Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Trích đọc: Ăn phở rất khó thấy ngon: Đi ăn cưới
Cập nhật ngày: 18/02/2008

 
Tháng này mình phải ăn mấy đám cưới? Bây giờ nhà nào cũng phải hỏi nhau như thế vào mùa cưới. Dù đã bao nhiêu hội nghị và kêu gọi bà con thực hiện “chủ trương tổ chức cưới hỏi an toàn, lành mạnh và tiết kiệm”, nhưng tuần qua tôi vẫn phải ăn bốn đám cưới ở nhà hàng cũng như ở tại gia, ở thành phố và cả ở quê nữa. Thế này nhé, phải tổ chức một cách truyền thống thôi, mời ông nội bà ngoại từ quê ra, không đãi đằng được bữa cỗ linh đình, các cụ lại thích đông con đông cháu, thích cái sự ồn ào của đêm dựng rạp cho đến bữa cỗ đủ sáu đĩa sáu bát, ăn thì chả mấy mà được thăm hỏi thì nhiều, nếu không có thì các cụ không thèm nhìn mặt.

Còn nhiều lý do để mà tuần tới, tháng tới, năm tới bạn vẫn phải đi ăn cưới. Vâng, ăn cưới chứ không phải là dự đám cưới. Do đó, tôi không dám bàn là có nên duy trì tập quán này không, dù biết khá là tốn kém cho cả hai nhà trai gái lẫn khách khứa. Mỗi đám vài ba trăm nghìn nhét vào phong bì, gọi là trao tay mừng hạnh phúc “cho đôi bạn trẻ đón xuân về”, một tuần qua tôi tốn nửa tháng lương nhưng tôi không kêu ca, vì biết đến phiên mình, mình cũng tuy không ra mặt vui mừng nhưng vẫn mong chờ những chút nghĩa cử có tính thông dụng ấy.
 
Giờ, tôi nói đến chuyện chính khi đi đám cưới - chuyện ăn cỗ cưới.
Thường thì ngày cưới đã được xem giờ đẹp trước, đón dâu giờ đã định. Nhưng còn giờ ăn uống của quan viên hai họ bạn bè gần xa, nhất là ở thành phố thì phải theo giờ nhà nước, nghĩa là tầm 11 giờ trưa và 6 giờ chiều, giờ mà các viên chức và đồng nghiệp cơ quan có thể đến được, tất nhiên là trùng giờ ăn cơm của người ta nữa. Vì chưa no bụng thì mới chén được chứ! Nhà thành phố thì chật, mà có rộng cũng không tiện để bày cỗ bàn, nên hầu hết thuê nhà hàng, vừa có vẻ long trọng, vừa đỡ khoản dọn dẹp. Tuy thế, cái đà tăng dân số, hay là ngày đẹp thì ít, người muốn “lấy chồng đeo gông vào cổ” thì nhiều, cho nên vào một ngày tốt trời hoàng đạo, em họ tôi là cô dâu thứ 50 ở hiệu áo cưới đối diện chợ Hôm ngồi đợi đến lượt trang điểm, xếp hàng từ 5 giờ sáng. Đến 10 giờ sáng đón dâu, 11 giờ bắt đầu thực khách đổ bộ đến nhà hàng Tre Việt, có biển đề “trai trên, gái dưới”, nghĩa là nhà trai thuê tầng trên, nhà gái ở tầng trệt. Cùng chỗ đó có tất cả 4 đám thì phải, các biển chỉ dẫn cứ loạn cả lên, khó khăn lắm mới nhận ra quân ta đứng lố nhố đợi người đến muộn để sắp mâm xếp chỗ. Nhà hàng chuyên cho đám cưới luôn đắt khách, nên tranh nhau đặt chỗ trước cả tháng, cứ nghĩ đến Hà Nội có mấy chục hiệu áo cưới, hiệu nào cũng xếp hàng như chỗ cô em tôi là cũng biết sự vất vả của hai nhà trai gái để tìm cho ra nơi tổ chức được mát mặt với hàng phố. Vì lẽ ăn cưới còn kèm theo một số tiết mục nữa: đợi đủ người, đợi người quen, buôn chuyện làm ăn các ông, chuyện chồng con các bà, chuyện bao giờ cưới con đấy của các chàng, chuyện cô dâu hôm nay thuê váy hết bao nhiêu của các nàng chưa chồng,… nên trước khi vào chỗ ngồi, tôi lại phải đi quanh một lượt.

