Thực ra thì cách đây mấy ngàn năm, thế giới đã phẳng rồi. Trời tròn đất vuông. Bánh chưng bánh dày. Trung Quốc là nước nằm ở chính giữa thế giới phẳng đó, là thiên triều, xung quanh là man di, mọi rợ, phải triều cống và phải được khai hóa... Cho nên hết Tiết Nhơn Quý chinh Đông lại đến Tiết Đinh San chinh Tây rồi La Thông tảo Bắc… Cũng có những lúc Mông Cổ, Mãn Châu… đánh chiếm trung nguyên, lập ra nhà Nguyên nhà Thanh nhưng rồi chẳng bao lâu sau họ đều tự biến thành người Trung Quốc. May thay, nước ta dù bị Bắc thuộc cả ngàn năm vẫn không bị đồng hóa có lẽ nhờ có một nền văn hóa có sức đề kháng lạ lùng!
Thomas Friedman, tác giả Thế giới phẳng hẳn là một người lãng mạn! Ông nhìn ra một thế giới… phẳng, một thế giới đại đồng, nhờ khoa học kỹ thuật hiện đại đã xóa bỏ biên cương, gom loài người lại thành một… cục toàn cầu hóa! Thế giới trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết, nên dù trái đất tròn, mà thế giới cứ phẳng nhờ kích thước nhỏ bé của mình. Lạ lùng thay, con người trong thế giới phẳng nhỏ bé này tưởng như sẽ gần nhau gang tấc mà hóa ra xa cách ngàn trùng! Hai người ngồi đối diện thân thiết sẵn sàng nói chuyện với nhau… bằng điện thoại di động, hoặc họ nói chuyện với một người vắng mặt khác ở bên kia trái đất. Họ cãi lộn chí chóe, bàn chuyện làm ăn, quát tháo, nguyền rủa, gầm gừ hoặc âu yếm, nũng nịu… mặc kệ “đối tác” ngồi ngáp ruồi chờ đợi kế bên. Rồi khi người này vừa xong thì người kia rút máy… Trong hội nghị, mọi người ngồi bên nhau nhưng cười nói, trao đổi chuyện trò với những người vắng mặt ở một phương trời khác qua một màn hình tinh thể… phẳng!
Câu hỏi đặt ra là tại sao trong một thế giới phẳng đầy hứa hẹn công bằng và tiến bộ cho cả loài người hay ho vậy mà chiến tranh cứ ngày càng mở rộng, cả chiến tranh lạnh lẫn chiến tranh nóng; dịch bệnh bùng phát tràn lan; thiên tai tới tấp... Bệnh tâm thần ngày càng phát triển; tỷ lệ tử vong do tự tử dẫn đầu ở các nước “thông minh, thông minh hơn, thông minh nhất!” và tình trạng vô sinh cũng toàn cầu hóa. Con người sống trong nỗi cô đơn, bơ vơ, ngơ ngác, chỉ còn biết tìm đến… sex như một sự giải thoát, buông xả. Trào lưu văn học gần đây cho thấy điều đó khá rõ. Các quốc gia “thông minh” ngày càng tạo nên những cuộc chạy đua ngoạn mục nhằm đáp ứng lòng tham không đáy của mình. Thế giới phẳng thúc đẩy “hợp tác và cạnh tranh”, nhưng hình như đào sâu thêm khoảng cách, dẫn tới bất công, với sự bóc lột tinh vi hơn, tạo nên một tầng lớp nô lệ mới, và từ đó khơi nguồn cho những bất ổn! Thế giới phẳng có nguy cơ phân công không bình đẳng, nhiều khu vực bị nô lệ hóa mà không hay, khi mất việc thì chỉ có chết vì đã hoàn toàn bị lệ thuộc.
Có thể nói, Mỹ ngày nay là một cường quốc về kinh tế, một “Trung Quốc” của thế giới phẳng hiện đại, thu tóm mọi nguồn lực, sức mạnh kỹ thuật, tính chuyện khai hóa các nền văn hóa khác, nhưng không có một lúc nào được an lạc! Một doanh nhân Trung Quốc đã nói: “Thoạt tiên chúng tôi sợ sói, rồi chúng tôi nhảy múa với sói, và bây giờ chúng tôi muốn trở thành sói” (dẫn theo Huỳnh Bửu Sơn). Khi đã thành sói rồi thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào! Người Mỹ đang khổ vì tình trạng bất an trong cuộc sống, căng thẳng thần kinh chưa đủ, rồi đây còn có thể khổ vì… thất nghiệp. Bởi việc làm đã trao cho Ấn Độ và Trung Quốc với lao động giá rẻ, công nghệ cao hết rồi, dân Mỹ cạnh tranh sao cho nổi! Cuối cùng, thế giới chẳng những không phẳng mà còn… tròn trở lại. Người dân Âu Mỹ rồi đây sẽ lũ lượt đi tu… khổ hạnh, hành thiền suốt ngày, hạn chế ăn uống, tập đi bộ… còn Trung Quốc thì lo đối phó với béo phì, ly dị, vô sinh, sex, tự tử, trong khi Ấn Độ thì khổ vì… phải thuê người Mỹ khai thuế kinh doanh cho họ với giá rẻ!
Tôi hoàn toàn đồng ý với Huỳnh Bửu Sơn khi ông nhắc lại Trung quán luận: Thế giới chỉ là sự trình hiện của chủ quan, dưới mắt chủ thể. Tôi chắc Thomas Friedman chưa biết Trung quán luận, cũng như chưa đọc Kim Cang: thế giới tức phi thế giới thị danh thế giới!