Forrest Gump hay Bữa sáng ở Tiffany’s hay Chuyến tàu mang tên Dục vọng… không còn xa lạ với công chúng điện ảnh nữa, và dường như 2-3 tiếng thưởng thức các bộ phim này vẫn chưa đủ, nên nhiều người còn thích xem đi xem lại chúng. Song có một cách thưởng thức khác các tuyệt phẩm điện ảnh này. Đó là trở về với kịch bản hoặc truyện gốc. Truyện và kịch bản phim nổi tiếng thế giới của Nhà xuất bản Trẻ ra mắt vào cuối năm 2011 thực tế là một nỗ lực kéo khán giả điện ảnh gần lại với văn học, với những chất liệu ban đầu của một bộ phim, và đưa độc giả bình thường đến với một cách cảm thụ mới.
Nếu có thứ gì nhanh
trở thành lịch sử, nhanh thay đổi phong cách nhất mà luôn giữ được cái vẻ kinh
điển thì đó là điện ảnh. Hơn một 100 từ khi điện ảnh ra đời, mối bận tâm về việc
kể lại một câu chuyện, thể hiện một dòng cảm xúc bằng hình thức nghệ thuật tổng
hợp này vẫn lớn.
“Có bột mới gột nên hồ”, kịch bản và truyện gốc của các bộ phim là sản
phẩm có khả năng đứng độc lập đầu tiên để dự đoán xem bộ phim hay đến
đâu.
Một
cách mở rộng phạm vi thưởng thức
Có người sẽ phản đối rằng: cách làm phim kể lại một câu chuyện đã cũ rồi, giờ là thời của phim arthouse, indie, những phim cảm giác kể lại các cung bậc trạng thái tâm lý chứ không còn bám lấy diễn tiến như một tiểu thuyết cổ điển nữa. Nhưng dù là dòng phim nào, kịch bản vẫn là căn cứ đầu tiên để các nhà làm phim tiến hành sản xuất. Các bộ phim được giới điện ảnh và công chúng đánh giá cao đều là những phim có kịch bản văn học xuất sắc: Casablanca, Chuyến tàu mang tên Dục vọng, Cuốn theo chiều gió…
Các ngành nghệ
thuật, trong đó có điện ảnh, không còn đứng riêng rẽ mà càng ngày càng có sự
giao thoa với nhau. Thao tác liên văn bản giữa tác phẩm điện ảnh và văn học là
một hệ quả của văn hóa nghe nhìn. Bộ phim hay khiến người đọc muốn mở rộng phạm
vi thưởng thức: họ không chỉ xem phim trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà còn theo dõi
thông tin trên các báo, các trang mạng và hồ sơ hậu trường của bộ phim nữa. Họ
sẽ còn tiến một bước sâu hơn là tìm đọc truyện gốc hoặc kịch bản của bộ phim,
nơi mà đầu óc họ sẽ tái hiện lại khung cảnh bộ phim, ở một chiều tư duy của
riêng họ, khiến họ thành một đồng tác giả mới.
Các tác phẩm văn học
hấp dẫn cũng chính là nguồn chất liệu dồi dào mà các hãng phim chẳng bỏ qua cơ
hội khai thác. Ngày càng nhiều những tiểu thuyết ăn khách được Hollywood mua
quyền làm phim ngay sau khi chúng ra đời. Sự so sánh của khán giả càng làm mối
liên hệ này thêm phần rôm rả.
Đem
đến cho độc giả một cảm thụ mới
Đâu là tiêu chí để làm nên một dòng sách có tham vọng tái hiện không khí màn bạc trên mặt giấy? Thực ra để làm ra một bộ sách “2 trong 1” như vậy mất công hơn nhiều so với một cuốn truyện thông thường hay một cuốn sách ảnh. Loạt sách Truyện và kịch bản phim nổi tiếng thế giới của Nhà xuất bản Trẻ ra mắt vào cuối năm 2011 thực tế là một nỗ lực kéo khán giả điện ảnh gần lại với văn học, với những chất liệu ban đầu của một bộ phim, và cũng tương tự thế là đưa độc giả bình thường đến với một cách cảm thụ mới.
Văn học và điện ảnh
là một “cặp đôi hoàn hảo” cho việc hình ảnh hóa những câu chữ, mà phim ảnh phải
kể được một câu chuyện nữa thay vì minh họa một đối một cho tình tiết trong
truyện.
Vì vậy, đọc truyện
gốc và kịch bản phim dù trước hay sau khi xem phim, người ta hẳn sẽ có một tư
duy độc lập trong việc nhận diện một giá trị văn học. Những câu thoại của bộ
phim
Casablanca hay Khi
Harry gặp Sally là ví dụ tuyệt vời về nghiên cứu tâm lý nhân vật, vốn là
một đặc tính của văn xuôi thông thường. Những trang thoại của những bộ phim lớn
này đã đi vào phông văn hóa toàn cầu, lời ăn tiếng nói của khán giả bị ảnh hưởng
theo, và đến lượt những khán giả này đo lường các tác phẩm văn học truyền thống
theo cảm xúc vừa thu nhận được từ phim ảnh.
Chuyến tàu mang tên Dục vọng lại là một ví dụ về việc chuyển thể một vở kịch mang phong cách Gothic miền Nam thành một bộ phim có sức ảnh hưởng thương mại rộng rãi. Việc chọn dịch những tiểu thuyết và truyện vừa xuất sắc của văn học Mỹ vốn đã được dựng thành phim như Bữa sáng ở Tiffany’s và Forrest Gump đã cho thấy đây là một bộ sách chất lượng, dựng nên chân dung một thế giới sáng tạo mà các nhà văn, nhà biên kịch không bao giờ từ bỏ nỗ lực để làm sáng lên những câu chuyện tuyệt vời về cuộc sống.
|