 

Đấy, bạn thấy có đáng ghét không. Bạn thấy tôi lòng vòng mãi mà chưa vào mâm, thì cũng như thực tế bạn đi đám cưới từ 6 giờ chiều, nhưng giờ cao su cho đến 7 giờ mới bắt đầu yên vị. Nên bạn hãy chịu khó tí nhé, như khi bạn phải xúng xính một bộ cánh sực nức mùi nước hoa và băng phiến, nửa đứng nửa ngồi trước cửa nhà hàng để mà đợi một thằng cha nào còn đang trên đường đến hay một bà chị chạy đi mua phong bì để cho tiền mừng vào. Tự nhiên người đi đường thấy một đám người đứng lố nhố, mặt mũi tái xám trong gió lạnh chờ trước cửa, tưởng có vụ “khiếu kiện tập thể” nào. Dịp này cũng để người nào quan hệ rộng khoẻ chân chạy đi “buôn bán” giữa các bàn. Ố ồ, hôm nay diện ghê nhỉ, mới mua áo da đẹp thế! Tao mới làm đầu hết 1 vé đó! Trông kìa, dù đã đi cả một ngày đường, tóc chị ấy vẫn thẳng mượt như vừa mới được duỗi trong tiệm ra… Đó, bạn nghe mà tưởng như họ đang đọc script quảng cáo trên TV vậy. Nhưng cũng là nơi gửi gắm: chú xem thế nào, đợt tuyển người mới, nhét đứa nhà anh vào nhớ. Anh ơi, cái vụ hôm nọ phải nhanh lên, không bên kia nó tăng giá mới, sập tiệm mất. Ở quê, thì dựng rạp xong, các thợ nấu thoăn thoắt băm chặt, pha phách món này món kia, đám bạn chú rể tới giúp thì ít mà lăng xăng thì nhiều, thể nào cũng có chiếu tá lả ầm ĩ, các cụ già ngồi nhai trầu bàn cãi chuyện cơ chế suốt đêm.

 

Rồi cũng đến lúc vào bàn. Đủ mặt anh hào, cụng ly cốp cốp. Khách dợm ghé người ngồi vào ghế, cởi áo khoác, vén tay áo, ngắm mâm một lượt. Nào, bốn bát đủ chưa: bóng, mọc, măng, miến, cũ lắm rồi, ở quê giờ cũng chẳng làm thế nữa. Giờ thì có canh bóng mọc hoa lơ nấm hương mộc nhĩ trứng cút tôm khô đậu ván cà rốt tỉa hoa xòe giữa bát đại tướng. Vì có đồ uống có ga như bia Hà Nội, Cô Ca, Bảy Úp nên bớt đi các bát canh. Sáu đĩa: xưa là giò lụa, giò thủ, thịt gà luộc hay thịt lợn quay, đĩa bò xào cần tây, nay thì đâu cũng có cá sốt ngũ liễu, nem bơ Kim Liên, tôm viên tuyết hoa, bò sốt tiêu đen, vv… Ăn đi ăn lại, ăn tái ăn hồi, đến mức cầm cái thực đơn lên liếc qua cũng thấy quen, và chán đến tận cổ.

 

Nhất là món súp (hay xúp). Tại sao rõ rành rành là hôm qua mới ăn súp cua, mà hôm nay súp gà nhưng cái mồm mình đánh tín hiệu lên não vẫn y nguyên cảm giác? Thôi, nhón đũa gắp miếng chả, chấm chấm vào bát mắm, đưa lên miệng cho nó mặn mặn. Xong chiêu bằng hớp bia. Thế là các món đánh nhau tá lả, ăn xong tất cả thừ mặt ra như vừa qua kỳ thi, lục tục ra về. Cô dâu chú rể cười ngơ ngẩn chào khách. Đã hết đâu, còn chụp ảnh kỷ niệm nữa. Tôi thề là đám cưới Hà Nội nào trong album sau đó cũng có ảnh một đám áo vét áo da, có một hai chị chàng mặc váy ngắn, khoác áo da, đi bốt đen, tóc vàng duỗi vẻ sành điệu, tay giữ ví (bóp) ríu rít ôm nhau đứng duyên dáng bên đôi uyên ương. Các cô đi ăn cưới mới oai vệ làm sao. Các cô làm đám các bà dắt con đi kèm phải khó chịu, các ông phải chép miệng, các chàng phải làm hề chọc vui. Đám cưới có các cô hiện hữu như nhắc đến không gian thời trang, sau vài chục năm bồi hồi xem lại ảnh, ôi ngày xưa, lặng yên ngồi nghe tôi kể chuyện ngày xưa…

