Hẳn bạn còn nhớ Sparta đã giành chiến thắng trong cuộc chiến Peloponnesia (năm 431-404 trước Công nguyên). Họ đánh bại Athens, giành quyền thống trị Hy Lạp và có lẽ thống trị cả thế giới. Nhưng chỉ 34 năm sau, Sparta thất bại dễ dàng trước người Thebes trong trận Leuctra. Vậy là mới trải qua hơn một thế hệ, từ chỗ thắng lợi trong một cuộc chiến tương đương với chiến tranh thế giới hồi đó, Sparta đã bị đánh bại và không bao giờ phục hồi lại được. Tại sao Sparta có thể từ đỉnh cao vinh quang – với vị thế như nước Mỹ ngày nay, một quốc gia bá chủ, có sức mạnh lớn nhất thế giới – rơi xuống chỗ bị thất bại thảm hại giống như sự biến mất của đế chế Áo-Hung chỉ trong khoảng một phần ba thế kỷ? Câu trả lời: Họ yêu ngựa hơn yêu nước.
Pythagoras chết trước khi Sparta đánh bại Athens phải ba thế hệ. Tôi nhắc đến ông để chúng ta nhớ rằng hồi đó đã có toán học cơ bản, nhất là hình học (nhưng chưa có môn xác suất), và người Sparta có thể học được rồi. Hệ thống nhà nước của họ cũng rất quan tâm đến giáo dục cho dù sự quả cảm của binh sĩ được coi trọng hơn nhiều so với cái mà ngày nay chúng ta gọi là tinh thần ham học hỏi. Người Sparta hoàn toàn có thể tổ chức một nhóm các nhà toán học hoặc các cố vấn chính trị để tìm hiểu những nguy cơ xuất phát từ những gì họ làm sau khi giành thắng lợi trong chiến tranh năm 404 cho đến bị người Thebes đánh bại nhanh chóng, thảm hại trong trận Leuctra ba mươi năm sau đó. Nếu họ làm được như vậy thì họ sẽ thấy rằng chính thắng lợi của quân đội đã đặt Sparta vào tình thế rủi ro, vì từ sau đó, người có quyền bỏ phiếu là những người khác, dẫn tới chính phủ cũng thay đổi. Chúng ta đã biết rằng về cơ bản, cách thức bỏ phiếu sẽ quyết định tình hình chính trị. Điều đó đã xảy ra ở Sparta.
Để hiểu được diễn biến mọi chuyện, chúng ta cần biết sơ qua cơ cấu nhà nước ở Sparta. Chính phủ của họ rất kỳ lạ và phức tạp. Công dân, được gọi là người Sparta, chỉ chiếm một phần nhỏ dân số. Vào năm 418 trước Công nguyên, số nam công dân Sparta từ chỗ có 9.000 người giảm xuống chỉ còn khoảng 3.600. Con số này quá nhỏ so với tổng dân số Sparta lúc đó là khoảng 225.000 người (tính cả một lực lượng rất đông là nô lệ). Sau khi bị thua trận Leuctra năm 371 trước Công nguyên, trong số công dân Sparta chỉ còn chưa đến 1.000 đàn ông và vẫn tiếp tục giảm nữa. Số người có thể nắm quyền lãnh đạo đất nước giảm mạnh, lý do trực tiếp là thắng lợi trong chiến tranh Peloponnesia. Như chúng ta đã biết từ Chương 3, thay đổi này dẫn tới thay đổi khác. Các nam công dân Sparta bầu ra người lãnh đạo bằng cách hét thật to, và ứng cử viên được ủng hộ nhất là người nhận được tiếng hét to nhất. Những người quyết định một tiếng hét to hay nhỏ phải ngồi sau một tấm màn (hoặc ở một căn phòng gần đó, nơi họ không thể nhìn thấy nhưng có thể nghe được tiếng từ hội nghị công dân) để họ không biết ai ủng hộ ai. Với kiểu bỏ phiếu này, người Sparta chọn ra hai người sẽ cùng làm vua (tôi đã nói chính phủ của họ rất lạ và phức tạp mà). Tương tự họ cũng bầu ra Nguyên lão thượng viện (Gerousia, là một nhóm gồm các thành viên trên 60 tuổi, ai được bầu thì sẽ nắm quyền cho đến khi chết) và Giám sát viện (Ephors) – cơ quan này có nhiệm kỳ một năm.
