Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Hành trình của Người Thắp Lửa
Cập nhật ngày: 23/06/2010

Đọc những suy nghĩ của ông, thấy day dứt một nỗi niềm về một đất nước sẽ có tầm vóc lớn hơn, một cuộc hành trình giữ ngọn lửa đã đổ bao xương máu để thắp lên. Đó là một hành trình gian khổ hơn nhiều, bởi đi như thế nào thì chính Võ Văn Kiệt cũng mới chỉ bắt đầu. Cái bắt đầu của ông đã được cả thế giới biết đến, một nụ cười Võ Văn Kiệt thân thiện và "mang lại cho Việt Nam một khuôn mặt nhân văn" như lời của báo The Times (Anh) đã viết về ông.

Bìa Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa

Làm sách về nhân vật lịch sử đương đại thường hay gặp phải những vấn đề: độ lùi thời gian chưa có để nhìn nhận thấu đáo về hành trạng, đạo đức và tầm vóc của họ; tính chất thông tấn báo chí của những bài viết về họ chưa đủ để cấu tứ thành quyển sách có sức nặng tư liệu và chiều sâu. Nhưng bằng cách này hay cách khác, vẫn có những giải pháp để ra đời những cuốn sách hấp dẫn, tươi mới và nóng hổi về nhân vật, mang tác động trực diện với đời sống đang diễn ra. Võ Văn Kiệt - Người Thắp Lửa là một cuốn sách như vậy.

Trong suốt hơn 500 trang, cuốn sách đặt ra một câu hỏi mang khát vọng định nghĩa "Thế nào là Võ Văn Kiệt?" và bằng một ý tưởng rõ ràng, bằng cách thể hiện tươi tắn, hiện đại, khiến người đọc nhìn thấy được một chân dung vị cựu thủ tướng đặc biệt - người đã đi suốt lịch sử chiến tranh giữ nước và góp phần xây dựng Việt Nam thành một đất nước kinh tế phồn thịnh. Một nhân vật có thể nói là nguồn cảm hứng sinh động cho bất kỳ nhà tiểu thuyết nào.

Cuốn sách chia làm 5 phần: Hành trình Võ Văn Kiệt, Năng lượng Võ Văn Kiệt, Võ Văn Kiệt - một người của nhiều người, Anh Chín Dũng, Chú Sáu Dân của Thành đoàn và Thanh thiếu niên TP.HCMNhững trang viết Võ Văn Kiệt, được tổ chức theo lối có dáng dấp "nhập môn" nhân vật lịch sử trong phần đầu, tiếp đó những phần sau là nội dung cụ thể hóa những sự kiện và công việc của nhân vật.

Hành trình Võ Văn Kiệt được tổ chức như một biên niên nhân vật, theo mốc thời gian, trình bày bằng những hình ảnh tư liệu đặc sắc và những thông tin cô đọng, trải trên những giai đoạn lịch sử mang những cái tên làm nổi rõ đặc điểm hoạt động của đời ông Kiệt: 1922-1950: Cuộc hẹn với cách mạng, là cuộc hẹn như của bao người chiến sĩ cộng sản ra đi tìm một lý tưởng giải phóng, 1950-1959: Thắp đuốc trong rừng, hay 1998-2001: Những năm tháng chuyển giao... là những cách gọi tên đầy hình tượng về một nhân vật "tay lái tay chèo" đưa sự nghiệp cách mạng của một vùng, một khu vực và một nước lên những dấu mốc quan trọng.

Biên niên này tái hiện lại hành trình địa lý của ông Kiệt từ Nam ra Bắc, từ bưng biền về Thành, từ một địa phương lên quản lý kinh tế cả đất nước, từ vị trí đất nước bị cô lập đến làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Người đọc thấy hiện lên chân dung một con người mang nét hào kiệt chí lớn, kinh bang tế thế, góp phần làm thay đổi cục diện lịch sử theo hướng tiến bộ. Những công trình trọng điểm kinh tế do ông đề ra, có thể có nhiều tranh cãi đến bây giờ, nhưng chúng phản ánh một cách thức đối diện với quy mô lớn hơn của một nền kinh tế đang vỡ da vỡ thịt, tìm cách định nghĩa một công thức uyển chuyển cho phát triển. Đó là cách thức của một nền sản xuất có chiều sâu, thay vì manh mún và đối phó như quá khứ.

