Với mong muốn giản đơn "nông dân được đọc sách", hơn mười năm qua chàng trai trẻ Nguyễn Quang Thạch, 34 tuổi (quê xã Sơn Lệ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), đã dành nhiều tâm huyết cho việc đem ánh sáng tri thức đến những dòng họ VN.
Thạch cho hay anh mê sách từ năm lớp 4, khi học hết tiểu học đã đọc hết tủ sách khoảng 700 cuốn của gia đình do người cha cũng ham mê sách mua về. "Thầy cô và bạn bè hồi ấy thường gọi tôi là mọt sách vì đi chăn trâu tôi cũng đọc sách, tiếc rằng khi ấy tôi chỉ đọc loanh quanh ngần ấy quyển thôi. Miền quê nghèo của tôi chẳng có thư viện nào, muốn mua sách thì không có tiền mà cũng chẳng có nơi bán. Với tôi, sách rất đẹp!" - Thạch cười, hấp háy mắt kính cận.
Đến nay, mô hình “tủ sách dòng họ” đã nhận đ ược 1.418 đầu sách với 1.465 cuốn sách và 11.700.000 đồng, 200 USD do 48 cá nhân gồm 45 người VN và ba người nước ngoài ủng hộ. Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ qua website www.sachlangque.net. |
Một lần đi chuyến xe lửa xuyên Việt, Thạch thấy rất nhiều nghĩa trang được quy tụ cạnh đường sắt, khu mộ của các dòng họ được quy tụ một cách bề thế. Liên tưởng dòng họ của mình, Thạch hiểu con người VN ai cũng hướng về tổ tông, cội nguồn và mong muốn dòng họ của mình có nhiều người hiển vinh. Và những người được hiển vinh, làm rạng rỡ tổ tông thường là những người nổi tiếng chịu khó, vượt lên số phận và có chữ. Ý tưởng thành lập mô hình "tủ sách dòng họ" đã bật lên trong Thạch. Khi trở về nhà, Thạch bàn với người chú của mình là nhà văn Nguyễn Quang Thân. Ông chú nghe xong ý tưởng của cháu, gật gù tâm đắc và tặng ngay hàng chục cuốn sách để làm vốn.
18 dòng họ đã vào cuộc
Ông Vũ Quốc Ái - thủ thư tủ sách dòng họ Vũ ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, Hải Dương - cho hay tủ sách dòng họ Vũ do anh Nguyễn Quang Thạch vận động khai trương từ 15-3-2009 tại từ đường họ Vũ. Tủ sách đã thu hút đông đảo bà con trong họ, nhất là các cháu học sinh hằng ngày tập trung đến từ đường đọc sách rất vui. Các ông bà nông dân chăm chú đọc sách hướng dẫn nuôi cá, nuôi bò rồi bàn chuyện làm theo sách rất sôi nổi. "Từ khi có tủ sách dòng họ, khoảng 50 con cháu dòng họ Vũ khắp mọi miền đất nước gửi sách về vì biết dòng họ đã có tủ sách cho con cháu đọc và chúng tôi sẽ thoát nghèo bằng tri thức" - ông Ái vui vẻ nói.
Nguyễn Quang Thạch cho hay trong hai năm qua anh đã vận động được 18 dòng họ của bảy tỉnh từ Bắc đến Nam đóng tủ và anh đưa sách về. Phương thức thành lập tủ sách dòng họ của Thạch rất đơn giản, anh đến vận động từng dòng họ đóng tủ sách. "Dòng họ nào đóng được tủ chứng tỏ họ có ý thức cầu thị việc đọc sách và tôi sẽ đưa sách về" - Thạch cho biết.
Sách tặng tủ sách chủ yếu do Thạch đi vận động và trích từ tiền tiết kiệm của mình, mỗi tháng 700.000-1.000.000 đồng để mua sách. Ðược tin Thạch vận động nguồn sách cho những dòng họ, nhiều nhà văn, học giả đã gửi tặng sách để Thạch đưa sách về nông thôn. Mỗi khi được mời về một chi họ tặng sách, Thạch lại cảm động khi thấy các em học sinh ào tới tủ sách tranh nhau chọn sách, lần giở từng trang chăm chú đọc. "Các em giống hình ảnh của tôi ngày xưa, ham mê sách và thích tìm tòi" - Thạch nói. Trong năm 2009, Thạch có dự định đi xe máy xuyên Việt để tạo hiệu ứng xã hội về sách cho nông thôn VN. "Tôi tin tưởng từ mô hình tủ sách dòng họ, văn hóa đọc sẽ hình thành và dân trí sẽ được nâng lên" - Nguyễn Quang Thạch nói với vẻ đầy tin tưởng.
Tủ sách dòng họ: sửa chữa một nghịch lý Tôi ủng hộ ý tưởng, nhiệt tình và những hành động có kết quả tích cực của Nguyễn Quang Thạch về lập những tủ sách ở làng, giao cho dòng họ quản lý. Bởi hiện đang có một nghịch lý cần được quan tâm: thành phố dân trí cao hơn nông thôn, nhiều sách đến mức thừa thãi nhưng ít người đọc vì họ có nhiều phương tiện nghe nhìn, giải trí. Ngược lại, nông thôn đói đọc lại no thời gian rỗi, trong khi sách vẫn còn là xa xỉ phẩm (nhiều khi đắt hơn nước hoa). Vậy là người không có thời gian và hứng thú đọc thì không biết dùng sách để làm gì. Người muốn đọc lại không có sách. Cũng giống như người giàu để hư thức ăn trong tủ lạnh trong khi phải đi hút mỡ, còn người nghèo không có mà ăn, suy dinh dưỡng triền miên. Hãy đưa sách về nông thôn càng nhiều càng tốt để sửa lại nghịch lý ấy. Hệ thống thư viện của xã đã có từ lâu nhưng nơi có nơi không, vùng sâu vùng xa cần sách thì không có. Vả lại, giao sách cho “cán bộ văn hóa” nửa lương hoặc không lương thì sách chỉ còn là những con họa mi giấy nằm trong tủ, không quay vòng, bảo tồn hay phát triển được. Cảnh đó đã tồn tại bao nhiêu năm nay ai cũng biết. Tủ sách của dòng họ thì khác. Người ta tự hào vì dòng họ mình ham đọc ham học. Người ta chăm chút kiến thức cho con em. Họ nào cũng có tộc trưởng trông coi thờ cúng, giỗ chạp. Bây giờ thêm việc thủ thư tuy không lương cũng thêm vui. Người ta rất hào phóng khi sách được người của các dòng họ khác mượn về đọc. Cuối cùng sách được giữ tốt, được quay vòng nhiều hơn, được nhân lên nhanh chóng vì họ nào cũng có người sinh sống và làm việc ở thành phố. Ý tưởng của Thạch đã được nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà sử học... trong nước ủng hộ thiết thực bằng cách tặng hàng ngàn cuốn sách. Hàng chục tủ sách dòng họ đã được lập. Còn ít nhưng chắc, có triển vọng phát triển. Tôi tin rằng nếu ngành văn hóa ủng hộ thêm nữa (ủng hộ chứ không phải quản lý nhé), mọi người tặng cho nông thôn thêm nhiều sách dù đã đọc rồi, đáng lẽ đưa bán ve chai thì triển vọng sẽ có hàng ngàn tủ sách cho các dòng họ và một dòng suối sách sẽ chảy về làng, góp phần làm tươi mới và nâng cao đáng kể linh hồn một nông thôn đang buồn tẻ và thiếu thốn nhiều thứ về văn hóa. NGUYỄN QUANG THÂN |