Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Trích đọc Darren Shan (Tập 4): NÚI MA CÀ RỒNG (Kỳ 3)
Cập nhật ngày: 12/07/2007

CHƯƠNG 3
Tôi thức giấc trước khi trời tối hẳn, vươn vai cho xương cốt bớt tê nhức – vì làm gì có giường hay võng mà nằm. Ra khỏi cái hang chật hẹp, để có thể quan sát vùng đất cằn cỗi chúng tôi mới vượt qua. Di chuyển vào ban đêm, nên tôi chẳng thấy gì nhiều. Chỉ những lúc như thế này, tôi mới có thể ngừng lại để ngắm nhìn chung quanh.

Chưa tới vùng tuyết đổ, nhưng chúng tôi cũng đã bỏ lại đời sống văn minh lại phía sau. Nơi đất đai cằn cỗi toàn đá này, loài người đã quá xa xôi. Thậm chí thú rừng cũng hiếm. Những con đủ khỏe để lần mò vất vả kiếm ăn thì cũng chỉ là vài con nai, gấu hay chó sói.

Chúng tôi đã đi được mấy tuần, có lẽ là một tháng rồi. Chỉ sau vài đêm, tôi chẳng còn biết thời gian là gì nữa. Mỗi khi hỏi ông Crepsley còn bao nhiêu cây số nữa, ông chỉ cười bảo:

- Chúng ta đi được kha khá rồi.

Chân tôi rách nát vì phải đi trên đất cứng. Ông Crepsley dùng nhựa dược thảo hái dọc đường để đắp lên bàn chân tôi, cõng tôi vài đêm cho đến khi da chân tôi lành lặn (vết thương của tôi mau lành hơn người bình thường nhiều).

Một đêm tôi bảo, thật không may là vướng bận hai tên Tí-hon, nếu không có chúng, ông đã có thể cõng tôi mà phi hành (ma-cà-rồng có khả năng chạy nhanh vượt mọi tốc độ, một kiểu chạy siêu phàm, trôi tuột qua không gian cứ như con lươn trườn qua lưới vậy. Họ gọi phương pháp đó là phi hành). Nhưng ông Crepsley bảo, việc đi chậm của chúng tôi chẳng dính dáng gì tới mấy tên Tí-hon, vì:

- Đường lên Núi Ma-cà-rồng không được phép sử dụng thuật phi hành. Cuộc hành trình này là một cách nhằm loại bỏ sự yếu mềm. Trong một vài phương diện, ma-cà-rồng cứng rắn đến tàn nhẫn. Chúng ta không tin vào chuyện nâng đỡ những kẻ không đủ khả năng tự nâng đỡ mình.

- Chuyện đó chẳng hay ho gì. Thế những người già cả hay bị thương thì sao?

Ông Crepsley nhún vai:

- Một là phải gắng sức, hai là đành chịu chết.

- Ngốc. Nếu cháu biết phi hành, cháu sẽ phi hành ngay. Ai mà biết được.

Ông thở dài bảo:

- Cháu vẫn chẳng hiểu gì đường lối của chúng ta cả. Lừa dối nhằm qua mắt bạn bè là không cao thượng. Darren à, chúng ta là những sinh vật kiêu hãnh. Chúng ta sống bằng những quy ước đòi hỏi nhiều nỗ lực. Quan điểm của chúng ta là thà mất mạng chứ không để mất danh dự.

Ông Crepsley luôn nói về danh dự, sự cao thượng và sự trung thực với chính mình. Ông bảo, ma-cà-rồng là một trách nhiệm nghiêm khắc, phải cố gắng sống gần gũi với thiên nhiên. Đời sống của họ hiếm khi dễ dàng, thư thả, nhưng họ thích thú cuộc đời đó. Một lần ông nói với tôi:

- Đời là một sự thách thức. Chỉ những kẻ lớn lên trong thử thách mới thật sự hiểu ý nghĩa của cuộc đời.

Rồi tôi cũng quen dần với hai tên Tí-hon. Trong đêm tối, chúng âm thầm theo sau, giữ một khoảng cách rất chính xác. Ban ngày, khi chúng tôi ngủ, chúng tự săn mồi. Khi chúng tôi thức giấc, chúng ăn và tranh thủ ngủ vài tiếng, rồi lại tiếp tục lên đường. Bước chân chúng không hề thay đổi, đi sau chúng tôi chừng vài mét, như hai người máy. Tưởng đâu tên chân cà thọt sẽ vất vả lắm, nhưng tôi thấy hắn chưa tỏ chút dấu hiệu bị căng thẳng nào.

Gần như tôi và ông Crepsley sống nhờ máu nai. Máu nai nóng, mằn mặn và ngon. Chúng tôi cũng có mấy chai máu người để dùng cầm chừng, vì ma-cà-rồng cần một lượng máu người đều đặn mới bảo tồn được sức lực. Dù họ thích uống trực tiếp qua mạch máu hơn, họ vẫn lưu giữ máu trong chai. Tuy nhiên chúng tôi sử dụng thật dè xẻn, để dành khi gặp trường hợp khẩn cấp.