Hai vị vua phụ trách quân đội và an ninh quốc gia. Nguyên lão thượng viện – gồm các công dân lớn tuổi của Sparta – thực hiện việc lập pháp, còn Giám sát viện chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính, tư pháp và hành pháp. Quyền lực của Giám sát viện còn lớn hơn cả vua, trong khi đó, Nguyên lão thượng viện có quyền phủ quyết quyết định của hội đồng công dân Sparta. Với hệ thống cân bằng và kiểm soát quyền lực này, Giám sát viện mạnh hơn vua, còn Nguyên lão thượng viện lại mạnh hơn Giám sát viện. Như vậy rất khó có ai đó thuộc ba nhóm người này giành được quyền kiểm soát toàn bộ chính phủ.
Nam công dân Sparta có đặc quyền là được phục vụ trong quân ngũ để bảo vệ Sparta trước kẻ thù. Đây là động lực chính trong đời sống của công dân Sparta và là nguyên tắc sống quan trọng hơn hết thảy. Công dân Sparta luôn muốn cống hiến bản thân cho thành bang và được chuẩn bị kỹ càng hơn so với kẻ thù để có thể giành chiến thắng. Các chiến binh Sparta hoặc là chết ngoài chiến trường (và được khiêng về nhà trên tấm khiên của họ), hoặc trở về nhà với tấm khiên trên tay (tức là chiến thắng). Nếu có người Sparta nào quay về nhà mà không có khiên thì sẽ mãi mãi bị coi là kẻ hèn nhát, bất kể thực tế anh ta đã hành động anh hùng thế nào đi nữa.
Ngoài việc phục vụ trong quân ngũ, công dân Sparta còn có nghĩa vụ phải đóng góp tài chính cho bữa tiệc hàng tháng của nhóm chiến binh mà mình tham gia. Mỗi nhóm có mười lăm người – được gọi là syssition. Nếu ai không có khả năng thực hiện khoản đóng góp thì người đó sẽ mất vị thế công dân. Từ “spartan” ngày nay còn có nghĩa là sự đạm bạc, hàm ý những bữa ăn này không có gì hậu hĩnh. Người ta còn tính toán cẩn thận từng bữa để đảm bảo công bằng cho mọi công dân Sparta. Đây cũng là cơ hội mọi người được chia sẻ với đồng đội cũng như giúp người nghèo được hưởng một phần lợi ích từ những người giàu có hơn. Nhưng chiến thắng Peloponnesia đã làm thay đổi cách thức tích lũy của cải, đặc biệt trong nhóm sĩ quan quân đội được giao quyền cai trị đất đai do Sparta xâm chiếm. Khi đế chế Sparta càng mở rộng, việc phân chia quyền lợi giữa những người Sparta được cai quản thuộc địa và những người không có quyền đó ngày càng bất công. Hậu quả là cam kết công bằng cho mọi công dân Sparta ngày càng bị xói mòn. Sự phát triển của đế chế Sparta nhanh chóng dẫn tới hai hậu quả tồi tệ.
Thứ nhất, những của cải mới thu thập được từ chiến tranh dẫn tới bữa tiệc dành cho các chiến binh ngày càng hậu hĩnh hơn. Tương tự như ví dụ tôi đã kể từ trước về vụ sáp nhập thất bại của hai công ty dược, thực đơn bữa tối bắt đầu đóng vai trò quan trọng đối với các sự kiện trong tương lai. Tuy nhiên, lần này, chi phí phát sinh còn lớn hơn nhiều so với chuyện mất đi cơ hội kinh doanh. Chính bữa tối sang trọng hơn đã làm thay đổi lịch sử. Khi chi phí cho những bữa ăn bắt buộc này tăng cao, nhiều người Sparta cảm thấy buộc phải từ bỏ syssition của mình vì không thể chi trả nổi nữa. Có nghĩa là họ cũng mất quyền công dân. Vì vậy, đến kỳ bầu cử, một số người đã trở thành cựu công dân. Họ không đáp ứng được yêu cầu đề ra nên họ không còn quyền bỏ phiếu. Quyền bỏ phiếu thuộc về với họ với điều kiện là phải đóng góp cho những bữa tiệc ngày càng đắt tiền kia, nay chuyển từ nhiều người (vài nghìn người) sang số ít người giàu có nhất (chỉ còn vài trăm).
