Có cái tựa và tranh bìa như một cuốn sách ngôn tình, nhưng Anh đã đợi em, từng ngày của Nguyễn Thị Thanh Bình, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, không khai thác chuyện diễm tình theo kiểu công thức của dòng sách này.
Bối cảnh thật - không gian của một công ty, chuyện đời thường tình - của đội ngũ nhân viên với những mối bận tâm quen thuộc, và rõ nhất là sự gặp gỡ, va chạm của khoảng cách thế hệ, của sếp với thuộc cấp, của quan điểm sống… Từ việc cô nhân viên tên Ngân, ngoại hình không có gì nổi bật, được đồng nghiệp tên Hoài nhờ gửi đồ ăn sáng hằng ngày cho sếp Quang vì cô mắc cỡ không dám làm, câu chuyện được dẫn dắt ra ngoài những dự đoán ban đầu của người đọc.
Sự xếp đặt “vô tình” cho một cô gái “không xinh đẹp nhưng có vẻ gì đó khiến người khác yêu mến” mang đồ ăn đến cho một anh trưởng phòng “như thể được bao bọc bởi một lớp băng lạnh lẽo” được gọi bằng chú, để vỡ ra rằng bấy lâu cô không hề giúp bạn, mà là đang giúp chính mình... Ngôn ngữ đối thoại hiện đại, tự nhiên, không cần nhiều tình tiết gay cấn, truyện thể hiện đơn giản như cuộc sống đời thường vốn thế, nhưng vẫn kéo được người đọc “lướt” một mạch hết hơn 200 trang.
Tác giả là một cây bút có kinh nghiệm, có nhiều tác phẩm đã xuất bản (các truyện dài Hành trình về phía mặt trời, Quê ngoại, tập truyện ngắn Vĩnh biệt tiểu thư…) nhưng sử dụng lối viết có vẻ không nhiều dụng công mà thong thả như trò chuyện hàng ngày. Anh đã đợi em, từng ngày còn cho thấy sự chủ động làm mới của Nguyễn Thị Thanh Bình so với các tác phẩm trước. Vẫn sử dụng cách thắt nút và mở nút duyên dáng đặc trưng của một cây bút nữ, nhưng tác giả đã “ưu ái” cho nhân vật của mình có kết thúc tốt đẹp hơn sau những gian khó. “Bên cạnh tình yêu đẹp, tôi còn muốn nhân vật của mình thành công trong công việc, cuộc sống”, Thanh Bình chia sẻ.
Anh đã đợi em, từng ngày là một trong năm bản thảo chất lượng được xuất bản sớm nhất, trích từ hơn 70 tác phẩm gửi đến dự cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V. Tác giả từng đoạt giải Tư tại cuộc thi này năm 2000.
Theo Mai Liên - Báo Phụ Nữ