Ông Crepsley không cho tôi nhóm lửa ngoài trời – sợ gây chú ý – nhưng tôi được nhóm lửa trong những trạm nghỉ chân. Trạm nghỉ chân là những hang đá hoặc những động ngầm dưới đất. Tại đó luôn có sẵn nhưng chai máu và những cỗ quan tài để các ma-cà-rồng nghỉ ngơi, trú ẩn trong một vài ngày. Cả tuần mới gặp được một trạm nghỉ chân, tuy nhiên có trạm đã bị thú rừng xâm chiếm hay phá hủy.

Một hôm, vừa sưởi chân vừa nướng thịt hươu bên đống lửa, tôi hỏi:

- Vì sao họ cho phép thiết lập trạm nghỉ chân, nhưng lại không được đi giày và mang theo dây?

- Trạm nghỉ chân được thành lập từ sau cuộc chiến giữa chúng ta và ma-cà-chớp bảy trăm năm trước. Chúng ta đã bị mất nhiều bộ tộc trong cuộc chiến đó, nhưng loài người còn sát hại chúng ta nhiều hơn nữa. Dân số của chúng ta suy giảm khủng khiếp. Những trạm nghỉ chân được thành lập để đường lên Núi Ma-cà-rồng được dễ dàng hơn. Một số ma-cà-rồng phản đối và không bao giờ thèm ghé trạm nghỉ chân, nhưng đa số đều chấp nhận.

- Hiện nay có bao nhiêu ma-cà-rồng?

- Khoảng từ hai tới ba ngàn.

Tôi huýt sáo rồi bật kêu lên:

- Nhiều quá chứ!

- Ba ngàn chẳng là gì nếu so với mấy tỉ con người.

- Nhưng vẫn nhiều hơn cháu tưởng.

- Đã có lần, dân số chúng ta lên tới hơn một trăm ngàn. Nhưng con số khổng lồ đó là chuyện quá khứ rất xa rồi.

- Chuyện gì đã xảy ra với họ?

- Bị giết. Những cọc nhọn của loài người; rồi bệnh tật; rồi đánh nhau... Ma-cà-rồng là loài rất khoái choảng nhau. Trong nhiều thế kỷ, trước khi ma-cà-chớp ly khai và trở thành cừu địch của chúng ta, chúng ta quần thảo lẫn nhau. Nhiều kẻ đã chết trong những cuộc thách đấu. Chúng ta đi đến tình trạng gần tuyệt chủng, nhưng vẫn cố gắng sống còn.

Tôi tò mò hỏi:

- Có bao nhiêu Tướng quân Ma-cà-rồng?

- Chừng ba bốn trăm.

- Còn ma-cà-chớp?

- Có thể là khoảng hai trăm rưởi. Ta không thể nói chắc được...

Tôi đang ngồi nhớ lại cuộc chuyện trò đó, thì ông Crepsley từ trong hang ra, đứng nhìn mặt trời đang lặn. Mặt trời cũng màu cam vàng khè như mái tóc ngắn của ông.

Đêm càng trở nên dài hơn, chúng tôi càng đến gần Núi Ma-cà-rồng, vì vậy ông Crepsley càng có khả năng di chuyển nhiều hơn bình thường.

Hướng về phía mặt trời, ông nói:

- Nhìn mặt trời lặn luôn luôn là một điều thú vị.

- Cháu tưởng như vậy tuyết sẽ có sớm hơn.

- Tuyết sẽ sớm dày đặc. Chúng ta sẽ gặp những khối băng tuyết trong tuần này.

Ông nhìn xuống bàn chân tôi hỏi:

- Cháu nhắm qua khỏi cái giá lạnh khắc nghiệt này không?

- Cho đến lúc này cháu đã vượt qua được mà, đúng không?

- Chỉ là một phần đường dễ dàng thôi.

Thấy tôi nhăn mặt mất tinh thần, ông vỗ lưng tôi, cười nói:

- Đừng lo, cháu sẽ ổn thôi. Nhưng nếu chân bị rách lại, nhớ cho ta biết ngay. Dọc đường đi có vài bụi cây. Nhựa của chúng làm lành nhưng chỗ da bị rộp rất tốt.

Hai tên Tí-hon từ trong hang ra. Tên không bị thọt vác một con chồn chết.

Ông Crepsley hỏi tôi:

- Sẵn sàng chưa?

Tôi gật đầu, khoác ba-lô lên vai. Nhìn địa hình toàn đá trước mặt, tôi hỏi một câu như thường lệ:

- Còn xa lắm không?

Ông ma-cà-rồng vừa bước đi vừa nói:

- Chúng ta đi được kha khá rồi.

