Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Sách văn học đang 'nóng' trở lại
Cập nhật ngày: 28/03/2008

Độc giả chen nhau mua "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ"
và những cuốn sách khác tại Hội sách TP HCM lần 5. Ảnh: A.V.
 
'Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ' của Nguyễn Nhật Ánh là cuốn sách 'hot' đầu năm 2008. Đây là tín hiệu vui cho sách văn học, vì theo số liệu của Cục Xuất bản, năm qua, số lượng in dòng sách này trên cả nước giảm mạnh so với 2006. 

NXB Trẻ cho biết, sách văn học của đơn vị này đang bán rất chạy. Đứng đầu bảng phải kể đến cuốn sách viết cho những ai "từng là trẻ em" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phát hành đầu tháng 3 với số lượng 10.000 bản nhưng vẫn "cháy" hàng ngay trong dịp Hội sách TP HCM lần 5.

Ngay sau đó, sách nhanh chóng được tái bản 5.000 cuốn. Nhà sách trên mạng Vinabook cho biết, số lượng đặt hàng cuốn này qua Internet đang cao, nhưng vẫn phải chờ vài ngày nữa mới có sách in kịp để chuyển đến tay độc giả.

Truyện dài Công ty của nhà văn Phan Hồn Nhiên in lần đầu với số lượng 2.000 cuốn. Sau một tuần, sách đã bán hết veo và được in thêm 2.000 bản nữa. Tiểu thuyết Tình nhân của tác giả Janusz Leon Wisniewski, dịch giả Nguyễn Thanh Thư vừa được tái bản 2.500 cuốn sau ba tuần phát hành.
 

Cùng chung tín hiệu khả quan, có khá nhiều đầu sách cũ, được in lại như: Sự trở lại của vết xước của nhà văn Trần Nhã ThụyOxford thương yêu của Dương Thụy tái bản đến lần 3 với số lượng 3.000 cuốn, tiểu thuyết Giấy trắng của nhà văn Triệu Xuân tái bản lần thứ 10, Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư Giày đỏ của Dương Bình Nguyên tái bản lần thứ 4. Đặc biệt, tập truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn nữ xứ Cà Mau đã in thêm đến lần thứ 16...

Thực tế trên phần nào vực dậy niềm tin cho độc giả và người làm sách. Vì mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác xuất bản năm 2007, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin Truyền thông) nêu ra con số: Trong năm qua cả nước chỉ xuất bản hơn 1.800 đầu sách văn học với trên 2 triệu bản, giảm 47,6% về số lượng so với năm 2006.

Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Xuất bản, cho rằng, nguyên nhân chính của sự giảm mạnh này là cả hai nguồn sách văn học trong và ngoài nước đều sụt. Dòng văn học trong nước chưa thật sự phát triển nên số lượng sách được đầu tư in chưa nhiều.

Hiện tại, với dòng văn học trong nước, chỉ một vài cái tên có số lượng sách bán khá lớn như: Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Nhật Ánh. Riêng trường hợp Nguyễn Nhật Ánh khá đặc biệt khi nhiều năm nay anh vẫn luôn là tên tuổi "hot", chưa có người thay thế ở mảng văn học thiếu nhi. Bộ truyện Kính vạn hoa mới in lại trọn bộ và cuốn sách mới nhất Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của anh đều là best-seller của NXB Kim Đồng và NXB Trẻ.

Ông Phạm Sỹ Sáu, cán bộ giao dịch tác quyền của NXB Trẻ, khẳng định để có được những hiện tượng sách in và xuất bản, tái bản với số lượng cao đứng được và đứng lâu như Nguyễn Nhật Ánh hay Nguyễn Ngọc Tư là điều không đơn giản chút nào.

Thiếu tên tuổi mới, thiếu nguồn bản thảo văn học thật sự chất lượng là tình trạng chung mà các NXB đang đối mặt. Nhà văn Triệu Xuân, hiện công tác tại NXB Văn Học, cho biết, hiện nay NXB có nguồn bản thảo dồi dào, nhưng cần phải chọn lọc lại nhiều. Vì sách văn học hay luôn kén độc giả.

"Thậm chí những đầu sách best-seller của nước ngoài, sách càng hay, mua bản quyền càng đắt, giá giấy, chi phí in tăng cao nhưng bán ra khá chậm", ông cho biết.

Còn NXB Thanh Niên, trong năm 2008 phải rất cố gắng để thoát khỏi tình trạng sách văn học giảm mạnh. Gần đây, NXB này ra mắt cuốn Truyện cổ tích thời @, của tác giả trẻ Nguyễn Trường Giang gây được chú ý của báo giới và bạn đọc, thế nhưng cũng chỉ bán được nhỏ giọt.

"Kiếm được tác giả trẻ, có tác phẩm hay thì khó quá. Chúng tôi vẫn tiếp tục in lại các tên tuổi cũ, có chỗ đứng trên văn đàn và có số lượng độc giả nhất định", ông Nguyễn Trường, Phó trưởng chi nhánh NXB Thanh Niên, nói.

Để thoát tình trạng được cho là bi thảm của sách văn học, nhiều NXB hy vọng tìm được sách hay để đầu tư. Nhà văn Triệu Xuân nêu "công thức vàng" cho sự tồn tại đầy cạnh tranh của sách văn học trước các loại sách công cụ, sách kỹ năng khác là: Sách in không lỗi mo-rát, chất lượng văn chương cao, bìa đẹp bắt mắt, và tìm đến đúng đối tượng bạn đọc.

Ông Phạm Sỹ Sáu ở NXB Trẻ tin tưởng, hiện nay có rất nhiều người viết, và chắc chắn sẽ còn nhiều cây bút hấp dẫn chưa được phát hiện. "Vấn đề là cần thời gian sàng lọc, và giữa người viết với người biên tập đồng cảm thì tên tuổi mới sẽ xuất hiện". Trường hợp nhà văn Mạc Can là một ví dụ. Đến nay, cây bút này đã ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ ba là Bầy mèo vô sinh, góp một giọng mới mẻ vào đời sống văn học có nguy cơ bị nhàm chán hiện tại.

Ông Sáu cũng cho rằng, nếu bản thân mỗi NXB tập trung làm sách văn học, nhất là văn học trong nước, từ khâu đầu tư đến khâu ra mắt tác phẩm thì độc giả sẽ không quay lưng. "Với vài đầu sách đang bán chạy cho thấy, độc giả vẫn có nhu cầu cao tìm đến sách văn học".
 
Anh Vân
(Theo evan.com.vn, 27/3/2008)
Các Tin Tức Khác