- PV: Vẫn là nỗi buồn tê tái nhưng “Gió lẻ” không đề cập đến những vấn đề thời sự nóng hổi nữa, không chuyện lạm phát, chuyện tăng giá xăng dầu, chuyện hoa khôi, hoa hậu...?
- Nguyễn Ngọc Tư: Tôi định viết một truyện dịu dàng và thơ mộng. Tôi đã quá mệt mỏi với những cái hiện thực đó. Bạn đọc chắc cũng vậy. Mà tôi không định viết truyện như một phóng sự, bút ký. Tiếc là “Gió lẻ” không thơ mộng lắm, nhưng tôi thấy nó dịu dàng đấy chứ.
- PV: Cô gái trong “Gió lẻ” là một nhân vật lạ lùng và ma mị, khác hoàn toàn với những nhân vật nữ từ trước đến nay trong truyện của chị. Khi sáng tạo ra được hình tượng này, chị có thấy thỏa mãn không?
- Nguyễn Ngọc Tư: À, tôi thích cô này. Thậm chí tôi đã dùng cách xưng hô “em” để diễn tả sự trìu mến của mình.
- PV: “Gió lẻ” có những chi tiết ám ảnh, ám ảnh nhất là ông Tám Nhơn Đạo chăm chút bà vợ tật nguyền chu đáo đến chảy nước mắt nhưng lại đi cưỡng bức cô thiếu nữ câm tội nghiệp... Trong cuộc sống thực của mình, chị có bao giờ bắt gặp những hình ảnh ấy?
- Nguyễn Ngọc Tư: À, tôi có tật, đi một lúc thì tôi bỗng dưng muốn dừng lại, ở bất cứ đâu. Một cái kết cẩu thả, có lẽ bạn nghĩ vậy. Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng sau khi đi mãi đi mãi thì tôi thực sự không biết cách nào dừng lại cho đẹp. Tôi đã từng nghĩ cách cứu nhân vật của mình. Nhưng tôi thấy sau khi cô gái chết (trong truyện), thì cô lại sống rất lâu trong tôi.
- PV: Nhìn một cách tiêu cực, “Gió lẻ” có phải là một tuyên ngôn chống lại, ruồng bỏ thế giới người hay không?
- Nguyễn Ngọc Tư: Bạn thấy vậy sao? Tôi thì nghĩ, những nhân vật của “Gió lẻ” chạy trốn con người nhưng luôn luôn tìm kiếm con người, chối bỏ yêu thương mà luôn khao khát yêu thương, và dù đời có buồn đến đâu, họ vẫn gắng sống.
- PV: Chị từng nói trên một tờ báo rằng: vui nhất là lúc nhận nhuận bút sách chứ không phải lúc ra sách. Sao chị không chuyển sang một công việc khác, đến một vùng đất khác như Sài Gòn chẳng hạn để phát triển sự nghiệp?
- Nguyễn Ngọc Tư: À, tôi muốn hỏi nếu đi Sài Gòn thì phát triển sự nghiệp gì? Nếu viết văn thì không cần. Cho đến bây giờ, chuyện tôi xao xuyến nhất khi in một cuốn sách vẫn là… nhuận bút.
- PV: Khi viết văn ai cũng mang trong mình một mưu cầu nào đó. Mưu cầu nổi tiếng, mưu cầu tiền bạc, mưu cầu danh vọng... Còn chị mưu cầu điều gì?
- Nguyễn Ngọc Tư: Đã từng mưu cầu nổi tiếng, đã từng mưu cầu tiền bạc, giờ thì gần như được, chưa nghĩ ra được mưu cầu gì… mới.
- PV: Hỏi chị lạc đề một chút: liên tưởng đến chi tiết người phụ nữ trong “Gió lẻ” vì bị chồng nói một câu xúc phạm nên đã thắt cổ tự vẫn, thế người vợ Nguyễn Ngọc Tư của đời thường có khi nào nghĩ đến chuyện tự tử vì một câu xúc phạm của chồng không?
- Nguyễn Ngọc Tư: Câu này thì đúng là lạc đề thiệt!