Được phát hành nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2011), tập truyện ký Tổ quốc không có nơi xa (NXB Trẻ) của nhà báo Lưu Đình Triều hướng đến những người trẻ tuổi đã và đang ngày đêm bảo vệ tổ quốc.
Tập truyện ký này được Lưu Đình Triều chia thành hai phần: Tổ
quốc không có nơi xa và Những vùng đất: Con người và khoảnh khắc. Hầu hết
các bài viết được tác giả thực hiện đã lâu với tư cách một nhà báo, nhưng những
tác phẩm này vẫn còn giá trị thời sự được tác giả biên tập lại cho phù hợp với
hôm nay. Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng: Lưu Đình Triều và những bài
viết trong tập truyện ký của mình giống như “rung một hồi chuông”.
Để có được những truyện ký này, Lưu Đình Triều đã thâm nhập vào cuộc sống của những người lính hoặc những chiến trường ác liệt.
Anh đã đến Trường Sa
ngay trong mùa biển động đầy gian nan nguy hiểm. “Trước khi lên tàu ra Trường
Sa, đoàn chúng tôi phải cặm cụi ngồi kê khai bậc lương cùng địa chỉ người thân.
Sau này tôi mới biết, bên hải quân họ chuẩn bị sẵn để liệu có bề gì thì làm thủ
tục lãnh tiền... tuất”, Lưu Đình Triền tâm sự về chuyến đi Trường Sa năm 1994
của mình.
Có khi, anh viết nhật ký chiến trường như một nhà báo quân đội. Nơi chiến trường vệ quốc ác liệt, Lưu Đình Triều đã gặp được rất nhiều người lính trẻ tuổi, sẵn sàng xả thân bảo vệ bờ cõi. Những nhân vật trong các truyện ký của Lưu Đình Triều toàn là người trẻ, họ đang bảo vệ biên cương nơi hải đảo trùng khơi hay địa đầu đất nước. Ngay bản thân Lưu Đình Triều khi viết những bài ký này cũng đang ở tuổi còn rất trẻ. Chính sự xông pha của tuổi trẻ đã tạo nên sức lôi cuốn trong các bài ký Tổ quốc
không có nơi xa. Vượt trên khoảng cách về địa lý, nơi nào thường
hứng chịu nhiều bão tố, thì nơi đó luôn nằm trong tim người Việt. Cuốn sách này
của Lưu Đình Triều cho thấy: “không phải những địa danh, như: Trường Sa, Hà
Giang, Côn Đảo, Tân Trào, Điện Biên... mới xa, mà khi có tình yêu với Tổ quốc,
thì các địa danh này hay bất cứ vùng đất Việt nào khác đều gần gũi với mọi
người”.
Hoàng Nhân
(Nguồn: Thể thao & Văn hóa)