cắp, bị vùi dập phũ phàng trong cơn bão lửa chiến tranh là vậy....

Một đứa trẻ bơ vơ trong tình thế ấy có thể không sống sót nổi, nhưng Mong Sil đã không đầu hàng nghịch cảnh. Và cũng may mắn thay, người dân Hàn Quốc tuy kiệt quệ sau chiến tranh nhưng vẫn không thiếu những tấm lòng nhân ái. Những con người biết nhường cơm sẻ áo ấy đã kịp thời cứu lũ trẻ mồ côi khỏi chết đói. Họ cũng là những người cùng khổ dưới đáy xã hội: người quả phụ có chồng chết trận, anh bán bánh mì vô gia cư, cô gái bán trôn nuôi miệng ở thành phố nhung nhúc lính Mỹ chiếm đóng, bà lão nhà quê gần đất xa trời... Những con người tốt bụng ấy chính là hình ảnh của đại bộ phận quần chúng lao động giàu tình thương yêu cộng đồng. Và chính nhờ họ mà Mong Sil vượt qua được chặng đường gian truân thời thơ ấu và có được cuộc sống bình thường ở tuổi trung niên: một mái nhà đơn sơ bên cạnh chồng con, một công việc khiêm tốn như mọi người lao động bình dân khác.

Cuộc đời của Mong Sil với nhiều biến cố thăng trầm là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Hàn Quốc quả cảm và đảm đang, cũng là thân phận dân tộc Hàn trải qua máu lửa chiến tranh. Tai ương và dịch bệnh, chiến tranh và đói nghèo không làm mất đi những phẩm chất tốt đẹp của họ: tự trọng và giàu lòng yêu nước, chịu đựng gian khổ và biết tương trợ đùm bọc lẫn nhau. Và trên tất cả là sức sống mãnh liệt, là ý chí vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.,

Trải dài theo cuộc đời của nhân vật chính, là lịch sử Hàn Quốc ở một thời kỳ nóng bỏng nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ hai: đất nước vừa thoát khỏi ách thống trị của phát xít Nhật, những vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn, đã nhanh chóng trở thành miếng mồi xâu xé của các cường quốc trên thế giới, dẫn đến việc chia cắt Bắc Nam, biến những người cùng màu da và tiếng nói thành cừu địch trong suốt hơn nửa thế kỷ... Ngày nay, khi Triều Tiên và Hàn Quốc cùng có những bước tiến bộ về xã hội và kinh tế, thì nguyện vọng thống nhất đất nước của nhân dân hai miền lại thôi thúc những người có trách nhiệm ngồi lại với nhau để tìm ra cho được giải pháp hợp thời...

Truyện “Mong Sil” khi mới ra đời cũng chịu số phận hẩm hiu như nhân vật chính của nó. Tuy nhiên, từ ấy đến nay, nó đã kịp khôi phục vị trí và uy tín trong lòng độc giả với 55 lần tái bản và hơn nửa triệu bản in được phát hành trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc.

Dịch giả Ahn Kyong Hwan từ lâu đã được biết đến như một người bạn thân thiết và chí tình với Việt Nam. Những công trình nghiên cứu và dịch thuật của ông từ sau luận văn Thạc sĩ rồi luận án Tiến sĩ Ngữ văn (tiếng Việt) tại Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đều hướng về việc tìm hiểu tiếng Việt, cùng giới thiệu nền văn hoá và văn học Việt Nam đến với độc giả Hàn Quốc thông qua các tuyệt phẩm của dân tộc ta: Truyện Kiều, Nhật ký trong tù, và sắp tới là Nhật ký Đặng Thùy Trâm…. Lần này, là một nỗ lực lớn của Ahn khi ông giới thiệu một tác phẩm văn học Hàn Quốc với công chúng Việt Nam. Với ý thức làm nhịp cầu trong quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc, ông đã lật giở trước bạn đọc Việt Nam một phần quá khứ cùng vết thương sâu sắc của dân tộc mình như một cách tìm kiếm sự đồng cảm.

Thống nhất đất nước, hoà hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, tiến lên thế giới đại đồng và hạnh phúc ấm no... phải chăng giờ đây không chỉ là mong muốn thiết tha của nhân dân hai bờ vĩ tuyến 38, mà còn là tâm thức, là ước nguyện của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới?!

Trên tinh thần chia sẻ và cảm thông sâu sắc đó, xin mời bạn đọc đến với những trang đời của “Mong Sil”.
(Trích lời giới thiệu sách)
Các Tin Tức Khác