Cùng với nhật ký, phóng sự, bút ký…, du ký là thể loại nằm giữa ranh giới văn học và ngoài văn học. Với đặc trưng là sản phẩm của những chuyến đi, các bài du ký là kho lưu trữ bằng ngôn ngữ những nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán và địa danh du lịch qua cách nhìn của các tác giả. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng: “Sáng tác văn học thể ký thường thịnh hành ở các giai đoạn văn học sử ứng với thời kỳ xã hội có sự khủng hoảng của các quan hệ cũ, nảy sinh một nếp mới, làm tăng cường sự chú ý đến các thói tục”.
Mục Du ký trên tạp chí Nam Phong được nhà trí thức Phạm Quỳnh đề xướng, thu hút sự tham gia của những cây bút nổi tiếng lúc bấy giờ như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Bá Trác… Qua 210 số trong 17 năm tồn tại (1917-1934), Nam Phong đã cho đăng tải 62 bài du ký ghi lại cảm nhận của các tác giả nhiều vùng miền trong và ngoài nước. Nhận xét về vị trí của chuyên mục này, giáo sư Phong Lê cho rằng: “Không thể tách Du ký khỏi Nam Phong, cũng như không thể tách Nam Phong khỏi Phạm Quỳnh”. Quả thực, nếu so sánh với 73 truyện ngắn của hơn 30 tác giả từng xuất hiện trong suốt quá trình tồn tại của tạp chí thì con số 62 du ký hoàn toàn không khiêm tốn. Dựa trên kho tư liệu này, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn đã tuyển chọn 52 bài và biên soạn thành 3 tập Du ký dày dặn, đem lại cho người đọc một góc nhìn về gương mặt văn xuôi quốc ngữ Việt Nam thời kỳ đầu.
Xuyên suốt 3 tập du ký, độc giả có thể ngồi một chỗ mà thưởng thức được cả muôn dặm non sông, đến với đảo Phú Quốc qua ghi chép của Đông Hồ, leo Ngũ Hành Sơn với Nguyễn Trọng Thuật hay Trảy Chùa hương với Thượng Chi – Phạm Quỳnh… Không những thế, Hương Cảng, Nhật Bản, Trung Quốc và những ngõ ngách của Paris còn được mục sở thị và miêu tả lại một cách kỹ lưỡng với con mắt hiếu kỳ của các bậc trí giả am tường về văn hóa và sắc sảo trong cách nhìn nhận, đối chiếu. Không có gì đáng ngạc nhiên, Phạm Quỳnh là người tâm huyết nhất với chuyên mục ruột mà ông đề xuất ra. Trong số 62 du ký, ông góp mặt với gần 10 bài, dẫn người đọc từ chùa Hương đến Huế và lang thang vào tận Nam Kỳ. Trong số những bài ký ông ghi lại trong những lần ngoại du thì Pháp du hành trình nhật ký với trên 300 trang được đánh giá là hay nhất. Chuyến đi do thống sứ Bắc kỳ cử ông thay mặt hội Khai trí Tiến đức sang Pháp dự Đấu xảo Marseille và sau đó là diễn thuyết ở nhiều trường lớn. Đọc Pháp du hành trình nhật ký, giáo sư Phong Lê nhận xét: “Đây không hẳn là một áng văn chương về Paris, mà là một miêu tả và khảo sát về Paris trên rất nhiều phương diện, khiến tôi nghĩ, cho đến bây giờ, có biết bao người đi Paris như đi chợ nhưng đã có ai kể lại được cho ta biết cụ thể về Khải hoàn môn, điện Elysée, bảo tàng Le Louvre, Đại học Sorborne, xóm Latin, vườn hoa Luxembourg, quảng trường La Concorde, điện Pathéon, nhà thờ Đức bà và tháp Eiffel”.
Có mặt tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu đều đánh giá cao giá trị khảo cứu về văn hóa, lịch sử và du lịch của bộ sách. Bên cạnh đó, việc tập hợp các tác phẩm du ký từ Nam Phong là một cách ghi nhận đóng góp của Phạm Quỳnh với tư cách là một trí giả, một nhà văn hóa lớn của dân tộc đầu thế kỷ 20. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Đóng góp của Phạm Quỳnh và các tác giả viết du ký trên Nam Phong không chỉ là kiến thức và tư liệu, mà còn là một lối viết văn theo hướng hiện đại, cố gắng gẫy gọn, khúc triết và trong sáng để cải cách dần lối từ chương khoa cử trong văn chương cũ”.
Không tham dự tọa đàm nhưng trong bài viết gửi đến, nhạc sĩ Phạm Tuyên - con trai của Phạm Quỳnh - đã bày tỏ niềm xúc động trước sự ra mắt của Du ký Việt Nam. Ông viết: “Điều đó là một nguồn khích lệ và cho thấy một tâm trạng, một sự thật: đã đến lúc cần trả lại sự công bằng của lịch sử, cần ghi nhận đóng góp của mỗi cá nhân đối với văn hóa nước nhà”.
Tuy nhiên, khi bàn đến tên bộ sách, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, đây là một cái mũ rộng hơn đầu. Vì 52 bài du ký này mới chỉ là một phần, một bộ phận được ghi lại trong một thời kỳ chứ chưa có khả năng đại diện cho cả phạm vi rộng lớn mang tên Du ký Việt Nam.
H.T.
(Theo evan.com.vn)