Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

NÓNG, PHẲNG, CHẬT - Kỷ nguyên năng lượng, khí hậu - Thời tiết nóng, phẳng, chật - Phần 2
Cập nhật ngày: 12/06/2009

Đó là ý tôi khi nói đến chật chội. Thế còn bằng phẳng thì sao? Khi tôi viết rằng thế giới phẳng thì dĩ nhiên tôi không định nói rằng trái đất này đang phẳng dần về mặt hình dáng hay chúng ta đang bình đẳng hơn về mặt kinh tế. Cuốn sách đó nói về những thay đổi về công nghệ, thị trường và địa chính trị đồng thời diễn ra cuối thế kỷ 20 đã san bằng sân chơi kinh tế toàn cầu, nhờ đó cho phép nhiều người ở nhiều nơi hơn bao giờ hết có thể tham gia vào nền kinh tế thế giới – và nếu gặp tình thế thuận lợi nhất, họ có thể gia nhập giai cấp trung lưu.

Quá trình phẳng hóa thế giới này là kết quả của nhiều yếu tố. Thứ nhất là sự ra đời và phát triển mạnh của máy vi tính, cho phép các cá nhân – mọi cá nhân – đều có thể có sản phẩm của riêng mình dưới hình thức số hóa. Lần đầu tiên trong lịch sử, cá nhân có thể tự mình làm ra các văn bản, dữ liệu, bảng tính, ảnh, bản thiết kế, video, tranh vẽ, và âm nhạc trên máy tính riêng dưới dạng các bit và byte. Một khi sản phẩm của mỗi người được số hóa, nó có thể tồn tại dưới rất nhiều hình thức và được phổ biến đến rất nhiều nơi.

Một yếu tố khác nữa là sự xuất hiện của Internet, các trang web và các trình duyệt web – một loạt các công cụ cho phép mọi cá nhân gửi sản phẩm số hóa của họ đến gần như mọi nơi trên trái đất này, miễn phí và dễ dàng hiển thị hoặc truy cập thông qua các trang web.

Yếu tố thứ ba là cuộc cách mạng lặng lẽ trong lĩnh vực phần mềm và giao thức truyền dẫn. Tôi gọi đó là “cuộc cách mạng quy trình công việc” vì nó đã khiến cho máy tính và phần mềm của tất cả mọi người kết nối và làm việc được với nhau, nhờ đó cho phép mọi công việc diễn ra ngày càng nhanh hơn thông qua mạng nội bộ công ty, internet và các trang web. Bỗng nhiên, có quá nhiều người có thể cùng làm việc về rất nhiều vấn đề khác nhau. Nhờ đó Boeing có thể thuê kỹ sư thiết kế máy bay ở Moscow và để họ làm việc với các xưởng chế tạo máy bay ở Wichita, còn Dell có thể thiết kế máy tính ở Austin và Đài Loan, sau đó sản xuất chúng ở Trung Quốc với sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên ở Ấn Độ.

Còn có một yếu tố địa chính trị rất lớn, đó là sự đổ vỡ của khối Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và bức tường Berlin. Trước sự đổ vỡ đó, kinh tế thị trường gần như trở thành chuẩn mực cho hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, và ngay cả những nước như Cuba hay Bắc Triều Tiên cũng bắt đầu áp dụng chút ít kinh tế thị trường.

Kết hợp tất cả những yếu tố làm nên thế giới phẳng này với nhau, cái bạn thu được là một thị trường toàn cầu mang tính liên tục, thông suốt hơn rất nhiều. Trên quảng trường toàn cầu1 này, hàng triệu người tiêu dùng và hàng triệu nhà sản xuất có thể mua bán hàng hóa, dịch vụ – với tư cách cá nhân hoặc công ty – và có thể hợp tác với nhiều người hơn, ở nhiều nơi hơn, về nhiều vấn đề hơn một cách dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn bao giờ hết. Đó là điều tôi muốn nói khi dùng khái niệm thế giới phẳng.

Tin mừng là quá trình phẳng hóa thế giới, chỉ tính riêng ở Trung Quốc và Ấn Độ (theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế), đã đưa 200 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói khổ sở hồi thập kỷ 1980 và 1990, và đưa 10 triệu người khác lên nấc cao hơn trong chiếc thang kinh tế, trở thành tầng lớp trung lưu. Nhưng khi họ thoát được nghèo đói (thường đó là những người sống ở nông thôn và làm nông nghiệp), thì xuất hiện hàng trăm triệu người bắt đầu có thu nhập, nhờ đó có thể tiêu dùng nhiều hơn và sản xuất nhiều hơn. Và tất cả những người tiêu dùng này tiến vào sân chơi kinh tế toàn cầu với chủ nghĩa tiêu dùng của riêng họ – được sở hữu xe hơi, nhà cửa, điều hòa không khí, điện thoại di động, lò vi sóng, máy nướng bánh mì, máy tính và máy nghe nhạc iPod – do đó dẫn tới lượng cầu hàng tiêu dùng trở nên khổng lồ. Tất cả những sản phẩm này, từ giai đoạn sản xuất đến khi bị vứt bỏ, đã tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nước cũng như phát thải ra một lượng rất lớn khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu.

Dĩ nhiên, điều đó cũng châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh chưa từng thấy để giành được năng lượng, khoáng sản, nước và lâm sản khi những quốc gia mới nổi (và đang tăng trưởng) như Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc mưu cầu sự tiện nghi, thịnh vượng và an toàn về mặt kinh tế cho ngày càng nhiều người dân. Và chúng ta mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Chỉ trong vòng 12 năm nữa, dân số thế giới sẽ tăng thêm khoảng một tỷ người, rất nhiều người trong số họ sẽ là nhà sản xuất và người tiêu dùng mới. Khi đó, quy luật số lớn sẽ bắt đầu có hiệu lực: Tất cả cộng lại với nhau thành một tập hợp vĩ đại, David Douglas, phó chủ tịch phụ trách phát triển bền vững của công ty Sun Microsystems đã lưu ý như vậy. Ông đặt câu hỏi, ví dụ khi có thêm một tỷ người nữa, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đưa cho mỗi người một bóng đèn công suất 60 watt?

