Từ chuyện đi rồi về, Mạc Can gửi gắm đến các nhà văn trẻ, nếu có điều kiện đi đây đi đó thì tốt nhưng nếu chỉ cưỡi ngựa xem hoa như đi du lịch thì chẳng tích lũy được cái gì.
Không thể nói đi nhiều thì có thể có tác phẩm mang tính toàn cầu, ở nhà thì không. Đi nhiều hay ít không quan trọng bằng biết cách đi và quan sát.
Dù đối diện với nỗi nhớ quê hương quay quắt, xót xa khôn nguôi trước những linh hồn của Sài Gòn dần dần biến mất hay quặn đau khi thấy tình người phai nhạt, Nhớ vẫn không da diết, day dứt đến mức khiến người ta rưng rưng nước mắt. Vẫn cái giọng tưng tửng, dí dỏm, “nhà văn từ trên trời rơi xuống” Mạc Can chia sẻ về tập truyện ngắn và tản văn mà ông vừa ra mắt: “Xót xa thì giữ trong bụng cho riêng mình. Tui khoái làm cái gì cho người ta vui cười, diễn cũng vậy mà viết cũng vậy. Cái sự buồn khó chịu lắm, không nên buồn”.
Viết là sợi dây liên lạc duy nhất
. Trước khi đọc tác phẩm, tưởng Nhớ phải cồn cào, dữ dội lắm. Dường như những nỗi nhớ trong ông vẫn chưa đi đến tận cùng?
+ Hoài cổ có hai kiểu, cái kiểu chuyện xưa tích cũ đàng hoàng, sâu sắc như nhà văn Sơn Nam thì tôi không kham nổi. Với lại, tôi thấy không gì khổ bằng đọc chữ, phải suy nghĩ mệt lắm. Thấy được sự nhọc nhằn của người đọc nên văn chương của tôi hướng tới tính giải trí cao hơn. Buồn, xót, đau chứ. Nhưng xót xa thì giữ ở trong bụng thôi. Làm sao gợi cho bạn đọc thấy nhớ, thấy tiếc mà không bi lụy, đau đớn.
. Nhưng tại sao hoài niệm về những vùng đất Nam Bộ, những ngày rong ruổi cùng gánh hát lại không được viết khi ông còn ở Việt Nam mà phải đợi sang Mỹ mới ra đời?
+ Không phải ở Việt Nam tôi không nhớ. Từng góc phố, con đường, một giọng nói, tiếng cười cũng làm mình nhớ về một kỷ niệm nào đó. Chỉ là chưa có dịp viết ra mà thôi. Nhưng ngồi một mình trong khung cửa sổ lạnh lẽo, đối diện với sự im lặng đến ghê người, cô độc khủng khiếp và khát khao được nghe tiếng một người Việt Nam khiến cho nỗi nhớ tràn về.
Ngày lễ phục sinh mình đi vô chợ Mễ mua con gà, trên đường tòng teng đi về mình thấy cột đèn, cọng rác, hòn sỏi như bao chỗ khác, có khác gì đâu nhưng nó không phải là của mình. Thế là lại nhớ từng gương mặt, giọng nói, gánh hát rong ngày xưa. Có những lúc tôi như người mộng du, cứ nghe văng vẳng tiếng ai hỏi “Ăn cơm chưa?” nhưng có ai đâu…
Chính vì thế, viết là cách để nỗi nhớ nguôi dần qua từng con chữ bật ra, viết để quên đi nỗi cô đơn rợn người và viết là sợi dây duy nhất liên kết với Việt Nam. Mất gì thì được chứ mất gốc là mất tất cả.
Ra đi là để trở về
. Đánh đổi sức khỏe và bất chấp hiểm nguy, ông vác ba lô lên đường để đi tìm cái mới. Vậy trong Nhớ, người đọc có quyền kỳ vọng vào một ông Can già lai Tây không?
+ Ấy ấy, tôi không lai Tây, lai Tàu gì hết. Tại sao phải viết theo kiểu Tây, nó không hợp với xứ mình. Không Tây hóa nhưng cũng phải mới hơn so với chính mình. Điều mới nhất trong Nhớ là một thể loại văn gần gũi với điện ảnh, bập vô là những gì quan trọng nhất, giữa bụng có thể nó dở nhưng kết thúc phải bất ngờ. Ăn thua là ở cái cách dụ người ta đi đến cuối tác phẩm với mình.
. Các nhà văn hay tranh cãi nhau về sự xê dịch. Có người cho rằng phải đi nhiều thì mới đa dạng văn hóa, tác phẩm mới mang tính toàn cầu. Nhưng có người cho rằng đi nhiều chưa hẳn đã làm nên một tác phẩm xuyên quốc gia. Sự ra đi và trở về của ông ủng hộ cho quan điểm nào trên đây?