Thứ hai, chi phí phải bỏ ra để duy trì vị thế công dân đã làm thay đổi sự nghiệp của nhiều người, làm xói mòn lời cam kết sẽ bảo vệ thành bang và đảo lộn hoàn toàn đời sống chính trị Sparta. Ngày càng có nhiều thanh niên chọn gia nhập lực lượng quân đội đóng bên ngoài thành bang thay vì ở nhà. Họ tích cực tìm kiếm cơ hội được bổ nhiệm ở thuộc địa vì đó là con đường dẫn tới giàu sang và quyền lực. Cuộc chạy đua đã gây ra nạn tham nhũng trong hệ thống chính quyền Sparta khi những vị trí màu mỡ này có được nhờ được ban tặng hoặc mối quan hệ quen thân, chứ không phải bằng chiến công và thành tích.
Sparta không còn là một xã hội thượng võ – tôi xin phép được dùng từ này – như người sáng lập ra nó là Lycurgus từng hình dung bốn trăm năm trước nữa. Của cải ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong khi trước kia, lòng can đảm trong chiến trận mới là thứ duy nhất đem lại quyền lực. Khi một số ít chiến binh ngày càng nhiều của cải hơn, họ làm cho chi phí duy trì vị thế công dân cũng tăng cao, qua đó tự biến mình thành những đầu sỏ chính trị. Chi phí cho bữa ăn tối chung cao hơn dẫn tới có thêm nhiều công dân Sparta trở nên ích kỷ, không còn muốn cống hiến cho sự nghiệp chung nữa. Ai không bị lòng tham chi phối hoặc không giỏi làm giàu lắm đều có xu hướng gia nhập đội ngũ những người không thể đóng góp cho bữa ăn chung, do đó cũng không còn quyền công dân. Hậu quả là vị thế công dân Sparta vốn dùng để tôn vinh những giá trị sáng lập ra thành bang này giờ đây ngày càng dành cho ít người hơn. Những người còn được coi là công dân đã trở nên tham lam, ích kỷ. Họ cần phải như vậy nếu muốn tồn tại được trên sân khấu mới ở Sparta. Lòng tham và tính ích kỷ là thứ mang lại thành công cho một công dân Sparta. Bạn có nhớ quan điểm bi quan về con người của lý thuyết trò chơi? Đây chính là tình huống mà quan điểm đó đã đúng, và nó dần dần biến một thành bang từng rất thành công trở thành một xã hội suy tàn.
Chắc bạn đang tự hỏi những chuyện này có liên quan gì đến ngựa và đua ngựa, chưa nói đến thất bại của quân đội Sparta trước người Thebes? Phần trên là những thông tin cơ bản, và bây giờ chúng ta có thể trả lời được câu hỏi đó, và xem lý thuyết trò chơi lẽ ra có thể giúp cho những người Sparta tội nghiệp thấy được họ đang đi về đâu khi nó luôn dự báo lợi ích cá nhân sẽ đánh bại quyền lợi chung.
Xenophon, một tác gia Hy Lạp đã kể lại những gì đã xảy ra với Sparta ở trận Leuctra. Sau đây là những gì chúng ta biết khi quân Sparta tham gia trận chiến với người Thebes. Chúng ta biết rằng đội quân của tướng Epaminodas – thủ lĩnh chiến dịch của người Thebes – ít người hơn rất nhiều so với đội quân Sparta dưới sự chỉ huy của vua Cleombrotos. Có khoảng 11.000 chiến binh Sparta so với 6.000 chiến binh Thebes. Lợi thế về người thuộc về Sparta, hẳn họ phải giành thắng lợi dễ dàng, nhất là khi Sparta nổi tiếng với lực lượng kỵ binh và bộ binh xuất sắc. Họ còn có lịch sử tham gia chiến tranh với số lần chiến thắng lên đến mức kỷ lục. Vậy đội kỵ binh phi thường của Sparta đến Leuctra trong tình trạng thế nào?