“Từng bóng đèn thì nặng không đáng kể, chỉ khoảng 20 gam kể cả vỏ hộp. Nhưng một tỷ chiếc cộng lại sẽ nặng khoảng 20.000 tấn, tương đương 15.000 chiếc xe Prius. Bây giờ hãy cùng bật sáng một tỷ bóng đèn đó. Nếu tất cả cùng sáng một lúc thì sẽ hết 60.000 megawatt. Rất may là [những người đó] chỉ bật đèn bốn giờ một ngày, cho nên ở mỗi thời điểm chúng ta bớt được 10.000 megawatt. Ồ! Có vẻ vẫn cần tới xấp xỉ 20 nhà máy nhiệt điện công suất 500 megawatt!”, chỉ để một tỷ người này có thể bật đèn.

Thế còn nóng bức nghĩa là gì? Nhận thức chung ngày nay là
            hành tinh chúng ta đang có xu hướng nóng lên – ở mức độ cao hơn tự nhiên thông thường – chủ yếu là do con người hoạt động sản xuất quy mô lớn. Quá trình này bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 với cuộc Cách mạng công nghiệp khi sức người, sức ngựa và sức nước dần được thay thế hoặc hỗ trợ bằng máy móc. Cuộc cách mạng này, theo thời gian, đã đưa Anh, châu Âu và cuối cùng là Bắc Mỹ từ những nước chủ yếu làm nông nghiệp và thương mại chuyển thành các quốc gia công nghiệp, phụ thuộc vào máy móc động cơ hơn là công cụ lao động cũ và các loài động vật.

Cuộc Cách mạng công nghiệp, về cơ bản, là cuộc cách mạng trong cách sử dụng năng lượng. Nó thường được đánh dấu khởi đầu với sự xuất hiện của động cơ hơi nước, hoạt động nhờ hóa năng trong gỗ và than đá được chuyển hóa thành nhiệt năng làm chạy động cơ – chủ yếu là cung cấp năng lượng cho máy móc công nghiệp và đầu máy hơi nước. Cuối cùng than đá hoàn toàn thay thế gỗ vì với mỗi pound than (454 gram) chứa năng lượng nhiều gấp đôi một pound gỗ (được đo bằng BTU/pound, BTU là đơn vị nhiệt năng của Anh), ngoài ra sử dụng than đá giúp bảo vệ diện tích rừng ôn đới còn lại. Than còn được sử dụng để cấp nhiệt trong công nghiệp, bao gồm cả luyện kim, để sưởi ấm cũng như chạy động cơ hơi nước. Khi dầu thô được phát hiện vào giữa thế kỷ 19, vài thập kỷ trước khi có điện, nó chủ yếu là dầu hỏa vẫn được dùng để đốt trong các ngọn đèn thắp sáng thay cho dầu cá voi. Nó cũng được dùng để sưởi ấm cho các tòa nhà và dùng trong sản xuất như một loại nhiên liệu cho các thiết bị công nghiệp và phương tiện đi lại.

Nói một cách ngắn gọn thì con người cần và sử dụng nhiên liệu chủ yếu là phục vụ thắp sáng, sưởi ấm, máy móc cơ khí và vận chuyển, và sản xuất điện – riêng điện cũng có thể dùng cho các nhu cầu kia và làm được những việc khác đặc biệt chỉ nó mới làm được như truyền thông điện tử và xử lý thông tin. Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp đến nay, tất cả những nguồn năng lượng này, về cơ bản, tất nhiên không phải hoàn toàn, được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch có phát thải khí CO2.

Nhìn một cách khác, cuộc Cách mạng công nghiệp đã làm cho than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên – những thứ mà Rochelle Lefkowitz, chủ tịch hãng truyền thông Pro-Media Communications và là một người rất hiểu biết về năng lượng gọi là “nhiên liệu của địa ngục” – trở nên đặc biệt quan trọng. Những loại nhiên liệu này có trong lòng đất, sẽ bị cạn kiệt, lại còn phát thải khí CO2 và các chất gây ô nhiễm khác khi bị đốt cháy phục vụ cho vận tải, sưởi ấm hay dùng trong công nghiệp. Chúng đối lập hoàn toàn với những loại Lefkowitz gọi là “nhiên liệu của thiên đường” – đó là sức gió, sức nước, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối và năng lượng mặt trời. Nguồn năng lượng này có trên mặt đất, trữ lượng vô tận và không gây ra ô nhiễm.

Những năm đầu tiên của thế kỷ 20 cũng là thời kỳ cách mạng trong vận tải với việc phát minh ra động cơ đốt trong được dùng để chạy ô tô và xe tải. Ô tô chạy bằng xăng được phát minh ở Đức từ cuối thế kỷ 19, nhưng theo trang web Ideafinder.com, “loại ô tô đầu tiên được sản xuất với số lượng lớn là chiếc Curved Dash Oldsmobile 1901 của Ransom E. Olds ở Mỹ. Ô tô hiện đại được sản xuất hàng loạt với việc áp dụng dây chuyền lắp ráp công nghiệp mới là công lao của Henry Ford ở thành phố Detroit bang Michigan, người đã làm ra chiếc ô tô chạy bằng xăng đầu tiên năm 1896. Ford bắt đầu sản xuất ô tô mẫu T năm 1908 và cho đến năm 1927 khi chiếc xe này được ngừng sản xuất, đã có trên 18 triệu chiếc ra đời qua dây chuyền lắp ráp”. Động cơ đốt trong cũng đã làm thay đổi ngành thương mại, khiến cho dầu thô trở thành cực kỳ có giá trị đối với ô tô và cũng làm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu sắt thép và cao su. Động cơ hơi nước hoạt động nhờ nhiên liệu như than, dầu hoặc củi được đốt cháy bên ngoài, sinh ra hơi nước làm chạy động cơ; còn với động cơ đốt trong, quá trình cháy nhiên liệu xảy ra ở bên trong, nhờ đó hiệu quả hơn, cần ít nhiên liệu hơn và cho phép động cơ và ô tô có kích thước nhỏ hơn.

