Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Tư duy đột phá - Kỳ 7 : Tập quán tư duy 1 : "Không đuổi theo những điều sẵn có"
Cập nhật ngày: 03/08/2009

Bí mật của “vừa đúng lúc”

Sẽ rất thú vị nếu chúng ta liên tưởng đến hình ảnh các võ sĩ địa phương đánh bại đoàn kỵ binh hùng mạnh nhất của Takeda với hình ảnh Toyota đánh bại ngành công nghiệp sản xuất ô tô khổng lồ như GM. Điều bí mật của “sức mạnh vượt trội” này nằm trong “tập quán tư duy”, và đó cũng chính là lát cắt độc đáo của cuốn sách này.

Vào lúc Kiichiro xây dựng ngành công nghiệp chế tạo xe hơi trong những năm 1930 thì khả năng sản xuất xe hơi của Mỹ đã rất lớn, mạnh hơn Nhật Bản gấp 9 lần. Nếu là một người bình thường chắc chắn sẽ cho là “Thật là vô lý khi nói Nhật Bản có thể gầy dựng ngành công nghiệp xe hơi!”. Thực tế, người Nhật Bản lúc bấy giờ cũng không tin rằng mình có thể xây dựng ngành công nghiệp chế tạo xe hơi. Hơn nữa với cách “chế tạo từ hai bàn tay trắng” của Toyoda Kiichiro thì việc xây dựng ngành công nghiệp chế tạo xe hơi lớn mạnh gần như là không thể. Để có thể so gươm với ngành công nghiệp chế tạo xe hơi của các nước phát triển phương Tây, cần phải xây dựng nên “một cơ chế” độc đáo kiểu Nhật Bản, tăng năng suất sản xuất và cắt giảm chi phí. Chính vì vậy “tập quán tư duy” trở nên quan trọng và thông thường người ta thường nghĩ, “Trước hết phải áp dụng cách làm của các xí nghiệp tiên tiến như hãng Ford”. Tuy nhiên, Kiichiro lại không nghĩ như vậy.

Hãng Ford thời bấy giờ ưu tiên cho “phương thức sản xuất hàng loạt”, áp dụng băng chuyền, sản xuất với một số lượng lớn và “điều tốt nhất” là trong mỗi công đoạn đều có kho chứa hàng để chứa lượng hàng tồn kho lớn. Kiichiro đã miệt mài suy nghĩ xem làm cách nào có thể đương đầu với ngành công nghiệp chế tạo xe hơi của các nước phát triển phương Tây. Kết quả là, một “cơ chế” hoàn toàn ngược lại với cách làm của các nước phương Tây ra đời, đó chính là “just-in-time” (JIT - vừa đúng lúc), đây là khái niệm “chỉ sản xuất một lượng hàng cần thiết, những thứ cần thiết vào một thời gian cần thiết”. Đây chính là điều tôi muốn các độc giả hãy hết sức chú ý. Đó chính là tập quán tư duy, “nếu cho là không thể làm được thì hãy bắt tay vào làm thử”, “nếu muốn vượt qua các công ty tiên tiến thì phải nghĩ ra những điều mới, những khái niệm mới chứ không bắt chước”.

Khi xây dựng nhà máy mới ở Koromo18 , từ “vừa đúng lúc” đã được sử dụng và được đưa vào cuốn sách hướng dẫn do chính tay Kiichiro viết đã được phân phát cho mọi người. Tập quán tư duy “vừa đúng lúc” đã được chính Kiichiro truyền cho toàn bộ nhà máy.

Trong “vừa đúng lúc”, Kiichiro có viết “Hãy nghiên cứu, điều tra nhu cầu của khách hàng và phản ánh điều đó qua sản phẩm”. Đây cũng là điều mà trong giai đoạn hiện nay chúng ta gọi là “cuộc vận động làm thỏa mãn khách hàng”, cải tiến không ngừng để có thể nắm bắt nhu cầu thực sự của khách hàng và phản ánh điều đó qua sản phẩm. Tập quán tư duy chế tạo xe hơi, không đi từ quan điểm của nhà sản xuất mà đi từ quan điểm của người sử dụng, sau đó vẫn tiếp tục được kế thừa.

Văn hóa và cách sử dụng xe hơi của người Nhật và người Mỹ khác nhau. Khí hậu và phong thổ nước Nga và Nam Phi cũng khác. Xe hơi của Toyota có muôn hình vạn trạng phù hợp với nhu cầu của khách hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Kiichiro cũng nêu thêm một điểm nữa là “Không chỉ cải tiến sản phẩm sau khi đã thành phẩm mà còn kiểm tra hệ thống sản xuất”. Ở các xí nghiệp tiên tiến thời bấy giờ, trong giai đoạn thành phẩm cuối cùng, qua khâu kiểm hàng xuất đi mới loại bỏ hàng kém chất lượng. Kiichiro đã nhận ra rằng “phải vứt bỏ đi khi đã tốn bao nhiêu thời gian và công sức thì thật lãng phí”. Tập quán tư duy đó sau này phát triển thành “cách loại bỏ lãng phí của Toyota”. Xuất phát điểm của “cơ chế” “lặp đi lặp lại khâu kiểm tra trong quá trình sản xuất, nếu xuất hiện sản phẩm kém chất lượng thì phải ngưng truyền ngay lập tức” chính là từ tập quán tư duy của Kiichiro. Nói đúng hơn là, ở các xí nghiệp tiên tiến bấy giờ chưa có tập quán tư duy “sản phẩm được hoàn chỉnh trong quá trình sản xuất”. Chính vì vậy đây cũng là tập quán tư duy vượt trội hơn tập quán tư duy của xí nghiệp ở các nước phát triển.

Có nhiều nguyên nhân liên quan đến chất lượng của sản phẩm không chỉ đơn thuần là do thiết kế kỹ thuật hay công nghệ chế tạo chưa hoàn chỉnh mà đôi khi còn nằm ở chỗ người sử dụng do cách sử dụng sai hoặc là đôi khi do vật liệu có vấn đề. Nếu chỉ kiểm tra ở khâu cuối cùng thì sẽ không tìm thấy những nguyên nhân này. Phương pháp rất nổi tiếng của Ono Taiichi là 5 lần đặt ra câu hỏi “tại sao” thực ra cũng bắt nguồn từ tập quán tư duy của Kiichiro. Lỗ hổng của “chủ nghĩa thành quả” mà đại diện cho nó là “kiểu kinh doanh dựa trên kết quả” chính là ở chỗ đã quên đi yếu tố rất quan trọng của việc “hoàn tất kinh doanh ngay trong tiến trình” này.

Theo Kiichiro, để có thể tạo ra những sản phẩm làm hài lòng khách hàng, phải tìm hiểu nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng, phải liên tục cải tiến trong mọi tiến trình phát triển, thiết kế, chế tạo, kiểm tra, lưu thông hàng hóa, bảo trì, sửa chữa v.v. Tập quán tư duy này chính là xuất phát điểm của hoạt động cải tiến của Toyota ngày nay.

Các Tin Tức Khác