+ Khi bước lên máy bay, tôi đã chần chừ vì sợ hãi, biết điều gì sẽ xảy ra với mình đây. Và khi bước xuống sân bay, tôi đã bật khóc vì sung sướng. Quê hương của mình là đây, máu thịt của mình là đây. Bây giờ tôi vẫn còn sức để đi được nữa nhưng đi để làm gì, có cái gì để tìm kiếm ở những phương trời xa xôi kia?
Các nhà văn trẻ, nếu có điều kiện đi đây đi đó thì tốt nhưng nếu chỉ cưỡi ngựa xem hoa như kiểu đi du lịch thì chẳng tích lũy cái gì để xài đâu. Phải chịu cực chịu khổ, xâm nhập thực tế mới nhận ra những cái khác nhau rất chi li giữa các nền văn hóa. Không thể nói đi nhiều thì có thể có tác phẩm mang tính toàn cầu, ở nhà thì không. Đi nhiều hay ít không quan trọng bằng biết cách đi và quan sát. Và nhớ, ra đi là để trở về!
. Xin cảm ơn ông.
Hai mùa đông và ba tác phẩm từ xứ người
Ngày ông già Can mất tích, người ta kháo nhau đủ thứ tin đồn giật gân về ông “nhà văn từ trên trời rơi xuống”. Nào là ông đi trốn nợ, đi theo bồ hay bị giang hồ… xử. Sau hai mùa đông lạnh lẽo, cô đơn trên đất Mỹ, ông trở về, cũng lặng lẽ như ngày ra đi. Chỉ có điều không giống như những tin đồn trước đó, ông trở về với hai cuốn tiểu thuyết Ba… ngàn lẻ một đêm, Quỷ với bụt và thần chết (đã xuất bản khi ông còn ở Mỹ) và tập truyện ngắn, tùy bút Nhớ ( NXB Trẻ vừa ấn hành đầu tháng 5-2011). Nhớ là những truyện ngắn, tản văn được Mạc Can viết trong vòng một tháng cuối năm 2010 khi đang ở Dallas, Texas, Hoa Kỳ. Đằng sau giọng văn tưng tửng, đậm chất Nam Bộ của một người gần như gắn bó suốt cuộc đời mình với vùng đất này là nỗi khắc khoải khôn nguôi về những kỷ niệm một thời đã lùi vào dĩ vãng. Đó là bầu đoàn thê tử của một gánh hát rong bán thuốc dán, thuốc ho, thuốc xổ vì miếng cơm manh áo mà phải chịu mù chữ; một nghệ sĩ khẩu thuật giả đủ thứ tiếng muông thú vĩnh viễn ra đi mang theo gia tài khẩu thuật hay võ sư nổi tiếng một thời với đội lân râu bạc, oai danh trên đường phố, nay bán mạng mình để kiếm chén cơm. Đó còn là khu chợ Nancy, rạp chiếu bóng Eden, một không gian thân thuộc, một phần linh hồn của Sài Gòn mà có lẽ không một người dân Sài Gòn nào có thể quên được. Không quá day dứt, cồn cào, Nhớ như một cơn gió thoáng qua khiến người ta thổn thức, bồi hồi về những điều tưởng chừng đã quên lãng. Nhớ, giữ và buông Nhiều người hỏi tui sao viết về sự mất mát mà kể chuyện tình yêu, coi bộ vui vẻ dữ vậy. Tôi thì cho rằng hoài cổ là một lẽ, cái gì mất đi mà không tiếc nhưng đừng cứng nhắc quá. Nếu nó khang trang hơn, hiện đại hơn thì càng mừng chứ sao. Nếu cứ níu giữ nhiều khi lại gây cản trở cho sự phát triển chung.
Như một lẽ tất yếu, tivi, các sân khấu hiện đại rồi cũng thay thế dần những gánh hát rong. Những tiết mục thô sơ, mộc mạc được thay thế bằng những màn kỹ xảo hoành tráng hơn. Bây giờ chẳng còn ai buồn xem trò ảo thuật cái đầu trên dĩa hay tiếng chim, tiếng vịt kêu bằng miệng của nghệ sĩ khẩu thuật nữa. Đó cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng điều đáng tiếc nhất vẫn là tình cảm giữa con người và con người với nhau. Tôi nhớ hoài sự háo hức của người dân mỗi khi gánh hát về. Họ reo lên “Gánh hát về!”, tức họ xem mình là người nhà của họ. Có những gánh hát nghèo quá, bà con còn góp cho nắm cơm, lon gạo. Cái tình sao mà lớn, mà thiêng liêng quá! Còn bây giờ, mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và người xem chỉ qua một tấm vé. Anh bán, tôi mua. Nhiều khi nghĩ mà buồn rơi nước mắt. Con người ta luôn đấu tranh để giữ hay bỏ đi thứ này, thứ nọ nhưng điều rất quan trọng trong cuộc sống là lòng tốt và tình người thì ít ai quan tâm giữ lấy. Y.T ghi
|
Yên Thảo
(Nguồn: Pháp Luật)