Đồng thời, công nghiệp hóa cũng đẩy mạnh đô thị hóa, và đô thị hóa lại sinh ra tình trạng ngoại ô phát triển. Xu hướng này diễn ra lặp đi lặp lại trên khắp nước Mỹ, khuyến khích văn hóa sử dụng ô tô kiểu Mỹ, thúc đẩy xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang và làm cho rất nhiều khu ngoại ô mọc lên như nấm quanh các thành phố lớn, hình thành nên bố cục bức tranh cuộc sống của nước Mỹ. Rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển khác cũng đi theo mô hình này, với tất cả ưu điểm và nhược điểm của nó. Kết quả là ngày nay chúng ta có những vùng ngoại ô và những con đường quốc lộ dài chạy xuyên qua và bao quanh các thành phố lớn, không chỉ có ở Mỹ mà cả ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Mỹ Latin. Và khi đô thị thu hút ngày càng nhiều người đến sinh sống thì khu vực ngổn ngang cũng mở rộng về mọi hướng.

Mà tại sao không? Tất cả đầu vào như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên của mô hình kinh tế mới này đều có vẻ tương đối rẻ tiền, tương đối khó cạn kiệt và tương đối vô hại – hay ít nhất thì cũng tương đối dễ làm sạch ngay sau đó. Cho nên không cần thiết phải chấm dứt sự tàn phá khủng khiếp của tình trạng ô nhiễm. Kết quả là ngày càng có nhiều người, nhiều hoạt động xây dựng, nhiều công trình và xe ô tô; ngày càng cần nhiều bê tông, than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên để phục vụ sự phát triển đó. Tóm lại hiện tượng này, như lời Andy Karsner, thứ trưởng năng lượng phụ trách sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo đã nói với tôi, “Trong lịch sử loài người, chúng ta chưa từng làm được điều gì đạt kết quả nhanh như việc tạo ra một môi trường sống phi hiệu quả”.

Sau khi những cuốn sách như cuốn Mùa xuân tĩnh lặng (Silent Spring) của Rachel Carson (1962) được xuất bản, mọi người bắt đầu nhận biết được ảnh hưởng độc hại của thuốc trừ sâu. Nhận thức đầu tiên về tình trạng môi trường sau đó mở rộng sang nhiều vấn đề khác như ô nhiễm không khí đô thị, xả nước thải công nghiệp ra sông hồ và không gian xanh ngày càng suy giảm nhanh do đô thị phát triển mạnh. Ở Mỹ, những mối quan ngại này đã thúc đẩy phong trào môi trường, kết quả cuối cùng là các đạo luật ra đời nhằm bảo vệ và phục hồi không khí sạch, nước sạch, ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm nước, xả rác thải độc hại, khói bụi, suy giảm tầng ozone, mưa axít và vứt rác ngoài đường. Với hơn 100 năm hoạt động bảo vệ thế giới hoang dã tính từ thời nhà tự nhiên học John Muir, phong trào bảo vệ môi trường hiện đại cũng mở đường cho Đạo luật Các loài sinh vật đang bị đe dọa cũng như nhiều quy định khác ra đời, nhằm bảo vệ các kỳ quan thiên nhiên và đa dạng sinh học của nước Mỹ.

Nhưng sau đó không có thời gian nghỉ ngơi. Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 20, giới khoa học bắt đầu nhận thấy các chất gây ô nhiễm vô hình – được gọi là khí nhà kính – đang tích lũy quá mức trên quy mô lớn, gây ảnh hưởng lên khí hậu. Quá trình tích lũy khí nhà kính bắt đầu từ Cách mạng công nghiệp, ở những nơi mà chúng ta không nhìn thấy, dưới những dạng chúng ta không nắm bắt, không ngửi được. Các loại khí nhà kính này, chủ yếu là CO2 sinh ra từ nguồn thải công nghiệp, sinh hoạt và phương tiện giao thông, không hề dồn thành đống ở bên đường, trên sông, hay được đóng trong hộp hoặc vỏ chai rỗng, mà chúng lơ lửng trên đầu chúng ta, trong bầu khí quyển. Nếu như bầu khí quyển đóng vai trò như một cái chăn giúp điều tiết nhiệt độ trái đất thì khí CO2 tích tụ sẽ làm chiếc chăn này dày thêm và làm trái đất nóng lên.

Để minh họa quá trình này, nhà hóa học năng lượng Nate Lewis ở Học viện công nghệ California mô tả như sau: “Hãy tưởng tượng bạn đang lái xe và cứ hết một dặm đường bạn lại ném nửa ký rác qua cửa sổ. Và tất cả những người đang lái xe hơi hoặc xe tải trên đường đều làm giống như bạn, còn những người lái xe Hummer thì mỗi lần ném hai túi rác – một qua cửa sổ phía lái xe và một qua cửa sổ phía khách. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Không hay ho gì. Đó chính xác là những gì chúng ta đang làm, chỉ có điều bạn không thể nhìn thấy được thôi. Khác là cứ mỗi dặm đường chúng ta lại vứt ra ngoài trung bình nửa ký CO2, và khí này đi vào bầu khí quyển”.