Trên hành trình địa lý ấy, biên niên cũng toát lên được hành trình tư tưởng của ông Kiệt, từ những công việc có tính gỡ nút, xé rào có tính chất tức thời đến cả những kế hoạch dài hơi, những kế hoạch huy động vật lực và trí lực của cả quốc gia. Nếu chỉ liệt kê mốc thời gian, phần này của cuốn sách sẽ chỉ như một thư mục thống kê. Nhưng cách sắp xếp và gắn mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện dưới một sự phân tích cô đọng làm cho người đọc thực sự cuốn hút từ trang này sang trang khác. Các tác giả đã tìm cách đồng hiện các sự kiện cùng thời gian, để làm nổi rõ đóng góp của Võ Văn Kiệt trong dòng chảy sự kiện. Chẳng hạn, chỉ một trang bản đồ đường đi từ miền Tây ra Bắc họp ĐH Đảng, người ta có thể thấy hành trình ấn tượng của ông: vượt biên sang Campuchia và Thái Lan, rồi cải trang làm nhà buôn đi từ Bangkok sang Quảng Châu, rồi tìm đường về chiến khu Việt Bắc, và lại vượt Trường Sơn về lại Khu 9. Những hình ảnh tư liệu quý giá, độc đáo và lối trình bày linh hoạt bằng nhiều hình ảnh đồ họa thực sự là những trang "nhập môn" hấp dẫn cho bạn đọc trẻ - đối tượng quan trọng của cuốn sách.

Năng lượng Võ Văn Kiệt là những bài viết mang những nét chính luận, đề cập đến những đường lối và giải pháp của vị thủ tướng chính phủ, bí thư thành ủy... trong những quyết sách lớn về trí thức, cải cách kinh tế, những giai đoạn "phá rào" những năm sau giải phóng và Đổi Mới sau này. Người ta thấy hiện lên chân dung một "kiến trúc sư kinh tế" qua bài viết của các vị lãnh đạo kế nhiệm và cùng thời như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, những nhà nghiên cứu và nhà báo như TS. Vũ Quốc Tuấn, Trần Đức Nguyên, Huỳnh Bửu Sơn, Nguyễn Công Khế, Thế Thanh, Huy Đức... Ở phần này, người đọc có được hình ảnh một nhân vật lớn được vẽ bằng nét bút chững chạc, rắn rỏi, có chiều sâu và độ sắc sảo chính trị.

Một người của nhiều người là những trang viết nhìn Võ Văn Kiệt ở cự ly gần, mang những nét đời thường ít thấy ở những sách về nguyên thủ khác vốn huyền hoặc hóa hoặc điểm xuyết không mấy rõ ràng. Nhân vật hiện ra ở khía cạnh mềm mại hơn, trong bài viết của những người đồng chí, anh em bạn bè từng chia sẻ với ông những chí hướng và gian khó, cho đến cả những hồi ức của những người con, cháu ruột thịt. Không phải ai cũng có được nhiều người dành cho nhiều trang viết cảm động và yêu quý như thế. Ở đây người đọc có thể gặp được tâm sự của bà Bảy Huệ, phu nhân cố TBT Nguyễn Văn Linh, tức Mười Cúc, người từng vào sinh ra tử với ông Kiệt những năm tháng chiến tranh cho đến sau này, hai người là đầu tàu của công cuộc Đổi Mới. Những bài viết của các trí thức và thư ký của ông như Việt Phương, Nguyễn Trung, Phan Chánh Dưỡng, Chu Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Trịnh... nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn... cũng phần nào cho thấy một con người biết chiêu hiền đãi sĩ.

Phần tiếp theo có lẽ là dấu ấn của đơn vị thực hiện cuốn sách - NXB Trẻ, cơ quan của Thành đoàn TP.HCM - là nét khác biệt nữa so với các cuốn sách khác. Ở đây, những thế hệ Thanh niên, Thanh niên xung phong và lãnh đạo Đoàn ở TP.HCM đã kể về một Võ Văn Kiệt táo bạo, cởi mở và không quan phương. Ông là người đã có câu nói nổi tiếng "Không ai chọn cửa mà sinh ra!" để tập hợp được thanh niên từ nhiều thành phần về dưới ngọn cờ Đoàn, để một thời khi mà chủ nghĩa lý lịch còn nặng nề, đã có thể làm được những điều tưởng chừng như vượt một bức tường đá, bức tường ngăn cách sau nhiều năm chiến tranh vẫn ở thế thượng phong trong tư tưởng. "Lấy từ bi cởi bỏ hận thù" như chính tên một bài viết của ông, để người Việt đoàn kết với nhau góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh, sẽ còn là cuộc hành trình lâu dài của Võ Văn Kiệt cho đến tận cuối đời, và cũng còn tái hiện trong phần cuối - chính là những trang viết của chính ông.

