Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Những điều thú vị của cuốn Giải pháp Keynes
Cập nhật ngày: 11/01/2010

Mới đây, sự xuất hiện của cuốn Giải pháp Keynes - Con đường dẫn đến sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu (dịch từ cuốn The Keynes Solution - The Path to Global Economic Prosperity của Paul Davidson) đã đem lại nhiều điều thú vị cho người đọc, nhất là những người ưa thích kinh tế học.

Ấn bản tiếng Anh đầu tiên của cuốn sách chỉ mới xuất hiện vào tháng 9-2009. Vậy mà qua tháng 10, ấn bản tiếng Việt đã có mặt ở các nhà sách. Như vậy, độc giả trong nước được đọc cuốn sách chỉ sau khoảng một tháng so với độc giả ở các nước Âu-Mỹ.

Đây có thể coi là một nét mới của ngành xuất bản trong nước nếu so sánh với các tác phẩm dịch thuật khác xưa nay độc giả Việt Nam thường chỉ được đọc bản dịch tiếng Việt sau một vài năm, hoặc lâu hơn nữa.

Vậy làm cách nào chỉ trong vòng một tháng mà nhà xuất bản đã có thể làm xong tất cả công việc cần thiết như thương lượng mua tác quyền, tổ chức dịch thuật, biên tập, dàn trang, in ấn…? Hỏi ra mới biết, Nhà xuất bản Trẻ đã tiến hành thương lượng mua tác quyền ngay từ lúc cuốn sách vẫn còn ở dạng bản thảo cuối cùng, chuẩn bị đem đi in. Sau khi mua được tác quyền, nhà xuất bản đã chạy đua với thời gian để triển khai công việc. Kết quả là đã kịp trình làng một bản dịch có thể nói là “nóng hổi vừa thổi vừa… đọc”.

Cuốn sách trên đã được tác giả hoàn thành một cách cực kỳ sít sao về thời điểm: gần như ngay sau khi các chính phủ Mỹ, Anh và nhiều nước trên thế giới quyết định chọn “Giải pháp Keynes” để vượt qua cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà lúc đó còn đang hoành hành dữ dội, buộc các chính phủ phải đồng loạt đưa ra chính sách chi tiêu công lớn (để giúp vực dậy nền kinh tế), thường được gọi là gói kích thích kinh tế Keynes.

Làm thế nào tác giả có thể viết được một cuốn sách có độ khó cao với thời gian nhanh như vậy? Đó là nhờ Paul Davidson đã tích lũy đầy đủ tư liệu và sẵn sàng viết cuốn sách này từ khá lâu. Davidson là chuyên gia hàng đầu về Keynes và học thuyết Keynes.

Sự trở lại của Keynes là nhan đề một bài báo đăng trên tạp chí Time số ra ngày 23-10-2008, trong đó có trích một câu nói của Robert Lucas, người đoạt giải Nobel Kinh tế với thuyết kỳ vọng hợp lý có tác dụng cổ xúy cho học thuyết thị trường tự do vốn đối nghịch với lý thuyết Keynes. Câu nói đó (có một chút cay đắng) là: “Tôi nghĩ rằng khi rơi xuống hố thì ai cũng là tín đồ của Keynes”.

Sự trở lại của Keynes ở đỉnh điểm của cuộc đại khủng hoảng thật ngoạn mục và thú vị. Hãy thử nhìn lại lịch sử. Trong suốt 25 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, phần lớn chính phủ các nước tư bản đều chủ động theo đuổi những chính sách xuất phát từ tư tưởng của Keynes, nhờ đó đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao chưa từng thấy, người dân được hưởng một cuộc sống phồn vinh. Đến nỗi năm 1971, ngay cả Richard Nixon, Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa (đảng này thường theo học thuyết thị trường tự do và chủ trương hạn chế sự can thiệp của nhà nước), cũng phải thốt lên: “Giờ đây tất cả chúng ta đều là tín đồ của Keynes”.

Nhưng rồi sau đó, do một số nguyên nhân khác nhau, giới học giả và những người làm chính sách kinh tế đã dần dà “phớt lờ” Keynes, và theo đuổi niềm tin rằng thị trường tự do sẽ tự điều tiết và tự vận hành hiệu quả, do đó phạm phải những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến cuộc đại khủng hoảng như chúng ta đã thấy. Rồi khi mọi giải pháp khác đều đã vô hiệu, người ta chỉ còn cách đồng loạt đón mời Keynes trở lại, mặc dù không có một vòng nguyệt quế nào.

Keynes giống như ngọn núi Thái Sơn trong kinh tế học, song các tác phẩm của ông không hề dễ đọc chút nào. Hơn nữa, tính cấp tiến - thậm chí là tính cách mạng - trong tư tưởng của ông còn gây bối rối cho một số học giả. Robert Bryce, một người từng theo học một lớp học do Keynes giảng dạy tại Cambridge, đã từng tuyên bố: “Bất cứ ai đọc cuốn sách [cuốn Lý thuyết tổng quát của Keynes] cũng sẽ bối rối. Đó là một cuốn sách khó hiểu, kích động”.

Ngay đến Paul Samuelson, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế và được coi là người sáng lập trường phái kinh tế học Keynes kết hợp lý thuyết tân cổ điển, cũng đã có lần nói rằng ông thấy lập luận trong cuốn sách nói trên là “kém thú vị” và khó lĩnh hội.

May thay, trong cuốn Giải pháp Keynes, Davidson, với vốn hiểu biết uyên thâm về Keynes, đã trình bày một cách rõ ràng và có hệ thống về những quan điểm nền tảng của kinh tế học Keynes cũng như những giải pháp thực tế rút ra từ đó cho tình hình nguy ngập hiện nay. Đây há chẳng phải là một cơ hội thú vị để hiểu (hoặc hiểu thêm) về Keynes đó sao?
Dương Thủy
(Nguồn: TBKTSG)
Các Tin Tức Khác