Những túi CO2 đó từ xe chúng ta bay lên và ở lại trong bầu khí quyển, ngoài ra còn có các túi CO2 từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên, từ những vụ cháy rừng và phá rừng qua đó giải phóng toàn bộ lượng carbon có trong cây cối và đất. Thực tế, rất nhiều người không biết rằng cháy rừng ở những nơi như Indonesia và Brazil thải ra nhiều CO2 hơn tất cả ô tô, xe tải, máy bay, tàu thủy và tàu hỏa trên cả thế giới cộng lại – tức là khoảng 20% tổng lượng khí thải trên toàn cầu.

Và khi chúng ta không quăng các túi carbon dioxide ra ngoài không khí thì chúng ta lại thải các loại khí nhà kính khác như methane (CH4) sinh ra từ canh tác lúa, khoan dầu, khai thác than, xác động vật phân hủy, từ các bãi chôn lấp rác thải rắn và, vâng, thậm chí cả khi gia súc ợ hơi nữa.

Gia súc ợ hơi? Đúng thế. Điều đáng chú ý của khí nhà kính là nguồn thải ra chúng rất đa dạng. Một bầy gia súc ợ hơi còn tệ hơn cả một đường cao tốc đầy xe Hummer. Khí thải từ súc vật nuôi chứa rất nhiều methane, cũng như CO2, khí này không màu và không mùi. Và giống CO2, methane là một trong những loại khí nhà kính mà khi đã bị phát thải vào bầu khí quyển, nó cũng hấp thu bức xạ nhiệt từ bề mặt trái đất. “Ở cấp độ phân tử, khả năng giữ nhiệt của methane trong khí quyển cao gấp 21 lần CO2 là loại khí nhà kính có nhiều nhất”, tạp chí Science World (ngày 21/1/2002) cho biết. “Với 1,3 tỷ con bò ợ hơi gần như cùng một lúc trên toàn thế giới, (riêng Mỹ đã có 100 triệu con), không có gì lạ khi methane do súc vật nuôi thải ra là một trong những nguồn khí nhà kính chính trên toàn cầu – theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA)... Tom Wirth thuộc EPA nói: ‘Đó là một phần trong quá trình tiêu hóa thông thường của súc vật. Khi chúng nhai lại, chúng ợ một phần thức ăn đã nuốt lên miệng để nhai, và khí methane thoát ra’. Các nhà nghiên cứu khí hậu cho biết một con bò trung bình thải ra 600 lít khí methane một ngày”.

Vậy mối quan hệ khoa học chính xác giữa phát thải khí nhà kính và trái đất nóng lên là như thế nào? Các chuyên gia ở Trung tâm Pew về Biến đổi khí hậu đã cho chúng ta tổng kết ngắn gọn trong báo cáo “Biến đổi khí hậu 101”. Nghiên cứu của Pew lưu ý rằng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu “thường thay đổi hoàn toàn vì lý do tự nhiên trong suốt lịch sử loài người. Ví dụ, khí hậu Bắc bán cầu từ thế kỷ 11 đến 15 tương đối ấm, còn từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19 lại lạnh hơn một chút. Tuy nhiên, các nhà khoa học, khi nghiên cứu tốc độ tăng rất nhanh của nhiệt độ trái đất trong suốt giai đoạn cuối thế kỷ 20, đã nói rằng hiện tượng này không thể giải thích bằng thay đổi của tự nhiên”. Con người chính là yếu tố tác động mới – lượng phát thải CO2 và các khí nhà kính khác từ đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ cũng như từ cháy rừng, chăn nuôi gia súc quy mô lớn, nông nghiệp và công nghiệp hóa đều tăng vô cùng nhanh.

Theo nghiên cứu của Pew, “Các nhà khoa học nhắc đến hiện tượng xảy ra trong bầu khí quyển trái đất thế kỷ gần đây là ‘tăng hiệu ứng nhà kính’”. Bằng cách đưa khí nhà kính tự mình thải ra vào khí quyển, con người đang thay đổi quá trình trong đó khí nhà kính tự nhiên, nhờ cấu trúc phân tử đặc biệt của chúng, giữ lại nhiệt lượng từ mặt trời trên bề mặt trái đất trước khi bức xạ trở lại không gian.

Hiệu ứng nhà kính giữ cho trái đất có nhiệt độ cao và có sự sống; nếu không có hiệu ứng này, nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ thấp hơn bình thường trung bình khoảng 150C. Do nhiệt độ trung bình của trái đất là khoảng 70C nên hiệu ứng nhà kính tự nhiên rõ ràng là có lợi. Nhưng tăng hiệu ứng nhà kính có nghĩa là nhiệt lượng từ mặt trời bị giữ lại nhiều hơn, khiến cho nhiệt độ cả trái đất tăng lên. Trong số các nghiên cứu khoa học từng chứng minh rằng hiệu ứng nhà kính đang ngày càng gia tăng có báo cáo năm 2005 của Viện nghiên cứu không gian Goddard thuộc NASA. Sử dụng vệ tinh, dữ liệu từ các phao nổi và mô hình máy tính để nghiên cứu các đại dương trên trái đất, các nhà khoa học đã kết luận rằng khi phần năng lượng mặt trời được hấp thu lớn hơn phần năng lượng được bức xạ trở lại vũ trụ thì nhiệt lượng của trái đất sẽ rơi vào mất cân bằng và do đó làm cả trái đất nóng lên”.

