Nhiều người thích gọi Sơn Nam là nhà Nam bộ học, nhưng tôi nghĩ khác.
Tuy trước 1975 anh có Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Thiên địa hội và cuộc Minh tân, sau 1975 cũng có Bến Nghé xưa, Đất Gia Định xưa, nhưng vẫn hoàn toàn không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử hay văn hoá.
Sơn Nam là một nhà văn, và giống như các nhà văn giỏi hay bị hút theo cái đề tài đã làm mình thành danh, anh đã thật sự là một nhà phong tục học.
Giống như đọc Võ Đắc Danh hiện nay người ta thấy được cuộc sống sau 1975 ở miền Tây Nam bộ, đọc Sơn Nam người ta cũng thấy rõ cái mạch sống của xã hội Nam bộ, cái mạch sống mà anh đã nhập thân vào từ trước 1945.
Khoảng 1983, 1984 tôi được giáo sư Trần Văn Giàu cho viết bài Văn học Hán Nôm ở Gia Định trong Địa chí văn hoá thành phố nên thường ghé chỗ ông. Có lần tôi hỏi bộ địa chí này có tới mấy tập, bác có gọi anh Sơn Nam viết không, bác Sáu lắc đầu nói: “Thằng Sơn Nam không phải dân nghiên cứu, nó biết nhiều về phong tục xã hội, nghe nó nói chuyện mà làm nghiên cứu thì được, sách nó viết cũng vậy, cũng hay nhưng chỉ vậy thôi”.
Nhưng cái học phong tục của Sơn Nam quả đã đạt tới mức thượng thừa.
Có lần tôi vào cơ quan viện Khoa học xã hội ở ngã tư Pasteur – Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay lấy hàng căn tin thì gặp bác Sáu, ông rủ tôi đi uống cà phê. Tôi đưa ông tới một chỗ quen ở ngã tư Pasteur – Nguyễn Du, vừa gọi cà phê thì thấy Sơn Nam ngồi xích lô chạy ngang. Tôi chỉ bác Sáu nói: “Bến Nghé xưa kìa”, bác Sáu bảo tôi gọi, Sơn Nam lập tức tấp vào. Chào bác Sáu xong, anh nói mới đi Hà Nội về. Bác Sáu hỏi: có gì mới nói nghe chơi, anh lắc lắc đầu, hai người im lặng. Nhưng bên kia đường đối diện với quán cà phê là một quán bia, có một đám thanh niên đang cười nói ầm ĩ, Sơn Nam ngoảnh nhìn rồi quay qua nói với tôi: “Tôi nói cho chú nghe chuyện này. Mới rồi tôi ra Bắc thấy thanh niên ngoài đó khác trong này lắm. Chú nhìn bọn kia thấy thanh niên Sài Gòn vậy đó, mới chín mười giờ sáng đã kéo nhau ra quán nhậu nhẹt, bàn chuyện chạy mánh, chửi thề ầm ĩ, nhưng như vậy mới thấy sức sống của dân Sài Gòn. Chứ thanh niên Hà Nội sáng dậy pha ấm trà, ngồi bàn chuyện thơ văn của các cụ ngày xưa, gật gù chữ này hay câu kia đắt, tốt thì cũng tốt nhưng phong khí đã suy rồi”. Tôi giật mình nhìn qua, thấy bác Sáu gật gật đầu.
Có lẽ Sơn Nam cũng không ngờ là anh đã dạy tôi một bài học quý giá, tức không nên nhìn sinh hoạt xã hội hay nói rộng ra là lịch sử văn hoá qua lăng kính đạo đức suông.
2.