Ngoái nhìn lại cái hang ấm cúng, tôi lèm bèm rủa, rồi dấn bước theo ông. Hai tên Tí-hon tò tò phía sau. Chỉ một lát sau đó, tôi nghe tiếng nhai ròn tan. Chúng đang rau ráu nhai xương chồn.

Bốn đêm sau, chúng tôi gặp một trận tuyết đổ nặng nề. Trong mấy đêm liền chúng tôi đã phải vượt qua một vùng tuyết trắng phủ mênh mông, không chút gì của sự sống, nhưng sau đó, cây cối, thú vật lại xuất hiện.

Lê từng bước trên tuyết, tôi cảm thấy chân mình như hai tảng băng, nhưng cố nghiến răng vượt qua giá lạnh. Khốn khổ nhất là lúc thức dậy vào lúc chạng vạng tối, phải mất một vài tiếng bước đi trong trạng thái rất khó chịu của những ngón chân. Cảm giác như mười ngón chân sắp rụng rời hết ráo. Rồi máu huyết tuần hoàn bình thường và mọi chuyện đều ổn định lại... cho tới đêm sau.

Ngủ ngoài trời khó chịu vô cùng. Ông Crepsley và tôi nằm bên nhau, vẫn mặc nguyên quần áo (bộ đồ mặc suốt từ hôm bước vào vùng có tuyết), và kéo mấy tấm chăn cứng ngắc bằng da hươu phủ lên mình. Dù hơi người hai chúng tôi sưởi ấm cho nhau, nhưng vẫn lạnh thấu xương. Vậy mà quý bà Octa tỉnh bơ, ả ngủ ngon lành trong cái lồng an toàn, chỉ vài ngày mới thức dậy một lần, ních đầy bụng, lại ngủ tiếp. Ước gì tôi có thể đổi địa vị với con nhện độc này.

Nếu lạnh, hai tên Tí-hon cũng không để lộ ra một biểu hiệu gì. Khi muốn ngủ, chúng rúc vào một bụi cây, hay dựa vào một tảng đá là xong.

Gần ba tuần kể từ trạm nghỉ chân trước, chúng tôi mới lại gặp một trạm khác. Không còn có thể chờ được ngồi bên lửa, ăn thịt nấu chín nổi nữa; tôi chỉ mong được ngủ trong một chiếc quan tài hay bất kỳ thứ gì không cứng rắn và lạnh lẽo như mặt đất. Trạm nghỉ chân này ẩn mình trên một sườn dốc thấp, ngoài bìa rừng và bên một dòng suối lớn. Tôi và ông Crepsley nhắm thẳng tới đó, nhờ ánh trăng vằng vặc dẫn đường. Trong khi đó hai tên Tí-hon đi săn mồi. Chỉ mất mười phút là lên tới sườn dốc. Tôi vượt lên đi trước ông Crepsley để tiến vào cửa hang, háo hức nhóm một ngọn lửa. Ông bỗng níu vai tôi, nói nhỏ:

- Khoan.

- Sao vậy.

Tôi gắt gỏng. Sau mấy tuần ê ẩm vì ngủ trên mặt đất cứng còng làm tôi hay cáu kỉnh.

- Ta ngửi thấy mùi máu.

Tôi dừng lại, đánh hơi. Vài giây sau tôi cũng ngửi thấy mùi tanh tưởi.

Ông Crepsley thì thầm:

- Đứng sát sau ta. Chạy ngay khi ta ra lệnh.

Tôi ngoan ngoãn gật đầu, rồi theo ông rón rén vào hang.

Trong hang tối thui, nhất là vừa từ ngoài ánh trăng vào, vì vậy chúng tôi phải lần từng bước để mắt quen dần với bóng tối. Cái hang này sâu và lượn về bên trái, kéo dài chừng hơn hai mươi mét. Ngay giữa hang là ba cỗ quan tài đặt sẵn trên kệ, nhưng một cỗ đặt trên mặt đất, nắp bật sang một bên, và sát vách hang bên phải chúng tôi là những mảnh vụn của một chiếc quan tài khác.

Nền và vách hang, quanh chiếc quan tài tan nát, thẫm đen toàn máu. Không còn tươi, nhưng mùi máu cho biết nó chỉ cách nay chừng hai ba đêm trước. Ông Crespley kiểm tra khắp hang xem có kẻ nào khác nữa không, rồi lại gần, nhúng ngón tay vào vũng máu khô, đưa lên nếm thử.

Nhìn ông vê vê hai ngón tay, tôi hỏi:

- Sao?

- Máu của một ma-cà-rồng.

Ruột gan tôi lộn tùng phèo cả lên, vì tôi đã mong đó là máu của một con thú. Vừa định hỏi thêm, một âm thanh bất ngờ từ phía sau, một cánh tay mạnh mẽ cuốn quanh người tôi, và một bàn tay to lớn nắm lấy cổ họng tôi, và ngay khi ông Crepsley phóng tới, kẻ tấn công tôi bật lên tiếng kêu đắc thắng: “Ha!”

Các Tin Tức Khác