Quan điểm của Robert
Nhiều người đầu tư vào quỹ hỗ tương. Khi tôi nói đến việc không làm người tiết kiệm, nhiều người trả lời, “Nhưng tôi đang đầu tư. Tôi có nhiều quỹ hỗ tương. Tôi có 401 (k). Tôi còn có chứng khoán và cổ phiếu. Đó không phải là đầu tư sao?”
Tôi lùi lại một bước và giải thích thêm, “Phải, tiết kiệm là một hình thức đầu tư. Vì thế khi bạn mua quỹ hỗ tương, chứng khoán, hay trái phiếu là bạn đang đầu tư nhưng nó là từ quan điểm của người tiết kiệm và giá trị của người tiết kiệm hơn.”
Hãy nghe lý luận của người đầu tư thụ động. Một lần nữa, các nhà kế hoạch tài chính sẽ khuyên bạn:
§ Làm việc chăm chỉ
§ Tiết kiệm tiền
§ Thoát nợ
§ Đầu tư dài hạn (chủ yếu là quỹ hỗ tương)
§ Đa dạng hóa
Nói theo ngôn từ của các nhà kế hoạch tài chính thì thường như thế này, “Làm việc chăm chỉ đi. Đảm bảo là công ty bạn làm có chương trình 401 (k). Đảm bảo tối đa sự đóng góp của bạn. Vì đó là tiền không bị thuế mà. Nếu bạn có nhà thì lo mà trả nợ cho nhanh. Nếu nợ thẻ tín dụng thì trả luôn đi. Ngoài ra, nên có danh sách đầu tư cân đối các quỹ phát triển, quỹ kỹ thuật, một quỹ cho tài sản nước ngoài và khi bạn lớn tuổi rồi thì chuyển vào quỹ trái phiếu để có thu nhập đều đặn. Dĩ nhiên là phải đa dạng hóa, đa dạng hóa, đa dạng hóa. Không nên cho tất cả trứng vào cùng một sọt.”
Dù không chính xác nhưng tôi chắc chắn lời rao hàng trong lớp vỏ lời khuyên tài chính này nghe rất quen thuộc với bạn.
Donald Trump và tôi không nói tất cả nên thay đổi và đừng làm những điều này nữa. Đó là lời khuyên đúng đắn cho một nhóm người nhất định - những người mang lý luận của một người tiết kiệm hay là những nhà đầu tư thụ động.
Quay lại với sự khác nhau giữa người tiết kiệm và người đầu tư, có một từ phân biệt họ và đó là đòn bẩy. Định nghĩa của đòn bẩy là khả năng làm nhiều hơn bằng ít sức hơn.
Hầu hết những người tiết kiệm không sử dụng đòn bẩy tài chính. Và bạn không nên sử dụng đòn bẩy trừ khi đã có kiến thức hay đã được đào tạo tài chính để áp dụng. Nhưng xin để tôi giải thích thêm. Chúng ta hãy xem lời khuyên chuẩn từ quan điểm một người tiết kiệm và sau đó là từ một người đầu tư, hay là người từ nhóm L và T so với người từ nhóm C và Đ.
Làm việc chăm chỉ
Chúng ta hãy bắt đầu từ lời khuyên “làm việc chăm chỉ.”
Phần đông khi nghĩ đến mấy chữ “làm việc chăm chỉ,” người ta chỉ nghĩ có chính mình làm việc cật lực. Có rất ít yếu tố đòn bẩy trong việc làm lụng chăm chỉ của bạn. Khi Donald và tôi nghĩ đến làm việc chăm chỉ, dù cả hai chúng tôi đều thực sự vất vả, chúng tôi thường nghĩ đến cả những người khác làm việc chăm chỉ để giúp chúng tôi trở nên giàu có. Đó là đòn bẩy. Đôi khi cái đó được gọi là thời gian của người khác. Như đã thảo luận, người nhóm C được giảm thuế nhiều hơn nhóm L và T vì nhóm C tạo ra việc làm. Nói cách khác, chính phủ chúng ta muốn chúng ta tạo ra công ăn việc làm... chứ không phải là đi tìm việc. Kinh tế chúng ta hẳn sẽ sụp đổ nếu ai cũng bắt đầu tìm việc. Để kinh tế phát triển, chúng ta cần những người tạo ra công việc.
Tiết kiệm tiền
Dù tôi đã nói đến tiết kiệm trong chương trước nhưng vẫn còn một số điểm khác đáng đề cập.
Vấn đề của tiết kiệm tiền là hệ thống kinh tế hiện tại cần phát triển người nợ chứ không phải người tiết kiệm.
Xin được giải thích bằng biểu đồ dưới đây, nằm trong bộ Dạy Con Làm Giàu.
Hãy dành ít phút để nghiên cứu biểu đồ này. Tiết kiệm của bạn là nợ của ngân hàng dù những khoản tiết kiệm đó đối với bạn là tài sản. Ngược lại, nợ của bạn là tài sản của ngân hàng nhưng lại là khoản vay của bạn.
Để hệ thống kinh tế hiện tại không ngừng phát triển, cần có những người vay thông minh... những người vay tiền và làm giàu lên chứ không phải những người vay tiền rồi nghèo hơn. Một lần nữa, luật 90/10 của tiền lại có hiệu lực - 10% người vay tiền trên thế giới dùng nợ để làm giàu - 90% dùng nợ để nghèo đi.
Donald Trump và tôi dùng nợ để giàu hơn. Ngân hàng yêu chúng tôi. Ngân hàng muốn chúng tôi mượn càng nhiều càng tốt vì những người vay tiền làm họ giàu lên. Cái này được gọi là tiền của người khác (other people's money - OPM). Donald và tôi khuyên bạn học thêm về tài chính vì chúng tôi muốn bạn khôn ngoan hơn trong việc sử dụng nợ. Nếu chúng ta có thêm người vay tiền thì kinh tế của đất nước sẽ phát triển. Nếu có thêm người tiết kiệm thì kinh tế sẽ thu hẹp lại.