Một loạt các số liệu khác đã chứng minh kết quả này. Thành phần bầu khí quyển trái đất, theo Nate Lewis, “gần như không thay đổi trong suốt 20 triệu năm”, nhưng trong mấy trăm năm gần đây, “chúng ta bắt đầu làm bầu khí quyển bị thay đổi rất đột ngột, gây ra mất cân bằng nhiệt giữa trái đất và mặt trời, ảnh hưởng đến môi trường sống của mọi loài động thực vật cũng như con người trên hành tinh này”. Trước khi diễn ra Cách mạng công nghiệp, căn cứ vào một số mẫu lõi băng có từ vài nghìn năm trước, trong đó có những bong bóng khí giúp ta biết được điều kiện khí hậu thời kỳ đó, ta biết rằng hàm lượng CO2 trong không khí là không đổi, khoảng 280 ppm tính theo thể tích1. “Và con số này ổn định trong khoảng 10.000 năm trước thời điểm đó”, Lewis nói thêm. Nó bắt đầu tăng mạnh kể từ thập niên 1950, đồng thời với mức tiêu dùng nhiên liệu tăng đột biến trên toàn thế giới do sức mạnh công nghiệp phương Tây sau Thế chiến thứ hai. Mặc dù có rất nhiều ý kiến yêu cầu phải ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhưng tốc độ thải CO2 vào không khí của con người vẫn tăng cao. Vào năm 2007, hàm lượng CO2 trong bầu khí quyển là 384 ppm tính theo thể tích và dự kiến mỗi năm sẽ tăng thêm 2 ppm nữa.

Các chuyên gia về khí hậu đều thống nhất chung rằng nhiệt độ trung bình của trái đất so với hồi năm 1750 đã tăng lên 0,80C (tương đương 1,440F) và từ năm 1970 trở lại đây là thời kỳ nhiệt độ tăng nhanh nhất. Ở các lục địa khác nhau và độ cao khác nhau, mức tăng có thể cao hơn con số trung bình này rất nhiều. Con số 10C thay đổi nghe có vẻ không nhiều, nhưng nó vẫn cho bạn thấy tình trạng khí hậu đang có cái gì đó bất ổn – cũng như khi nhiệt độ cơ thể bạn tăng hay giảm chút ít cũng có nghĩa là trong người bạn đang có vấn đề.

“Bình thường nhiệt độ cơ thể bạn là 370C và nếu tăng chút ít lên 38,80C thì đã rất nghiêm trọng – dấu hiệu cơ thể bạn đang có gì đó bất thường” – John Holdren, giáo sư chính sách môi trường Đại học Havard, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Woods Hole và cựu chủ tịch Hiệp hội vì Tiến bộ khoa học Mỹ giải thích. “Sự thay đổi nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất cũng tương tự như vậy”.

Holdren giải thích rằng căn cứ vào các mẫu lõi băng, chúng ta biết được chênh lệch nhiệt độ bề mặt trái đất giữa kỷ băng hà và kỷ gian băng1 như hiện tại – tức là giữa thời kỳ mà trái đất là một khối băng với thời kỳ trái đất có điều kiện thích hợp cho con người phát triển và làm nông nghiệp – là khoảng 60C. Như vậy nhiệt độ trái đất chỉ cần khác đi một chút cũng dẫn tới thay đổi rất lớn, đó là lý do tại sao mức tăng 0,80C chứng tỏ, như Al Gore đã nói, hành tinh này đang “bị sốt”. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, 10 năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng học – tính từ năm 1860 đến nay – đều nằm trong giai đoạn từ 1995 đến 2005.

Ted Turner, người sáng lập ra kênh truyền hình CNN không phải một nhà khoa học, nhưng ông đã tóm tắt bằng ngôn ngữ thông thường cho chúng ta biết trái đất nóng, phẳng và chật nghĩa là gì. “Chúng ta có quá nhiều người – đó là lý do tại sao chúng ta gặp phải hiện tượng trái đất nóng lên”, ông đã nói như vậy trong buổi phỏng vấn với Charlie Rose (ngày 2/4/2008). “Quá nhiều người sẽ sử dụng quá nhiều thứ”.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, câu chuyện về Kỷ nguyên Năng lượng - Khí hậu không dừng lại ở chỗ trái đất lên đến đỉnh cao của sự nóng bức, bằng phẳng và chật chội. Sự kết hợp của nóng bức, bằng phẳng và chật chội đang khiến cho cả năm vấn đề lớn – cung cầu năng lượng, vai trò thống trị của dầu mỏ, biến đổi khí hậu, nghèo năng lượng và mất đa dạng sinh học – đều vượt qua điểm giới hạn của chúng, chuyển sang một giai đoạn mới mà chúng ta chưa từng chứng kiến dù là đối với cả hành tinh hay đối với từng loài. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét từng vấn đề trong đó:

CUNG CẦU NĂNG LƯỢNG VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN: Từ ngày đầu tiên của cuộc Cách mạng công nghiệp cho đến cuối thế kỷ 20, phần lớn người Mỹ, và phần lớn mọi người trên trái đất, đều sống trong ảo tưởng lạc quan rằng hầu hết các loại nhiên liệu hóa thạch mà chúng ta đang sử dụng phục vụ máy móc cơ khí, giao thông, sưởi ấm, nấu ăn, sản xuất công nghiệp và sản xuất điện đều không bao giờ cạn kiệt, rẻ tiền, không gây bất ổn chính trị và (mặc dù hơi khó chịu nếu bạn sống ở Newcastle1) cũng không tác động lên khí hậu.

Khi chúng ta bước vào Kỷ nguyên Năng lượng - Khí hậu, điều đó đã thay đổi: Giờ đây chúng ta hiểu rõ rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt, ngày càng đắt hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng lên cả chính trị, sinh thái và khí hậu. Chúng ta đã vượt qua ranh giới.