Những gì ông đã viết ở đây là cái nhìn thẳng thắn, khôn ngoan và thực tâm của một con người trải đời, bạt thiệp, đem lại cho những người đối diện lẫn đối nghịch một sự kính trọng sâu sắc. Những điều ông nói, điều ông cổ vũ, có lẽ không mới lạ, nhưng ông đã làm được đến cùng, hoặc ít nhất là đã gửi được thông điệp của mình đến từng người Việt Nam hiện đại. Đọc những suy nghĩ của ông, thấy day dứt một nỗi niềm về một đất nước sẽ có tầm vóc lớn hơn, một cuộc hành trình giữ ngọn lửa đã đổ bao xương máu để thắp lên. Đó là một hành trình gian khổ hơn nhiều, bởi đi như thế nào thì chính Võ Văn Kiệt cũng mới chỉ bắt đầu. Cái bắt đầu của ông đã được cả thế giới biết đến, một nụ cười Võ Văn Kiệt thân thiện và "mang lại cho Việt Nam một khuôn mặt nhân văn" như lời của báo The Times (Anh) đã viết về ông.
 
Nghĩ về Võ Văn Kiệt muốn bắt đầu từ suy nghĩ của ông. Ông cho rằng quan trọng nhất, của con người là sự dấn thân vì lợi ích cộng đồng
Sự dấn thân ấy đòi hỏi có tri thức và nhiệt tình. Hai cái đó phải cộng hưởng với nhau..
Có tri thức để hiểu và biết: dấn thân để làm gì. Nếu biết rồi mà không nhiệt tình, thiếu trách nhiệm thì cái biết ấy cũng không thể làm nên chuyện.
Ông có phẩm chất của một người trí thức luôn biết mình cần phải biết những gì, phải làm gì để biến những điều mình biết ấy thành giá trị thực tiễn..
Khái niệm biết và làm là hai phạm trù tách bạch nhau. Không phải là biết làm, mà là biếtlàm. Biết làm gì, và làm như thế nào. Biếtlàm đứng gắn liền nhau, chứ không thể trộn dính là một.
Ông luôn luôn rèn luyện bản thân mình, và những người cộng sự như thế.
Ông thuộc những người đã định làm gì là làm hăng say, làm cho được. Ông hay dùng khái niệm lửa củi để biểu thị một thái độ sống. Đối với ông, đó chính là một thái độ sống.
Lửa củi- theo cách nói của người Nam Bộ là say sưa, là nồng nhiệt, Dám nghĩ, Dám làm, Dám chịu trách nhiệm.
Con người hành động của ông luôn coi lửa củi là một phẩm chất rất cần phải có ở những người đang làm việc trong nhà nước - những người cách mạng, cách mạng theo nghĩa thay đổi xấu thành tốt, không thể - thành có thể. Nếu không có nhiệt tình thì không làm được việc.
Cuốn sách của Nhà xuất bản Trẻ mang một tựa rất ấn tượng: Võ Văn Kiệt-Người thắp lửa
Những người chưa biết ông thì phải đọc mới hiểu
Những người đã biết ông thì nói tựa đó rất đúng với con người ông. Vì suốt từ thời trai trẻ, cho đến tận phút cuối đời mình, ở đâu, làm gì, với cương vị nào và hoàn cảnh nào ông cũng rất là lửa củi: Dám nghĩ, Dám làm, Dám chịu trách nhiệm.
Từ thái độ sống ấy của ông, ông đã thắp lửa cho rất nhiều con người. Rất nhiều công việc vì dân vì nước đã được ông thắp lửa. Làm một con đường, làm một cây cầu, một khu công nghiệp... thấy cần cho dân là làm, phải làm. Đắp đê ngăn biển, hễ lợi cho nông dân ở vùng lũ  thì sao không làm... Làm cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, để có sức thuyết phục nhất cho mọi giới.
Khi là một công dân bình thường, thái độ sống ấy giúp cho anh hoàn thành nghĩa vụ công dân một cách trọn vẹn. Khi anh là một người có trách nhiệm, anh làm không chỉ cho riêng mình, mà là làm cho hàng nghìn người, rất nhiều người.
Những công việc chưa ai làm, người ta tin thì rồi mới nghe, và làm cùng. Ông đã thắp lửa lòng tin cho họ từ chính trái tim mình.
Nguyễn Thế
 
Hồng Hà
(Nguồn Tuanvietnam.net)
Các Tin Tức Khác