Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Những cuốn sách nối những nhịp cầu
Cập nhật ngày: 14/10/2008

 
"Bởi vì... tủi thân về bộ môn vật lý trong bối cảnh hiện tại, nên chúng tôi bắt tay vào thành lập tủ sách này" - đó là lời nói vui của TS Vũ Công Lập khi nói về Tủ sách Khoa học khám phá (NXB Trẻ). Nhưng lời nói đùa ấy lại chứa đựng nỗi ưu tư có thật, không chỉ về bộ môn vật lý mà ở nhiều lĩnh vực khoa học hiện đại ngày nay.

Tủ sách khởi động hơn một năm trước, bắt đầu từ "bộ ba" nhà khoa học: Phạm Văn Thiều, Nguyễn Văn Liễn và Vũ Công Lập. Ðiều thú vị là ba nhà khoa học này đều là tác giả, dịch giả nhiều công trình khoa học, tác phẩm nổi tiếng. Cả ba cùng sinh năm 1946, cùng tốt nghiệp khoa vật lý, chuyên ngành vật lý lý thuyết (ÐH Tổng hợp Hà Nội).

Say mê vật lý là điều hẳn nhiên, thế nhưng khi bắt tay vào làm đề cương tủ sách thì các nhà vật lý này không "ích kỷ" chỉ dừng ở chuyên môn của mình, mà mở rộng sang y và sinh. Họ cũng không ôm đồm tất cả mọi công việc, mặc dù đặc biệt hứng thú, mà kêu gọi sự cộng tác ở các nhà khoa học - dịch giả trẻ tuổi. Ðặc biệt là những người trẻ này hầu hết hiện đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài, như Ðặng Ðình Long, Phạm Ngọc Diệp (Canada), Ngô Minh Toàn, Mai Hiên (Mỹ)...

Thế là sau hơn một năm làm việc miệt mài, mới đây nhóm các nhà khoa học - dịch giả ra mắt bạn đọc ba tác phẩm giá trị: Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử (Simon Singh), Bảy nàng con gái của Eva (Bryan Sykes), Thế giới lượng tử kỳ bí (Silvia Arroyo Camejo).

Có thể nói đây là một trong những trường hợp hiếm hoi khi các nhà khoa học đồng thời là dịch giả, đồng thời có sự phối hợp giữa sự hăng say của tuổi trẻ và kinh nghiệm của người đi trước, có người trong nước và người ở nước ngoài. TS Vũ Công Lập cho biết thế hệ các ông cũng từng trải qua thời kỳ tuổi trẻ đầy khó khăn.

Những nhà khoa học trẻ ở nước ngoài hôm nay có thể không khó khăn về vật chất, nhưng về tinh thần luôn cảm thấy có một cái gì đó thật trống trải. Họ luôn muốn làm việc để đóng góp cho quê hương. Tuy nhiên, việc tu nghiệp và trở về là cả một vấn đề, không chỉ ở chính sách đãi ngộ mà còn ở môi trường chuyên môn. Cho nên, có nhiều nhà khoa học trẻ VN rất nổi tiếng ở nước ngoài nhưng lại không có điều kiện phục vụ quê nhà. Từ những suy nghĩ, trăn trở đó các nhà khoa học trong nước đã nối một nhịp cầu với các nhà khoa học trẻ ở nước ngoài. Và công việc đầu tiên, khả dĩ mà họ có thể làm được là nối những nhịp cầu tri thức bằng những cuốn sách khoa học hiện đại, mang tính thời sự toàn cầu nhất hiện nay.

Hai dịch giả trẻ Ngô Minh Toàn và Mai Hiên - Ảnh: T.N.T
 
Chúng tôi đã có dịp gặp hai dịch giả, cũng là đôi vợ chồng trẻ Ngô Minh Toàn và Mai Hiên ngay tại TP.HCM khi bộ sách này vừa ra đời. Ngô Minh Toàn và Mai Hiên là dịch giả của tập sách Bảy nàng con gái của Eva - một cuốn sách đặc biệt lý thú về lĩnh vực di truyền - ADN. Ngô Minh Toàn hiện tu nghiệp sau tiến sĩ tại ÐH Maryland (Mỹ), còn Mai Hiên làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận tại Washington D.C (Mỹ). Cả hai đến với công việc dịch thuật lần đầu tiên. Có thể nói nếu không có quyết tâm làm một điều gì đó dù nhỏ bé để đóng góp cho quê hương thì họ đã bỏ cuộc nửa chừng. Suốt một năm trời, ban ngày đi làm, học tập; buổi tối tranh thủ dịch; cuối cùng cuốn sách đã hoàn thành. Họ nói có thể cũng chưa về VN nếu như không có cuốn sách này làm cầu nối với quê nhà.

Còn TS Vũ Công Lập nói thêm một điều tâm huyết: "Chúng tôi có kế hoạch đến năm 2010 sẽ hình thành nhóm nhà khoa học, dịch giả gồm khoảng 40 người. Hiện tôi đang dành dụm tiền để khi về hưu sẽ làm một chuyến đi xa, gặp gỡ, viết về chân dung các nhà khoa học trẻ VN trên thế giới". Như thế, nỗ lực nối những nhịp cầu bắt đầu từ những cuốn sách, nhưng sẽ không chỉ dừng ở những cuốn sách (!).

TRẦN NHÃ THỤY
(Nguồn: Tuổi Trẻ, 14/10/2008)
Các Tin Tức Khác