Vậy cái gì đã thay đổi: Câu trả lời đơn giản là do bằng phẳng và chật chội đã kết hợp với nhau: Quá nhiều người đột nhiên có thể tự nâng cao mức sống với tốc độ nhanh hơn trước rất nhiều. Và hồi năm 2000 khi thế giới trở nên vừa chật chội vừa phẳng thì nó cũng bước vào một con đường mới với nhu cầu năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và lương thực trên toàn cầu tăng vọt. Nguyên nhân là vì các nước công nghiệp phương Tây vẫn tiếp tục tiêu dùng một lượng đáng kể nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên, còn các quốc gia đang lên thì bắt đầu tham gia vào nhóm trung lưu.

Nếu bạn muốn đưa ra một hình ảnh về những gì đang diễn ra thì bạn chắc chắn không thể làm tốt bằng Richard Richels thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng điện. Ông mô tả: như thể thế giới là một bồn tắm, còn Mỹ và các nước phát triển khác đang đổ đầy nước vào bồn với mức tăng trưởng của họ. Rồi tiếp đó có thêm Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác, và họ lại mở vòi hoa sen. Thế là giờ đây nhu cầu đã tràn cả ra ngoài sàn nhà tắm.

Nhà kinh tế học năng lượng Philip K. Verleger, Jr. lưu ý rằng mức tiêu dùng năng lượng trên toàn cầu từ năm 1951 đến 1970 đã tăng lên 5%. “Tốc độ tăng khá nhanh này diễn ra đồng thời với quá trình tái thiết nền kinh tế sau Thế chiến thứ hai của châu Âu và Nhật Bản cũng như sự tăng trưởng mạnh thời hậu chiến của Mỹ”, Verleger đã viết như vậy trên tạp chí International Economy (ngày 22/9/2007). “Lịch sử có thể sẽ lặp lại vào giai đoạn 2001-2020 khi Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác chuyển từ đang phát triển thành phát triển. Mức tiêu thụ của những nước này sẽ tăng với tốc độ xấp xỉ tốc độ tăng trưởng kinh tế, tương tự như châu Âu, Nhật Bản và Mỹ hồi sau Thế chiến thứ hai”.

Mặc dù những nước này có thể đạt được tốc độ tăng GDP cao hơn với ít nhiên liệu hơn nhờ các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, nhưng thực tế là hiện tại, họ đang ở trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng mới với quy mô khổng lồ và “cơ sở hạ tầng đó ngốn rất nhiều năng lượng” – như Verleger đã nói. Đó là lý do tại sao nhóm dự báo năng lượng của tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell, trong báo cáo năm 2008 của họ, đã ước tính tổng mức tiêu thụ tất cả các loại năng lượng trên toàn cầu vào năm 2050 sẽ tăng ít nhất là gấp đôi so với hiện tại. Lý do là dân số tăng đã kết hợp với của cải tăng nhờ toàn cầu hóa thị trường.

Đó là điểm mới của những lực thúc đẩy Kỷ nguyên Năng lượng - Khí hậu: chúng hướng tới nhu cầu tiêu dùng vì ngày càng có nhiều người bỗng nhiên có lối sống kiểu trung lưu, có khả năng có, hoặc sẽ tiến tới chỗ đó.

Theo Larry Goldstein, một chuyên gia dầu khí ở Quỹ Nghiên cứu Chính sách năng lượng thì 2004 chính là năm quan trọng, cho thấy chúng ta đang sống ở một kỷ nguyên mới với cung cầu năng lượng trên toàn cầu thay đổi. “Những gì xảy ra vào năm 2004 chính là cú sốc năng lượng đầu tiên có nguyên nhân từ phía cầu”. Ý ông là: Vào các năm 1973, 1980 và 1990, chúng ta thấy giá dầu tăng cao do có chiến tranh và cách mạng ở Trung Đông, vì vậy cung dầu mỏ bị cắt giảm đột ngột. Cú sốc giá năm 2004 đơn giản là hậu quả của xu hướng dài hạn đã đẩy cầu vượt quá cung, chủ yếu là vì sự phát triển nhảy vọt của Trung Quốc. Trong lịch sử, ngoài lý do chiến tranh, mỗi khi thị trường dầu thô thu hẹp thì có thể giải quyết tình trạng thiếu cung nhờ sử dụng đến “công suất khai thác dầu thô dự phòng, công suất lọc dầu dự phòng hoặc tồn kho sản phẩm dự phòng”. Ba biện pháp liên quan đến dự trữ này chính là yếu tố hấp thu cú sốc trên thị trường dầu thế giới. Và năm này qua năm khác, khi cầu dầu mỏ tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 1% mỗi năm, những biện pháp đó giải quyết được mức tăng chậm của cầu, đảm bảo giá cũng chỉ tăng từ từ - cho đến năm 2004.

Năm đó có hai sự kiện diễn ra. Tất cả những biện pháp hấp thu cú sốc, tất cả những dầu thô, sản phẩm hay công suất lọc dầu dự phòng đều biến mất, và cầu nhiên liệu thì tăng đột biến do sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Vào đầu năm 2004, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã dự báo trong năm đó tổng nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng một ngày. “Nhưng thực tế nó đã tăng thêm 3 triệu thùng một ngày”, Goldstein cho biết. Và do cả ba biện pháp truyền thống đều không còn tồn tại nên không thể đáp ứng được lượng cầu tăng thêm.

