Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ bế tắc trong sáng tác
Cập nhật ngày: 25/05/2007

Vừa thoát khỏi thế giới phù thủy đầy quyến rũ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phiêu du vào thế giới niềm vui, nỗi buồn, vừa trẻ con mà rất người lớn, dưới góc nhìn của một chú cún. “Tôi là Bêtô" cho thấy khả năng sáng tạo dồi dào và sức hấp dẫn của cây bút U50 này. Anh tâm sự về việc sáng tác dành cho thiếu nhi.  

- 7 năm hoàn thành bộ "Kính vạn hoa", 4 năm theo đuổi những câu chuyện phù thủy ở xứ Lang Biang. Nhìn lại 11 năm quý giá của đời người, anh nghĩ gì về con đường sáng tác của mình?

- Đó là một con đường nhọc nhằn. Tôi viết Kính vạn hoa với một ý thức rất rõ ràng: Đây là bộ truyện về đề tài sinh hoạt của trẻ em, mỗi tập sách phải nêu lên được điều gì đó: tình bạn, tình thày trò, tình anh em, tình yêu đối với thiên nhiên, môi trường, loài vật… Một trong những khó khăn lớn nhất khi bắt tay viết bộ truyện này là chọn tên chung cho cả bộ, khi mà tôi vẫn chưa hình dung một cách cụ thể nội dung của từng tập.

Khó khăn thứ hai là phải bảo đảm yếu tố định kỳ: mỗi tháng tôi phải viết 1 tập, mỗi tập phải đúng 10 chương và chẵn 192 trang in để NXB ổn định giá bán và kịp ra mắt độc giả đúng kỳ hạn. Viết bộ Kính vạn hoa cũng giống như phát quang một khu rừng vậy. Tập đầu thì mới phát vạt nhỏ, tác giả tha hồ tung tẩy, nhưng càng ngày đề tài bị khai thác nhiều hơn, “diện tích cây xanh” càng bị thu hẹp lại. Người ta thường ví nghiệp văn với kiếp con tằm rút ruột nhả tơ. Nhưng tơ nhả đến một lúc cũng phải cạn. Tôi viết bộ Kính vạn hoa đến tập 45 là một cố gắng rất lớn, đã nhiều lúc tưởng phải dừng lại nửa chừng.

Viết bộ Chuyện xứ Lang Biang, tôi lại gặp khó khăn kiểu khác. Đây là bộ truyện vận dụng nhiều trí tưởng tượng, có nhiều tình tiết gay cấn và rối rắm nên không bao giờ tôi dám nghỉ viết liên tiếp hai ngày vì sợ cảm hứng và mạch truyện trong đầu bị đứt khúc. Những lần như vậy, bắt nhịp lại rất khó, có khi phải đọc lại hàng trăm trang trước đó mới có thể viết tiếp.

- Anh có kỷ niệm gì trong quá trình viết cuốn sách "Tôi là Bêtô"?

- Tôi đang nuôi 6 chú cún, và đặt tên chúng theo tên gọi các nhân vật trong Chuyện xứ Lang Biang như Suku, Pôcô, Êmê, Mua… Chú chó Pôcô mới qua đời cách đây mấy tháng do chứng sưng phổi. Có thể số phận của Pôcô xui rủi là do cái tên – vì Pôcô trong Chuyện xứ Lang Biang là tên… một con ma! Các chú cún đáng yêu này góp phần không nhỏ vào nguồn cảm hứng sáng tác của truyện Tôi là Bêtô. Khi nào sách phát hành, chắc tôi phải trích một phần nhuận bút để chiêu đãi các “nguyên mẫu” ngoài đời của tôi.

- Trong nghề viết văn, người ta thường nhắc đến công đoạn "đi thực tế" để sáng tác. Nhưng hình như thực tế để sáng tác của anh là kho ký ức của tuổi thơ "xài hoài không hết". Anh nói sao?

