Trẻ thơ muốn đọc sách. Các em đòi hỏi những câu chuyện lớn lao và không cần những mẩu thức ăn dễ tiêu. Ít nhất thì đó cũng là ấn tượng được gây nên bởi những phong trào đọc sách trong mấy năm gần đây. Ý tôi không chỉ nói đến cậu học trò phù thủy Harry Potter hoặc Molly Moon, cô gái với ánh mắt thôi miên, mà cũng muốn đề cập tới cả thành công của tủ sách pháp thuật Bartimus của Jonathan Stroud (Anh) và các tập Eragon từ công viên rồng của nhà văn trẻ tuổi người Mỹ Christopher Paolini... Đặc biệt đáng chú ý là những cuốn sách đan quyện một thế giới tưởng tượng với thế giới thực, chặt chẽ tới mức độc giả dễ dàng lướt qua lướt lại giữa hai nơi. Những tiểu thuyết đó mang lại cho dòng văn học tưởng tượng một thứ như là một mảnh đất nền tảng.
Thế giới trong Máu Mực của Cornelia Funke mang không khí của một chợ phiên thời Trung Cổ: dòng họat động nhộn nhịp, thợ thủ công làm những nghề đã từ lâu sa vào quên lãng, trẻ em ồn ào, những lề thói thô bạo và những mối nguy hiểm lớn lao. Trong phần hai này của Tim Mực, những nhân vật được đưa vào một vương quốc được làm bằng câu chữ - vào cuốn sách. Họ bị đọc vào đây bởi giọng nói của những người đọc sách tài năng, những người không chỉ thổi sức sống vào trang sách theo nghĩa bóng.
Ngón Tay Bụi, người lúc đầu được xuất hiện trong thế giới thực vì nhẫm lẫn, nay quay trở lại chốn cũ và thấy mình không còn dễ sống như trước nữa. Còn Meggie, vốn chỉ muốn chạy vào, ngó qua Thế Giới Mực chút đỉnh, lại không thể thoát ra được. Cô cảm thấy thân thiết với thế giới này, bởi mẹ cô cũng đã từng bị biến vào đây, thời Meggie còn nhỏ. Nhưng giờ thì cả cha cô cũng bị kéo vào đó, và không ít kẻ muốn lấy mạng ông.
Với Máu Mực, Cornelia Funke đã chứng minh rằng bà thật sự có được một hơi văn dài, đã được báo trước khi phần một kết thúc trong lời hứa hẹn tiếp nối. Cũng vẫn chính là các nhân vật đã quen thuộc, nhưng Cornelia Funke kể tiếp câu chuyện trong những điều kiện khác hẳn. Nếu trong phần một, chị dệt ra một cuộc kiếm tìm cuốn sách bí hiểm, cuốn Tim Mực đã nhả ra chàng Ngón Tay Bụi thông minh và cả một loạt những gương mặt u tối, với quầng hào quang của tình yêu sách vở còn phần nào quen thuộc với ta, thì cú nhảy vào trong sách cũng có nghĩa là một cuộc di chuyển tới một địa hình xa lạ.
Nữ văn sĩ Cornelia Funke, thuở đầu còn bị trách móc vì viết quá nhanh (mặc dù không tác phẩm nào của chị thiếu ý tưởng), ở đây đã chú ý rất kỹ đến chi tiết. Người đọc hiểu cách Ngón Tay Bụi gọi cho lửa múa; người đọc nhìn thấy vẻ buồn rầu của ông Vua, cảm thấy những ánh mắt tò mò của lũ trẻ. Và mỗi lần đổi cảnh là mỗi lần một bầu không khí lạ lùng kỳ ảo được tạo ra.
Cuốn sách hấp dẫn tới phút chót.
Cornelia Geible
(Tạp chí