Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Đọc sách để đi chơi
Cập nhật ngày: 23/03/2007

 
Với biết bao điều thú vị được thấy, được nghe, được biết, ba tập sách gần 2.000 trang in lại 62 tác phẩm được coi là du ký đã đăng trên tạp chí Nam Phong trong vòng 17 năm (1917-1934) là cả một kho tư liệu quí giá.

Lịch sử địa dư văn hóa phong tục của nhiều vùng miền khắp đất nước VN, ra cả những xứ sở lân bang 30 năm đầu thế kỷ 20, được ghi lại, được diễn tả, được trình bày từ chính mắt thấy tai nghe của những nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu, cả đến những người dân thường, thích đi đây đi đó, thích khám phá tìm hiểu, thích đem những cái mình biết từ phương xa về kể lại cho đồng bào mình cùng biết.

Nhờ thể tài du ký, tuy mới du nhập vào văn chương báo chí VN, nhưng đã được những người có lòng với đất nước sử dụng nên người đọc hồi đó và cả bây giờ có thể “ngồi một chỗ thấy ngoài muôn dặm”.

Đọc sách này để theo chân Phạm Quỳnh lang thang “mười ngày ở Huế”, sống “một tháng ở Nam Kỳ” rồi nghe ông “thuật chuyện du lịch ở Paris”; để được Nguyễn Bá Trác đưa đến Hương Cảng, Nhật Bản, Trung Quốc; để cùng Nguyễn Mạnh Hồng “thưởng ca ở làng Tả Thanh Oai”; để đi với Đông Hồ “thăm đảo Phú Quốc”; để theo Nguyễn Trọng Thuật “nam du đến Ngũ Hành Sơn”...

Đọc để hiểu biết, có thêm thông tin, tri thức là một lẽ. Đọc những tác phẩm du ký này còn để hiểu thêm nghĩ suy, cảm xúc của những con người đứng ở buổi đầu nền văn hóa văn học hiện đại, muốn truyền tải và gửi gắm đến quốc dân trong một nước đang tìm cách thoát lạc hậu đến văn minh. Văn du ký ở đây tả thì tả kỹ, cảm thì cảm mạnh, nghĩ thì nghĩ sâu.

Họ, những người viết du ký, có lẽ đều có chung một niềm cảm khái như Phạm Quỳnh khi đi đến một miền xa trở về: “Từ khi tôi về đến nay, các ngài quen biết nhiều ông có bụng yêu ân cần hỏi: “Chuyến này đi Tây về có được gì không?”. Tôi hỏi: “Được gì?”. “Được bội tinh, được thăng thưởng chớ gì!”. Nghe câu hỏi mà tôi riêng lấy làm thẹn... Không! Chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng không phải sở đắc như thế, sở đắc được một điều: là được sáng mắt thêm ra, biết cái chân tình thế trong thiên hạ, biết cái chân giá trị của người ta, biết cái gì là cao, cái gì là sang, cái gì là trọng, cái gì là quí... Không, chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng sở đắc là được sáng mắt ra như thế, chớ không phải sở đắc cái hư vinh gì để huyễn diệu bà con”. Những lời này viết ra từ 85 năm trước còn cập thời đến nay biết bao!

Phó giáo sư, tiến sĩ văn học Nguyễn Hữu Sơn, người biên soạn và giới thiệu bộ sách du ký trên Nam Phong này là người cẩn trọng và nghiêm túc về mặt tư liệu và khảo cứu. Bài giới thiệu của anh vừa đủ thông tin để người đọc biết được khái lược sự hình thành và phổ biến của thể tài du ký VN từ trung đại đến hiện đại. Anh đã tạm phân định các tác phẩm du ký in trên Nam Phong thành mấy dòng sau: dòng quan phương, sự vụ; dòng viễn du; dòng khảo cứu một địa điểm cụ thể; dòng khảo sát một vùng văn hóa; dòng nghệ thuật.

Chỉ riêng một đề mục “du ký” này thôi đã phần nào cho thấy nội dung và đóng góp to lớn của tạp chí Nam Phong cho nền văn hóa văn học hiện đại nước nhà buổi mới sơ khai. Bước đầu đây là những gợi ý cần thiết cho giới nghiên cứu, cũng như là những chỉ dẫn bổ ích cho độc giả. Công phu này của người biên soạn đã được NXB Trẻ đáp lại bằng một bộ sách in đẹp, trang nhã, bề thế, rất xứng với các giá trị nó mang chứa trong mình.

Mong sao tên gọi Du ký Việt Nam là tên chung của cả một loạt sách rồi đây sẽ còn có tiếp những cuốn, những bộ khác nữa sưu tập các tác phẩm du ký trên các tạp chí lâu năm (như tờ Bách Khoa ở Sài Gòn trước 1975), trên các sách báo Việt ngữ suốt một thế kỷ qua. Làm được thế vừa là thỏa mãn khát khao đọc và đi của độc giả, vừa là lập thành một kho tư liệu quí cho các ngành văn hóa, xã hội khai thác, sử dụng.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
(Theo Tuổi Trẻ, 23/3/2007)
Các Tin Tức Khác