Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Nguyễn Nhật Ánh - 8 tuổi và chiếc vé đi tuổi thơ
Cập nhật ngày: 05/05/2011

“Cho tôi một vé xin đi tuổi thơ Một vé trở về giấc mơ màu cổ tích Bút mực truyện tranh, những tiếng cười khúc khích Bàn có năm người và một bịch bỏng ngô”

Cứ mỗi lần mở cuốn sách ấy ra, tôi lại ngêu ngao vài câu hát, lại chuẩn bị đắm chìm trong một thế giới tuổi thơ mà mình đã bao ước được trở lại; có lẽ chỉ có duy nhất chuyến tàu “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh là có thể biến những ước mơ tưởng chừng như vô vọng ấy thành sự thật. Chuyến tàu ngược dòng thời gian quay về quá khứ, chạm ngõ tuổi thơ của bốn đứa trẻ: cu Mùi, con Tủn, Tí sún, Hải cò. Ai cũng có tuổi thơ nhưng cái tuổi thơ tại ga dừng của Nguyễn Nhật Ánh là một tuổi thơ “bất thường”, “bất thường” với những hành động, những suy nghĩ của tụi nhỏ, “bất thường” với những trò chơi, những mong ước, cái nổi loạn và sự phán xét người lớn. Chính cái bất thường đó, đã tạo nên cái đặc biệt, làm bao nhiêu người đã từng qua cái tuổi ấy cũng hoài nghi, lo sợ để rồi cho đến những trang cuối cùng mới hiểu được..thì ra suy nghĩ của ta về mỗi đứa trẻ là hời hợt biết bao. Tôi nhiều lần đọc lại cuốn sách ấy, nhưng không tài nào hiểu nổi làm cách nào tác giả đã ghi lại được tài tình những điểm “rung” trong cảm giác con người tinh tế và dí dỏm đến vậy: vui có, buồn có, lo lắng có, sợ hãi có. Chưa có cuốn truyện nào và có lẽ không có chuyến tàu nào có thể làm tôi nhớ lại những thứ tưởng chừng như quên lãng của một hồi tám tuổi như thế. Tám tuổi, tôi cũng thích ngồi bàn cuối, cũng thích giờ ra chơi khi “những lời vàng ngọc của thầy cô nhanh chóng trôi tụt ra khỏi đầu”, chỉ còn những tiếng hò hét, chạy nhảy với mấy trò nhày dây, lò cò ô ăn quan. Tám tuổi, tôi cũng như tụi cu Mùi, có những triết lý của cuộc sống “Nếu bạn sống trên đời mới có tám năm thì bạn không có lý do chính đáng để coi trọng giấc ngủ trưa. Với những dân tộc không có thói quen ngủ trưa, như dân Mỹ chẳng hạn, trẻ con càng không tìm thấy chút xíu ý nghĩa nào trong việc phải leo lên giường sau giờ cơm trưa”. Tám tuổi, là nơi mơ mộng với những trò chơi thật lạ, giả vợ chồng, lập phiên tòa xử người lớn, trở thành những nhà cách mạng với mong muốn có thể thay đổi thế giới, thay đổi cái guồng quay đơn điệu và nhạt nhẽo trong thế giới này bằng cách đặt ra những luật lệ mới, sửa đổi những tên gọi mới :cái nón là cuốn tập, cái đầu là cái chân. Nghĩ mới lạ, đã là người ai mà không từng mơ những điều vĩ đại, là vĩ nhân, là anh hùng, nhưng bọn trẻ thì dám làm, còn người lớn thì chỉ dám mơ. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” không chỉ là một chuyến hành trình đi tìm lại kho báu quý giá nhất của mỗi con người _tuổi thơ, nó còn là một lời cảnh tỉnh, phải biết quí trọng những gì trước mắt, thời gian là một thứ bụi, nhưng đừng bao giờ để mọi thứ đã là kí ức thì mới nhận ra “thứ bụi đó là kim cương” 

Phạm Hoàng Diễm
Giải Nhất cuộc thi bình chọn SÁCH TRẺ VÀ TÔI
Các Tin Tức Khác