Tại sao lại như vậy? Thông thường, giá cao sẽ thúc đẩy đầu tư nhiều hơn, tăng hoạt động khoan khai thác và sẽ có nhiều dầu hơn. Tuy nhiên, theo Goldstein, thời gian gần đây quá trình này diễn ra chậm chạp vì một số lý do khác nhau. Thứ nhất, ngành công nghiệp dầu mỏ đang thiếu rất nhiều điều kiện cần thiết – từ kỹ sư dầu khí có trình độ, giàn khoan đến tàu chở dầu – để mở rộng sản xuất. Thứ hai, những nước như Nga bắt đầu thay đổi nhiều quy định có từ trước trong lĩnh vực khoan khai thác, đẩy các nhà sản xuất nước ngoài ra để Nga có thể tự khai thác được nhiều dầu hơn; điều này đã hạn chế hoạt động của nhiều công ty dầu khí quốc tế có kinh nghiệm ở đây, và do đó làm giảm sản lượng dầu.

Cuối cùng là Mỹ và các nước Tây Âu khác tiếp tục tự hạn chế diện tích thăm dò khai thác dầu của riêng họ vì mục đích bảo tồn. Do đó, cung cầu thị trường không chỉ mất cân bằng trong năm 2004 mà chúng tiếp tục chênh xa nhau, xa nữa và xa nữa, đó là lý do tại sao năm 2008 giá vọt lên với tốc độ tên lửa khi cầu tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, giá dầu và khí đốt tăng mạnh chỉ là một trong những điều sẽ xảy ra khi thế giới vừa bằng phẳng vừa chật chội. Sẽ xảy ra những gì nữa? Theo Ngân hàng thế giới (WB), bạn sẽ có một thế giới mà trong đó vẫn có 2,4 tỷ người sống với thu nhập ít hơn 2 dollar một ngày, nhưng hàng triệu người trong số đó đang nỗ lực và đã bước vào được thế giới phẳng, dẫn tới hình thành mức cầu mới khổng lồ đối với tài nguyên thiên nhiên. Đó là một may mắn giúp thế giới ổn định, nhưng lại là một thách thức đối với sinh thái và khí hậu.

“Ngày nay cái gì cũng thiếu – thép, bauxite, thiết bị xây dựng, kỹ sư, nhà thầu, tàu biển” – Klaus Kleinfeld, chủ tịch công ty nhôm toàn cầu Alcoa nói. “Đi về hướng nào bạn cũng gặp phải nút cổ chai”.

Ông giải thích: hãy lấy nhôm làm ví dụ. Trước hết, mỗi ngày trên thế giới đều có nhiều người hơn, nhất là ở các nước đang phát triển, có nhiều người di chuyển đến khu đô thị hơn, ở đây họ sống trong những tòa nhà cao tầng, đi ô tô hoặc xe máy, đi xe buýt, đi máy bay, và chuyển sang uống Coke lon. Tất cả đều làm mức cầu thế giới đối với nhôm tăng lên. Những công ty như Alcoa sẽ phải đi tìm mua thêm bauxite. Thế là cần nhiều mỏ và lò nấu quặng hơn, vì thế cần nhiều tàu biển, thép và nhiên liệu hơn, và do đó cần nhiều kỹ sư và nhà thầu hơn. Bạn phải cố gắng làm tất cả mọi việc: đóng tàu, dựng lò, thuê các công ty xây dựng quốc tế, nhưng với ai bạn cũng nhận được câu trả lời như nhau: “Chúng tôi sẽ đưa anh vào danh sách chờ. Anh có đợi được ba năm không?”

Xu hướng này sẽ không biến mất. Một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới có thể cản trở nó trong một thời gian nhất định, nhưng cầu tăng cao đã trở thành một tình trạng bình thường mới.

Dưới đây là bài báo có đầu đề “Giá thép tăng nhanh cản trở các dự án lớn” đăng trên tờ Wall Street Journal (ngày 15/5/2008). Bài báo bắt đầu như sau:

Giá thép tăng liên tục đã làm chậm tiến độ, đình trệ các dự án xây dựng lớn trên toàn thế giới và các dự án đầu tư vào đóng tàu và khai thác dầu khí... Tuần trước tại Thổ Nhĩ Kỳ, một hiệp hội ngành xây dựng cho biết họ sẽ đình công 15 ngày tại tám thành phố... để gây sức ép buộc các nhà sản xuất thép phải giảm giá sau khi giá thép trong nước đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm ngoái. Tại New Delhi, Ấn Độ, dự án xây một cây cầu lớn đã bị ngừng lại vì các chi phí liên quan đến thép đã lên quá cao, các nhà thầu cũng đang hoãn hoặc hạn chế những dự án cấp bách nhằm xây dựng nhà cho người nghèo, và thúc giục chính phủ Ấn Độ cố định giá thép trong ba tháng tới... Thậm chí những người sử dụng điện thoại di động cũng có thể nhận thấy tình hình đang khó khăn. Eric Steinmann, giám đốc phát triển thuộc công ty mạng không dây NTCH Inc... cho biết chi phí thép cho mỗi cột thu phát sóng di động trong số 100 cột mà công ty xây dựng mỗi năm đã tăng gấp đôi, lên khoảng 30.000 dollar vào năm ngoái.

Giá nhiên liệu tăng trên toàn thế giới cũng đẩy cao chi phí của ngành nông nghiệp, và do đó chi phí thực phẩm cũng tăng. Nó cũng tạo động lực cho ngày càng nhiều nước tiến hành quy hoạch đất phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học như ethanol để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, điều này khiến cho giá thực phẩm lên cao vì diện tích dành cho hoa màu giảm. Cuối cùng dẫn đến giá dầu thô càng lên cao, người nông dân ở các nước đang phát triển càng có ít đất để trồng trọt. Hãng BBC (ngày 22/4/2008) cho biết ở thung lũng Rift, Kenya, diện tích được canh tác của nông dân chỉ còn bằng một phần ba so với năm trước do giá phân bón hóa học đã tăng hơn gấp đôi.