- Tôi xa quê từ rất sớm. Có lẽ vì vậy, đối với tôi tuổi thơ là một vùng trời luôn lung linh trong ký ức. Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh những trưa hè tuổi thơ, tôi ngồi trong vườn cây nhà dì chơi đùa ra sao với các anh chị con dì, nhớ những ngày trốn học đi tắm sông, mẹ tôi phải lặn lội đi tìm, nhớ những cánh diều trong sân trường tiểu học, nhớ cây trứng cá sai trái ở ngoài cửa sổ lớp tôi… Đến bây giờ, những lúc ngồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa còn bé, tôi luôn cảm thấy bồi hồi. Đó là tâm trạng nuối tiếc của kẻ đã rời xa sân ga tuổi nhỏ và biết mình vĩnh viễn không quay lại được.

Có lẽ chính sự ám ảnh đó đã đi vào các trang sách của tôi và tự nhiên tôi trở thành nhà văn viết cho trẻ em. Mà thực ra cũng có một phần là viết cho chính mình, như một cách giải tỏa. Và đó chính là "thực tế" quan trọng nhất của tôi. Vì tôi nghĩ một nhà văn chỉ viết hay, viết xúc động nhất về những gì làm cho anh ta bức xúc, khao khát - những gì gần gũi, thân thuộc, máu thịt và giàu sức ám ảnh nhất.

- Còn chuyện "đi thực tế" thực sự thì sao?

- Tất nhiên là tôi cũng có lúc "đi thực tế" theo cách hiểu thông thường. Khi viết truyện Trước vòng chung kết, tôi phải nhờ nhà văn Võ Phi Hùng - là nhà văn thành danh về đề tài trẻ lang thang - dẫn đến tận một lớp học dành cho trẻ bụi đời để gặp gỡ, trò chuyện và nghe các em tâm sự. Để viết tập Mười lăm ngọn nến (trong bộ Kính vạn hoa), tôi phải tiếp xúc với trẻ em khiếm thính. Viết cuốn Phòng trọ ba người, tôi phải ôm tập đi học lớp tiếng Anh ban đêm để có thể mô tả chính xác không khí trong một lớp học ban đêm. Lần đó tôi “đi học” được ba tuần, "trình độ tiếng Anh" chưa nhúc nhích được mấy chút thì cô giáo phát hiện tên tôi trùng với tên… một nhà văn, thế là tôi buộc lòng nghỉ luôn.

Lấy ví dụ trên đây để nói rằng theo quan niệm và theo kinh nghiệm hành nghề của tôi, "đi thực tế" là để bổ sung những chi tiết, những hoàn cảnh mà tác giả gặp phải trong quá trình sáng tác nhưng lại không nắm vững. Chứ vốn sống của nhà văn không thể dựa hoàn toàn vào các chuyến đi thực tế. Bản thân cuộc đời của mỗi con người đã là một thực tế sinh động và phong phú, nếu sống hết mình, sống tận cùng các cảm xúc và các cảnh đời mà mình đã trải qua, điều đó sẽ giúp cho "vốn sống" trở thành "vốn chín". Còn đi thực tế nhiều mà đi lớt phớt, vốn sống nó cứ "sống" hoài không chịu "chín" cũng khó mà viết cho hay. Tất nhiên đây chỉ là kinh nghiệm của riêng tôi, có thể đúng với người này và không đúng với người khác.

- Anh nghĩ sao khi người ta thường cho rằng viết truyện phù thủy dễ ở sự thoải mái, tự do tưởng tượng bay bổng?

- Sự tưởng tượng là con dao hai lưỡi. Anh có quyền tưởng tượng và viết về một gã khổng lồ cao 2m. Vậy thì khi miêu tả cái giường của gã nằm, cái giường đó tối thiểu cũng phải dài 2m chứ không thể chỉ có 1m được. Nói cách khác, trí tưởng tượng của nhà văn dù bay bổng đến đâu thì vẫn phải tuân thủ cái logic bên trong của nó, chứ không thể tùy tiện.