 

Đám cưới là nơi điểm danh xem ai còn đủ gan độc thân. Thế nên ai mà độc thân chưa rõ lý do rất lười đi ăn cưới, mà có thể đi vào tối hôm trước tại nhà, hay gửi quà đến. Đến ăn cưới là phải ngồi vào bàn ăn với tất cả sự diễn xuất, từ cách gật đầu chào, cho đến cách bày tỏ sự chia vui với dâu rể. Còn thì đương nhiên là nếu có gì thì phải tốt đẹp phô ra (không đẹp thì phải đậy lại), oai nhất là cha nào diễu xe hơi đến, vợ chồng con cái lốc nhốc kéo nhau hùng dũng vào đại sảnh trước sự trầm trồ của đám thực khách còn lại. Cô dâu xốc váy tất tả chạy đến, anh chị đến làm em mừng quá, ôi, cháu ra đây với cô nào… Rồi VIP này phải chụp vài “bô” ảnh với cả nhà.

 

Đang cuộc vui, nhiều người tự thấy mình có khả năng sân khấu tốt, tranh nhau cướp diễn đàn, hoặc nói những lời có cánh chúc tụng hai họ, hoặc hát vài bài đủ mùi ca ngâm. Đôi khi là một màn hình bật băng video với những bài karaoke sướt mướt não nề anh xin làm người đưa sáo qua sông, với hình ảnh áo tắm lượn ra lượn vào nổ đom đóm mắt. Sang nhất thì có thể cưới ở khách sạn năm sao, có đạo diễn, đèn nến phối hợp lung linh, sâm banh nổ rền trời, máy flash chớp liên hồi như chụp sao Hollywood, các ca sĩ chuyên nghiệp giúp vui. Nhưng vui nhất vẫn là những bài thơ tôi vừa mới viết để tặng cô dâu chú rể, với những câu “một nhà phúc lộc hai sân quế hòe”… càng ngâm, càng được đám đông vỗ tay nhiều.

 

Đám cưới chẳng hiểu cưới con hay cưới bố cưới mẹ. Đám cưới anh họ của tôi, cả anh cả ả tổ chức bên Nga, quan viên hai họ tự tổ chức ở quê báo cáo với làng xóm, toàn là các cụ ngồi la liệt với nhau. Các cụ thì ăn chả mấy, nhưng mà khắt khe nhất hạng. Nhà này cưới ăn nhạt lắm, nấu nguội ngậm, gớm, cái món thịt gà cứ dai ngoách cả ra… Các cụ nhà tôi lần ăn cưới nào về cũng hì hục nấu mì tôm. Tại sao bố mẹ không ăn cho thoải mái mà khổ thế? Chẳng thấy ngon gì cả, mang tiếng khách sạn bốn sao mà làm cỗ cưới vớ vẩn, mà ngồi khách khí lễ nghi, ghét lắm. Thế đi làm gì, mình làm mệt thân ra. Nhưng mà cưới anh chị mày đám nào nhà nó cũng đến giúp nhiệt tình…

 

Nói đi nói lại, người ta đến đám cưới nhiều khi thực tâm không phải vì chuyện ăn uống mà vì nhu cầu giao tiếp xã hội. Chuyện ăn sơn hào hải vị cũng không còn quá khó khăn như thời đói kém xưa kia, nhưng gặp bà con họ hàng, người đằng trên đằng dưới lại là mong muốn của người đi ăn cưới, nó thâu tóm các quan hệ xã hội. Ở đấy, như một loại “hành lang nghị sự” hay “diễn xướng dân gian”, điệu đà hay bỗ bã, kiểu cách hay vồ vập, đều có nhu cầu mượn đám cưới để trình bày. Cho nên muốn bỏ đám cưới tưng bừng ăn uống đi, chỉ làm tiệc ngọt hay là báo hỉ “tiền trảm hậu tấu”, thì phải máu lạnh gạt hết những quan hệ rườm rà, can đảm bỏ đi lối nghĩ, “đã làm chuyện lớn ắt phải hoành tráng”. Nghĩa là bất khả.

 (Trích trong quyển Ăn phở rất khó thấy ngon
- Tác giả: Nguyễn Trương Quý) 
Các Tin Tức Khác