Tại sao thị trường không phản ứng ngay lập tức như quy luật cung cầu tự nhiên? Theo các chuyên gia của WB, một phần vì cầu tăng cao không dẫn đến giá cao ngay lập tức nhờ chính sách bao cấp năng lượng và lương thực trên toàn thế giới. Năm 2007, theo WB, chỉ riêng chính phủ Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Trung Đông đã chi 50 tỷ dollar để trợ giá xăng cho người đi xe cơ giới, dầu phục vụ nấu nướng và sưởi ấm, và điện sinh hoạt và sản xuất: họ nhập nhiên liệu với giá trên thị trường thế giới, bán cho người dân với giá rẻ và số chênh lệch do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Kết quả là giá thấp giả tạo, còn cầu lại cao một cách phi tự nhiên. Nếu họ để giá tự tăng theo giá thế giới thì cầu sẽ giảm. Nhưng họ không để điều đó xảy ra. Năm 2007, Indonesia đã dành 30% ngân sách cho việc trợ giá nhiên liệu, còn giáo dục chỉ chiếm 6%. Cùng lúc đó, các nước công nghiệp phương Tây lại chi khoảng 270 tỷ dollar để trợ cấp cho nông nghiệp, khiến cho nông dân ở các nước này trở nên giàu có, người tiêu dùng được mua lương thực với giá rẻ và nông dân ở các nước thứ ba không thể cạnh tranh nổi với họ. Vì thế cung lương thực giảm ngay cả khi cầu trên toàn thế giới tăng và ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu cần được đáp ứng nhu cầu. Về cơ bản: Thị trường đã bị bóp méo.

Điều thay đổi là, theo các chuyên gia WB, chỉ trong vài năm gần đây, cầu của thế giới phẳng và chật chội đã tới điểm phá vỡ mọi sự can thiệp bóp méo và giảm sốc cho thị trường, giống như núi lửa đến độ phun trào.

“Trong suốt mười năm qua, năm nào chúng ta cũng nhìn vào các con số thống kê tăng trưởng của Trung Quốc hoặc Ấn Độ và thốt lên: ‘Ồ năm nay họ lại tăng lên 8 hoặc 9 hoặc 10%’”, một chuyên gia năng lượng của WB nhận xét với tôi. Ông nói, “Hãy thử đoán xem các thị trường đang lên đã gây ra điều gì?”.

VAI TRÒ THỐNG TRỊ CỦA DẦU MỎ: Một ranh giới địa chính trị lớn mà chúng ta đã đi qua khi tiến vào Kỷ nguyên Năng lượng - Khí hậu là sự chuyển dịch của cải – rất nhiều, hàng trăm tỷ dollar mỗi năm – từ các nước tiêu dùng nhiên liệu sang các nước sản xuất nhiên liệu khi giá dầu khí tăng và giữ ở mức rất cao. Quá trình dịch chuyển các dòng tài chính chưa từng xảy ra trước đây đang tăng cường sức mạnh cho những nhân tố, những xu hướng thiếu dân chủ ở các quốc gia sản xuất dầu. Quá trình này cũng đem lại quyền lực cho những nhà lãnh đạo không giành được vị trí thực sự bằng cách xây dựng nền kinh tế hay đem lại giáo dục cho mọi người. Và nó còn khiến cho các giáo sỹ Hồi giáo bảo thủ cực đoan nhất – những người được Saudi Arabia, Iran và chính phủ các nước sản xuất dầu mỏ giàu có khác ở Vùng Vịnh hỗ trợ tài chính – ngày càng có sức mạnh.

Có khá nhiều diễn biến cho thấy xu hướng dịch chuyển quyền lực này, nhưng với tôi, minh chứng rõ ràng nhất là sự kiện đầu năm 2006, khi tổng thống Nga Vladimir Putin nhanh chóng đóng đường ống dẫn gas từ Nga sang Trung và Tây Âu để gây sức ép lên chính phủ thân phương Tây mới được bầu ở Ukraine. Và tờ New York Times (ngày 2/1/2006) đã mô tả như sau:

Hôm chủ nhật Nga đã khóa đường ống dẫn gas sang Ukraine khi những cuộc thảo luận về điều kiện giá và cung cấp gas chuyển thành xung đột chính trị rất rõ ràng, điều đó gây hậu quả đáng kể lên nền kinh tế đang hồi phục của Ukraine và thậm chí cả nguồn cung gas cho châu Âu. Mâu thuẫn xuất hiện một năm sau khi cuộc Cách mạng Cam thành công dẫn tới chính phủ thân phương Tây lên cầm quyền ở Ukraine... Việc cắt nguồn cung gas cho Ukraine vào ngay đầu mùa đông cho thấy một vấn đề đáng ngại: đó là để đạt mục tiêu chính sách ngoại giao, Nga không chỉ có công cụ dầu khí duy nhất là hứa xuất khẩu nhiên liệu [tôi xin phép viết nghiêng] – họ còn có thể dùng đến cách khóa đường ống dẫn dầu.

Nước Nga, có vị thế đó mới được vài năm, đã thay đổi từ một kẻ ốm yếu, tha thiết được mời tham gia các câu lạc bộ, thành một ông lớn ở châu Âu, có thể rủ rê các nước xung quanh lập ra câu lạc bộ của riêng mình chỉ bằng cách khóa van nhiên liệu nếu các nước này trở nên hơi quá ngỗ ngược một chút hay đi hơi xa lợi ích của Nga một chút. Nga không có nền giáo dục tiên tiến hơn, không có năng suất cao hơn hay sản xuất hiệu quả hơn. Châu Âu đơn giản là phụ thuộc hơn vào tài nguyên thiên nhiên của Nga, còn Nga đã biết cách khai thác sự phụ thuộc đó theo cách mạnh mẽ hơn trước.
(Còn tiếp)
Các Tin Tức Khác