Đang viết dở entry này thì có hai cuộc gọi tới, một của Hoàng Hương con gái nhạc sĩ Tô Vũ từ Hà Nội gọi vào điện thoại của thư ký, nói VTV3 muốn phỏng vấn về Sơn Nam, nếu thấy được sẽ tới nhà quay. Thư ký nói để báo lại rồi cúp máy quay qua hỏi, lắc đầu bảo: cứ nói là tôi đang viết một entry về Sơn Nam, họ có tham khảo thì cứ việc chứ tôi giơ mặt lên đài truyền hình làm gì. Kế đó Nguyễn Trọng Tín bên Sài Gòn Tiếp Thị gọi, nói: đang ở Bình Dương lo vụ mai táng Sơn Nam, nhờ anh viết cho một bài về ông già, khoảng 13h tôi về Sài Gòn, 15h báo phải lên trang rồi. Đáp: đang viết một entry về Sơn Nam trên blog đây, về bảo Võ Đắc Danh mở ra mà xem, thích thì đăng không thích thì thôi, nhưng không được cắt bỏ bậy bạ. Y ok rồi cúp máy. Mịa, nhà văn các anh không viết về người đồng nghiệp tiền bối ấy được à mà phải đặt bài, cứ viết về văn Sơn Nam đi.
Văn chương của Sơn Nam có một cái duyên rất riêng. Nó dân dã mộc mạc mà gợi cảm tinh tế, giống như con người anh.
Cách nay mấy năm có viết một bài về phương ngữ Nam bộ trong có một đoạn như sau “Về phong cách, phương ngữ Nam bộ mang rõ dấu ấn đời sống tinh thần của nhân dân lao động, trong đó nổi bật là sự hài hước hóm hỉnh, khoẻ khoắn mộc mạc và giàu hình tượng, ví dụ bị mất chỗ làm và thu nhập ổn định thì nói là “bể chén cơm”, gan lì thì nói là “cóc cắn trời gầm không nhả”, làm việc gì tới mức tột cùng thì nói là “tới bến” hay “chết bỏ”, về kẻ vô lễ hỗn láo, phá gia chi tử thì nói là “đồ đâm cha chém chú”, sợ sệt thì nói là “sợ xếp (cánh) ve”. Ở đây cũng có những ảnh hưởng của yếu tố Hoa, ví dụ các thành ngữ “sợ xếp ve” là dịch từ câu “cấm nhược hàn thiền” (sợ sệt như con ve mùa lạnh), “gan cùng mình” là lấy ý từ lời Lưu Bị khen Triệu Vân “toàn thân đô thị đảm” (toàn thân đều là mật) được Việt hoá qua phương ngữ Nam bộ. Cũng cần lưu ý rằng khoảng cách giữa tiếng Việt khẩu ngữ và tiếng Việt văn chương trong phương ngữ Nam bộ không rộng như ở các phương ngữ Trung – Bắc, điều này dẫn tới những hiện tượng rất tinh tế song cũng rất dân dã trong văn học viết Nam bộ cuối thế kỷ thứ 19 như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Lạc rồi thế kỷ 20 như Vương Hồng Sển, Sơn Nam...”.
Bài đó đã in trên tạp chí Xưa và Nay, sau đó Phạm Hy Tùng tác giả quyển Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa trích lại trong tham luận trình bày tại một hội thảo gì đó. Tham luận đọc ban ngày, tối đến y hớt hải gọi điện khoe, nói đọc xong đi xuống thì Sơn Nam bước ra bắt tay hay ôm hôn thắm thiết gì đó, không biết có mắt lệ rưng rưng không, nhưng đại thể là tỏ ý cám ơn. Tôi nói Sơn Nam xứng đáng được xếp vào lịch sử như thế mà, y đáp: đúng rồi, nhưng anh đánh giá như thế ngay từ lúc ông ấy còn sống nên ông ấy xúc động lắm.
Tới đây đột nhiên sực nhớ một câu chữ Hán “Quân tuy tử nhi bất tử giả tại hĩ” (Ông tuy mất mà điều chẳng mất còn đó). Không cần nói tới chuyện khác, chỉ riêng chuyện góp phần đưa phong cách ngôn ngữ Nam bộ thành một phong cách nghệ thuật của văn học viết Việt Nam thế kỷ 20 thôi cũng đủ cho Sơn Nam trở thành bất tử rồi.
Rất muốn đề nghị các vị soạn sách giáo khoa đưa tác phẩm của Sơn Nam vào chương trình giảng dạy văn học cho học sinh cấp ba...