Xenophon viết về đội kỵ binh hai bên như sau (về kỵ binh thì quân Thebes có ưu thế về số lượng):
Ngựa của người Thebes được huấn luyện tốt và đang rất sung sức nhờ được rèn luyện trong trận chiến với người Orchomenus và với người Thespiae. Còn kỵ binh của người Lacedaemonia [tức người Sparta] thì đang trong tình trạng rất tồi tệ. Đàn ngựa được nuôi nấng, chăm sóc bởi những người giàu nhất, nhưng mỗi khi có lệnh tham chiến, một kỵ binh sẽ xuất hiện và nhận lấy một con ngựa kèm với bất cứ thứ vũ khí gì họ được giao để tham gia cuộc viễn chinh. Đội quân này cũng gồm những người đàn ông yếu nhất vì họ chỉ được tuyển mộ vội vàng để cưỡi ngựa và hoàn toàn thiếu tham vọng của quân nhân. Một đội kỵ binh như vậy không thể là đối thủ của bất cứ ai1.
Một vài công dân Sparta còn lại – như Xenophon nói, là những người giàu nhất – đã giấu không cho ra trận những con ngựa tốt nhất và kỵ binh xuất sắc nhất của họ. Họ nghĩ nên giữ đội quân này lại để tham gia các cuộc đua ngựa, nơi có những vụ cá cược rất lớn và có thể kiếm được nhiều tiền. Do đó, những công dân Sparta ít ỏi, vừa tham lam, vừa ích kỷ đã quyết định đưa những con ngựa yếu nhất và những kỵ binh ít kinh nghiệm nhất ra trận và giữ lại những gì tốt nhất cho riêng mình. Họ đã hy sinh lợi ích của thành bang để bảo vệ lợi ích cá nhân từ cuộc đua ngựa. Như tôi đã nói ở trên, rõ ràng người Sparta ở đây đã yêu ngựa hơn yêu nước – dấu hiệu của một căn bệnh đang ăn mòn dần sự sống của thành bang lừng danh này.
Khi xem xét sự sụp đổ của Sparta từ góc nhìn này, tôi đã thiết lập một vài số liệu để đưa vào chương trình dự đoán. Mô hình cho thấy Nguyên lão nghị viện và hai vị vua ban đầu cam kết rất chắc chắn là sẽ bảo vệ Sparta, ngay cả khi phải hy sinh bản thân mình. Tôi cũng phỏng đoán Giám sát viện là những người muốn kiếm tiền hơn, vì thực tế cho thấy đúng như vậy. Tuy nhiên, mô hình còn chỉ ra rằng họ sẽ nhanh chóng hy sinh của cải riêng (đàn ngựa chẳng hạn) để bảo vệ thành bang. Nhưng còn những chiến binh đóng ở thuộc địa và những người Sparta giàu có đang ở Sparta thì sao? Họ là trụ cột của quân đội và là những người quan trọng nhất, quyết định liệu nên cống hiến những gì tốt nhất mình có cho Sparta hay giữ lại cho bản thân (nói về ngựa chẳng hạn, thì là nên giao cho kỵ binh hay nên giữ lại để đua ngựa). Theo mô hình, họ hoàn toàn không sợ sức ép từ chính phủ, vua, Giám sát viện hay Nguyên lão nghị viện. Toàn bộ hệ thống cân bằng và kiểm soát của nhà nước, tất cả quá khứ hy sinh vì sự nghiệp chung của người Sparta, mọi nguy cơ đe dọa vào thời điểm đó đều không thể thuyết phục họ dành những gì tốt nhất cho đất nước.