Phương Tây có một truyền thống lâu đời về… phù thủy, về thế giới thần linh, điều có thể thấy rõ trong thần thoại Hy La. Phù thủy trong văn hóa phương Tây là một thế giới đa tính cách và thần linh của họ rất đa dạng, phong phú và đặc biệt là mang đậm những tính tốt lẫn thói hư tật xấu của con người. Ông thần Zeus "lôm côm" ở phương Tây mà gặp ông Ngọc Hoàng chỉn chu, đạo mạo của phương Đông thì phải kêu ông Ngọc Hoàng bằng "thánh".

Ở nước ta cũng thế, thần linh thường chỉ là các khái niệm. Ông Bụt là biểu tượng của cái Thiện, mụ phù thủy là biểu tượng của cái Ác, đơn giản vậy thôi. Chẳng ai biết ông Bụt đó hay mụ phù thủy đó hằng ngày ăn món gì, sở thích ra sao, yêu thương giận ghét thế nào. Vì vậy mà nhà văn xứ ta viết truyện phù thủy gặp khó khăn hơn rất nhiều so với nhà văn phương Tây, vì ta không có cái gốc cội, cái truyền thống về đề tài này. Phương Tây thì thuận lợi như đã nói, đã vậy khi đi tìm tư liệu cho bộ truyện Chuyện xứ Lang Biang, tôi hết sức ngạc nhiên khi phát hiện hiện nay vẫn còn tồn tại vai trò pháp sư cung đình ở một vài vương quốc thuộc châu Âu.

- Nhiều tác giả thường bị hẫng sau khi viết xong tác phẩm nào đó. Còn anh thì sao sau "Tôi là Bêtô"?

- Tôi chưa bao giờ thấy "hẫng" hay bế tắc trên con đường sáng tác. Câu hỏi này, có người đã hỏi tôi sau khi tôi kết thúc bộ Kính vạn hoa, rồi sau khi tôi hoàn tất bộ Chuyện xứ Lang Biang. Hiện nay, trong đầu tôi đang có 3 cuốn sách mà tôi ao ước được viết ra. Cái khó đối với tôi là nên viết cuốn nào trước và liệu viết có thành công không. Đó chắc chắn là cuốn mà tôi thấy hứng thú nhất.

- Anh nghĩ sao về một "tác phẩm lớn để đời"? 

- Tôi nghĩ nhà văn nào khi ngồi vào bàn cũng cố viết hết sức mình, viết sao cho thật hay, còn tác phẩm đó có lớn hay không thì không phải muốn mà được. Cái đó tùy thuộc vào tài năng thiên phú ở mỗi người. "Ông nhà giàu" Tolstoi viết Chiến tranh và hòa bình lớn đã đành, nhưng "ông nhà nghèo" Balzac viết Tấn trò đời để trả nợ mà vẫn cứ lớn như thường.

Ông Steinbeck viết cuốn Của chuột và người mỏng teng, tuyên bố rõ với bạn bè là viết để giải trí nhưng nó vẫn cứ là kiệt tác, thậm chí tôi còn thích cuốn này hơn là cuốn Chùm nho uất hận dày cộm của ông. Trong khi đó, có nhà văn tuyên bố viết cuốn này cuốn nọ "để đời" nhưng khổ nỗi "đời" không cho "để" thì cũng "bó tay". Nói như vậy để thấy nghề văn rất khắc nghiệt nhưng cũng rất công bằng, thành tựu của nó thường nằm ngoài ý chí của con người.

Về sự được mất hay lớn nhỏ trong văn chương, Trần Đăng Khoa có hai câu thơ rất chí lý: "Cái còn thì sẽ còn nguyên. Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan". Ý thức được điều đó, tôi nghĩ nhà văn sẽ dễ yên tâm hành nghề hơn.

Anh Vân thực hiện
(Theo evan.com.vn, 24/5/2007)
Các Tin Tức Khác