Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Làm việc theo nhóm
Cập nhật ngày: 20/04/2009

Hôm nay, thầy thông báo sẽ dùng tiết chủ nhiệm cuối cùng để “giáo huấn” một điều quan trọng. Điều này sẽ giúp cho “các anh chị” khi ra đời làm việc thành công hơn. Nghe tin nóng hổi này, toàn thể học sinh lớp 12C5 xôn xao hẳn lên. Điều gì thế nhỉ? Điều gì mà lại quan trọng hơn cả nghi thức chia tay cuối năm thế kia? Mọi người ngồi im lặng, điều này rất hiếm so với truyền thống ồn ào náo nhiệt vốn có của lớp....

Thầy chủ nhiệm lên tiếng:

Chúng ta thường có tinh thần đoàn kết rất cao khi gặp nguy khốn. Lúc chống ngoại xâm, lúc cùng nhau giải quyết khó khăn sinh tử, tinh thần đoàn kết trong một nhóm thường rất cao. Thế nhưng, khi làm việc theo nhóm thì thường kết quả không được cao, không được như ý muốn. Tại sao vậy? Các anh chị hãy nghe qua câu chuyện sau rồi chúng ta đưa ra kết luận.

Câu chuyện thứ nhất

Có một nhóm người bị mắc kẹt trong một cái hang tránh tuyết. Họ nhóm lên một đống lửa để sưởi ấm. Nhìn qua nhìn lại, họ có năm người; mỗi người cầm một que củi cuối cùng trên tay. Đống lửa đang muốn tàn dần. Cần phải cho thêm củi vào. Nhưng ai cũng ngần ngại, do dự, không muốn thẩy cây củi cuối cùng của mình vào đống lửa. Tại sao vậy? Vì:

+ Người thứ nhất định ném que củi vào đống lửa nhưng rụt tay lại vì ánh lửa vừa cháy bùng lên, chiếu sáng một khuôn mặt mà anh ta rất ghét.

+ Người thứ hai huơ tay định đút thanh củi vào đống lửa thì chạm phải người kế bên, kẻ luôn tìm cách nói xấu anh ta. Sao lại cho hắn sưởi ấm bằng que củi của mình được nhỉ. Nghĩ thế, anh ta giữ chặt lấy que củi.

+ Người thứ ba run run đưa cánh tay gầy đét định nhét que củi vào đống lửa. Anh ta đảo mắt một vòng và khựng lại khi thấy một tên béo ị. Khuôn mặt chảy xệ những tảng mỡ. Không được. Tại sao phải hy sinh que củi cuối cùng cho một kẻ đáng ghét thế kia chứ?!

+ Người bé mập béo kia thì lại cho rằng, chẳng tội gì mà mình phải chia sẻ que củi với kẻ nghèo kiết xác, ốm nhom ốm nhách kia.

+ Người cuối cùng đút que củi vào đống lửa. Ngọn lửa cháy bùng lên rồi nói: “Các bạn ơi! Nếu chúng ta không đoàn kết, không hy sinh phần mình thì ngọn lửa sẽ lụi tàn, tất cả sẽ chết. Xin mọi người hãy dẹp bỏ những nghi kỵ, hiềm khích qua một bên để cùng nhau duy trì đống lửa này.

Tất cả đều làm theo ý kiến của người thứ năm. Khi que củi cuối cùng vừa cháy hết, đội cứu hộ đã tìm được hang ẩn núp của nhóm người tránh bão tuyết. Mọi người được cứu thoát. Họ đã trở nên thân thiết với nhau tự lúc nào không biết.

Câu chuyện thứ hai

Trong một trò chơi tập thể, người ta đào bốn cái hố, mỗi hố có bốn người ở dưới. Sau một hồi còi dài, nhóm nào leo lên miệng hố trước thì thắng cuộc.

Sau một tiếng còi dài, các hố lần lượt có người leo lên. Riêng có một hố chẳng có ai leo lên được cả. Người quản trò hỏi thăm để tìm nguyên nhân tại sao. À, thì ra họ không đoàn kết. Ba nhóm trước, họ tự đề cử người trưởng nhóm và phân công nhau công kênh để đưa từng người lên khỏi hố. Riêng nhóm cuối cùng, vì chẳng ai chịu kém người khác nên không đề cử được người trưởng nhóm. Không ai chịu nghe lời ai, mỗi người giữ một ý kiến riêng. Với cách làm việc như vậy, cả nhóm cuối cùng đành phải ở lại dưới hố.

Các anh chị hãy lưu ý. Trong công việc, chúng ta cần đoàn kết và giúp đỡ nhau. Trong khi làm việc theo nhóm, phải biết đề cử một người đứng đầu, người ấy cần nhanh nhạy và khôn ngoan để giúp nhóm làm việc tốt và kết thúc công việc nhanh chóng.

 

Làm việc kiểu “Bất tam bất tứ ” nghĩa là chẳng ba cũng chẳng bốn, rất lộn xộn thì không thể có kết quả tốt được. Chỉ khi đoàn kết, dẹp bỏ những ích kỷ cá nhân thì một nhóm người mới trở nên đồng nhất được.

(trích 500 câu chuyện luân lý - Kỹ năng sống đẹp)

Các Tin Tức Khác