Có vẻ như của cải mới trong xã hội và sự thay đổi giá trị con người do số của cải đó gây ra đã làm thay đổi hành vi của họ. Tương tự như khi chúng ta phân tích trường hợp vua Leopold ở Congo và ở Bỉ, xã hội Sparta thay đổi dẫn tới hành vi người Sparta thay đổi, và tương lai thành bang này cũng thay đổi theo. Nếu người Sparta nào đó sáng suốt nhìn vào những dữ liệu này từ sớm thì có thể họ đã biết được nguy cơ sụp đổ mà “trò chơi” mới họ đang tham gia sẽ gây ra. Và có lẽ khi đó, họ sẽ cân nhắc nhiều hơn đến tương lai dài hạn.
Thế là Sparta nhanh chóng rơi từ tượng đài quyền lực xuống đáy sâu của thất bại. Theo mô hình, không cách nào có thể cứu được Sparta. Chính thắng lợi trước Athens đã gieo mầm cho sự sụp đổ của thành bang này.
Có phải ở đây sẽ có một bài học lớn được rút ra về một trò chơi mạo hiểm thường hình thành khi mở rộng đế chế không? Liệu nỗ lực của Mỹ nhằm xóa bỏ các nhà nước “bất hảo” có quay lại phá hoại chính nước Mỹ khi nó tạo ra lòng tham, tính ích kỷ ở giới cầm quyền cao cấp như ở Sparta không? Hay những nỗ lực này sẽ giúp cho những linh hồn không may mắn bớt bị ngược đãi bởi chính phủ tham lam nước họ? Đây là những câu hỏi rất đáng để suy nghĩ. Lịch sử rõ ràng có rất nhiều thứ để chúng ta học hỏi.
Thất bại của Sparta đã tạo ra cuộc cách mạng trong tư duy của thế giới Hy Lạp và giúp Athens có cơ hội hồi sinh. Người Athens, với một chính phủ dân chủ hơn – xét theo bối cảnh thời đó – và do đó có trách nhiệm cao hơn, đã có những điều chỉnh phù hợp từ thất bại trước đó. Họ tạo ra những thay đổi cho phép họ chờ đợi cơ hội để tái thiết lập sức mạnh và giành lại được quyền cai trị thế giới Hy Lạp khi Sparta suy sụp. Chế độ quyền lực nằm trong tay một số ít người ở Sparta khiến cho thành bang này chỉ có thể dựa vào vài người sau khi gánh chịu một thất bại chưa từng có trong lịch sử. Có thể tất cả chúng ta đều may mắn vì người Sparta quá yêu đàn ngựa của họ. Nếu không, thử nghiệm đầu tiên của người Hy Lạp với nền dân chủ sẽ thất bại thảm hại, và mô hình chính phủ tuyệt vời nhất này sẽ nhanh chóng tàn lụi, vài thiên niên kỷ sau sẽ không có ai nghĩ đến chuyện phục hồi lại nó nữa.
Tình yêu với đàn ngựa của người Sparta nhắc tôi nhớ rằng đã đến lúc trở lại với hành trình của mình trong cuốn sách này. Bạn sẽ biết nơi nào một người bạn đích thực là một người bạn. Tôi đang nghĩ về tình bạn mà Luis de Santangel – bạn sẽ sớm biết ông – có được với Ferdinand và Isabella xứ Tây Ban Nha cũng như những gì tình bạn đó mang lại cho Christopher Columbus, và thậm chí cho những bạn đọc đang sống ở Tây bán cầu, nơi vẫn được gọi là Thế giới mới. Santangel là vị anh hùng thầm lặng trong trò chơi tiếp theo mà chúng ta sẽ tìm hiểu. Ông khiến tôi nhớ tới những vị giám đốc ngân hàng người Pháp mà chúng ta đã gặp ở chương Lý thuyết trò chơi nâng cao. Cũng như Santangel, họ hiểu rõ rằng đòi hỏi nhiều quá thì sẽ chẳng thu được gì. Nếu các giám đốc ngân hàng người Pháp đã thành công trong vụ sáp nhập nhờ đồng ý để ban giám đốc người Đức tiếp tục sống ở Heidelberg thì Luis de Santangel cũng biết cách kết hợp lợi ích của hoàng gia Tây Ban Nha với quyền lợi của Columbus để cả hai bên cũng có lợi.