Tuyển tập ký sự “Người đi tìm bóng” (NXB Trẻ, tháng 1-2008) là quyển sách thứ tư của nhà báo Binh Nguyên – người được ví là “đôi chân đi không mệt mỏi” của làng báo. Suốt 20 năm qua anh luôn sẵn sàng lên đường đến những vùng đất xa lạ để đem đến cho bạn đọc những câu chuyện độc đáo.
“Người đi tìm bóng” gồm 8 ký sự đường xa được thực hiện trong hai năm gần đây. Những tuyển tập trước của Binh Nguyên như “Tường trình từ tam giác vàng” (1996), “Một chuyến đi vào lòng đất” (2005), “Những hành trình vượt lên số phận” (2005) là những ký sự về những vùng đất, con người khá gần gũi ở nước ta và các nước ASEAN. Một lần nữa, “Người đi tìm bóng” khiến độc giả ngạc nhiên về sức đi và sức viết của nhà báo Binh Nguyên. Anh đến Tung Sơn Thiếu Lâm Tự ở thị trấn Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc thực hiện ký sự “Thiếu Lâm Tự - Huyền thoại và Sự thật”. Anh giong ruổi khắp các lò võ và sàn đấu Muay Thái đem đến cho độc giả những trang viết đẫm mồ hôi và nước mắt trên “Đường đến võ đài” của những võ sĩ nghèo được “bán xác” cho các lò võ từ khi còn nhỏ. Anh thu thập những câu chuyện ngậm ngùi trong “Dưới bóng Angkor” về những đền đài đang bị khai thác phục vụ cho du lịch. Rồi Binh Nguyên đến Nam Phi tìm hiểu những câu chuyện thú vị về vùng đất và con người còn khá xa lạ với Việt Nam. Anh đi đến “Trân Châu Cảng – 65 năm sau” kể lại những câu chuyện về những số phận trong chiến tranh ở hòn đảo Hawaii – được gọi là thiên đường nơi hạ giới. Trong tuyển tập, hành trình lên “Nóc nhà thế giới” – đỉnh Everest của rặng núi Hymalaya – của Binh Nguyên kỳ thú và hấp dẫn với chuyện về những con người sống nơi quanh năm gió tuyết. “Đường lên Nữ Nhi Quốc” kể về nơi tận vùng núi heo hút trên cao nguyên Minh Châu, thuộc làng Vĩnh Ninh, huyện Ninh Lạng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với dân tộc Moso có cuộc sống hoàn toàn theo chế độ mẫu hệ. Đặc biệt nhất là ký sự “Người đi tìm bóng” nói về số phận và thế giới nội tâm của những người thuộc “Giới tính thứ ba” đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Thái Lan dưới cái nhìn nhân hậu và cảm thông...
Mỗi câu chuyện, nhà báo Binh Nguyên không chỉ đơn thuần kể lại hành trình của mình, mà người đọc có thể cảm nhận rõ sự háo hức, những cảm xúc mỗi khi anh chiêm ngưỡng một cảnh đẹp, trò chuyện với những nhân vật, những số phận. Phong cách ký sự đó của Binh Nguyên là điểm khiến những trang viết đi vào lòng người đọc bằng bút pháp phóng khoáng mạnh mẽ, chân thật và nhân hậu từ mỗi câu chữ. Người đọc thấy tác giả xót xa trước một câu bé được “bán xác” cho lò võ Muay Thái: “Bé Kao, được xem là học viên nhỏ nhất ở đây, chỉ mới năm tuổi, quê ở tận miền Nam Thái Lan. Chúng tôi hỏi Kao vì sao thích Muay Thái, em chỉ cười: “Sẽ kiếm được nhiều tiền, mẹ bảo thế...”. Kao chỉ mới được gởi lên đây hơn một tuần, những bài tập đầu tiên mới chỉ là những điệu múa khởi động “Wai-kru” mà Kao rất thích, nhưng em đâu thể biết phía trước sẽ là con đường đầy máu và nước mắt...” (trang 65). Hay những ngậm ngùi kết thúc chuyến đi đến Tung Sơn Thiếu Lâm Tự: “Những huyền thoại về Tung Sơn nay đã phai nhạt. Thay vào đó là hình ảnh Tổng Giáo đầu phóng xe hơi ào ào trên xa lộ cao tốc, những trò săn đuổi học viên của công nghiệp kinh doanh võ thuật, hình ảnh các cao tăng lom khom bán hàng dịch vụ, hình ảnh co ro đói rét của tiểu sư huynh Tào Cẩm Đường chạy bộ về Tung Sơn...” (trang 49).
Dù đi đến bất cứ đâu, nhà báo Binh Nguyên đều tìm hiểu về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở nơi đó. Anh tự hào kể lại chuyện người Việt lập nghiệp ở Hawaii, chuyện người phụ nữ Việt Nam 30 năm làm ăn với Nam Phi, ước mơ chinh phục đỉnh Everest cao hơn 8.000 của những thanh niên Việt...
“Người đi tìm bóng” góp vào cho người đọc cảm nhận rõ nét về sự hội nhập của đất nước qua bước chân đi khắp thế giới của một nhà báo, toát lên niềm tự hào Việt Nam.