Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

NÓNG, PHẲNG, CHẬT: Nơi chim trời không bay qua - Phần 2)
Cập nhật ngày: 08/06/2009

Khi nhìn vào nước Mỹ ngày nay, tôi thấy có ba xu hướng chính, hai trong số đó sẽ gây rắc rối, xu hướng còn lại cho tôi hy vọng rằng nếu có cách lãnh đạo mới, nước Mỹ sẽ thực sự đứng lên đối mặt với thách thức.

Một trong hai xu hướng gây rắc rối đã được đề cập ở trên: Sau sự kiện 11/9, nước Mỹ đã dựng lên nhiều bức tường bảo vệ hơn bao giờ hết, từ đó chúng ta đã đánh mất mối liên kết – nếu không phải là về thể chất thì cũng là về tinh thần – với rất nhiều đồng minh tự nhiên và với bản năng tự nhiên của mình là gắn bó với thế giới. Khi làm điều đó, nước Mỹ đã thay đổi, từ một quốc gia luôn cho đi niềm hy vọng (và nhận về niềm hy vọng của hàng triệu người khác) thành một nước có vẻ như chỉ cho đi nỗi sợ hãi.

Xu hướng thứ hai được hình thành một cách chậm chạp từ thập niên 1980. Đó là thái độ “cố tình ngớ ngẩn” đang trở nên phổ biến trong giới chính trị cao cấp. Thái độ đó có nghĩa là chừng nào muốn thì chúng ta vẫn có thể để những cuộc đấu kiểu túm tóc kéo áo tầm thường giữa các bang đỏ và bang xanh diễn ra thoải mái, nhưng lại trì hoãn việc xây dựng lại hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng cũ nát, trì hoãn việc thay đổi chính sách nhập cư, trì hoãn việc cải cách quỹ Bảo hiểm xã hội và quỹ Chăm sóc y tế, trì hoãn việc giải quyết triệt để tình trạng sử dụng quá mức và mất an ninh năng lượng một cách vô thời hạn. Quan điểm phổ biến về rất nhiều vấn đề quan trọng ở Washington ngày nay là: “Chúng ta sẽ có được điều đó khi cảm thấy cần, và chuyện đó sẽ không bao giờ gây khó khăn cho chúng ta cả, vì chúng ta là nước Mỹ”.

Xét về mặt nào đó, tình trạng hỗn loạn những khoản cho vay dưới chuẩn1 và cuộc khủng hoảng nhà ở chính là ẩn dụ thích hợp về những gì đang xảy ra ở nước Mỹ vài năm gần đây: sự chăm chỉ, thành công và tinh thần trách nhiệm không còn có quan hệ với nhau. Nước Mỹ đã trở thành một quốc gia dưới chuẩn, tưởng rằng mình có thể vay mượn để trở nên giàu có, không đặt tiền trước và trong hai năm cũng không trả nợ đồng nào. Những người cho vay bảo rằng chúng ta sẽ có được giấc mơ Mỹ – một ngôi nhà riêng – mà không phải chịu bất cứ thiệt hại gì hay phải trả giá nào cho quyền sở hữu đó. Không cần học hành chăm chỉ và có nền tảng giáo dục vững chắc. Không cần tiết kiệm và nỗ lực có quá trình tín dụng tốt. Ngân hàng ngay góc phố hay ngân hàng trên mạng sẽ vay tiền từ Trung Quốc và cho chúng ta vay lại, với quá trình kiểm tra tín dụng dễ chịu không khác gì kiểm tra tên tuổi ở sân bay, nơi người ta chỉ xem tên ghi trên vé có giống tên trong bằng lái xe của bạn không. Khi cả hệ thống kim tự tháp do một vài ngân hàng lớn nhất của chúng ta làm ra đó sụp đổ, tất cả mọi người, từ người sở hữu nhà bình thường cho đến tay chủ nợ cẩu thả, lại đều hướng về chính phủ chờ cứu trợ. Các chính trị gia chiều theo ý họ, ngay cả khi ai cũng hiểu rằng mấy tay chủ nợ kia không buồn để ý chuyện khách hàng phải chăm chỉ làm việc, chi tiêu tiết kiệm hay tích cực sáng tạo thì mới có khả năng trả nợ. Bọn họ chỉ quan tâm đến việc khối bong bóng nhà ở sẽ tiếp tục làm tăng giá nhà và lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm vì thị trường sẽ cứu được tất cả mọi người. Thị trường đã làm thế, cho đến khi nó ngừng lại. Với nước Mỹ, mọi chuyện cũng giống như với nhà cửa: Chúng ta đã vay mượn tương lai thay vì đầu tư vào nó.

Trong suốt vòng tranh cử tổng thống sơ bộ, các thượng nghị sỹ John McCain và Hillary Clinton thực tế đều đã đề xuất ngừng áp dụng thuế xăng dầu liên bang, mức 4,86 cent/lít, vào mùa du lịch hè để các tài xế Mỹ được “nghỉ ngơi”. Trong khi đó, nhờ tất cả các chuyên gia trong nước, cả hai người đều biết rõ rằng việc đó sẽ chỉ làm tăng nhu cầu đi lại vào mùa hè, duy trì giá xăng ở mức cao, đồng thời làm trầm trọng hơn sự nóng lên của trái đất – một vấn đề mà cả hai đều tuyên bố là họ có kế hoạch giảm thiểu. Đề xuất này đúng là một ví dụ hoàn hảo cho lối chính trị “cố tình ngớ ngẩn”.

Tuy nhiên, còn có xu hướng thứ ba, chính xu hướng này đem lại cho tôi hy vọng. Đó là cái mà tôi gọi là “xây dựng đất nước ngay trong nhà”. Mặc dù Washington có thể trì trệ và thờ ơ thụ động, còn đội ngũ quản lý kinh tế không làm gì ngoài trách nhiệm, nhưng cả nước Mỹ vẫn bùng nổ sáng tạo. Tuần nào tôi cũng được nghe các ý tưởng mới trong chế tạo năng lượng sạch, phương pháp tiếp cận mới trong giáo dục hay suy nghĩ mới về cách thức thay đổi đất nước vốn đang rất cần sự thay đổi. Và mặc dù một vài ý tưởng trong số đó khá lập dị, nhưng với rất nhiều người đang tiến hành thử nghiệm của mình trong garage riêng hay ngay tại cộng đồng địa phương, tôi nghĩ nước Mỹ vẫn không hề thiếu những ý tưởng tràn đầy sức sống từ những người rất bình thường. Thế hệ trẻ mơ mộng hơn nhiều so với chúng ta tưởng, và cả xã hội này, mặc dù đôi khi thất vọng, nhưng vẫn sẵn lòng tham gia cải cách giáo dục, nghiên cứu năng lượng tái tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và giúp đỡ người khác. Bạn có thể thấy điều đó khi nhìn vào số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học xếp hàng đăng ký chương trình Dạy học vì nước Mỹ. Họ muốn quốc gia tiếp tục có vị thế quan trọng, họ muốn được huy động tham gia, không chỉ góp phần phục vụ đất nước ở Iraq hay Afghanistan mà ngay chính trong lòng nước Mỹ, để tìm lại những điều mà họ trân trọng, nhưng cảm thấy đang bị phai nhạt dần.
Chúng ta hãy cùng nghiên cứu kỹ hơn ba xu hướng này. Khi Natalie, con gái nhỏ của tôi học lớp tám, con bé đã tham gia vào chương trình Ngày Lịch sử quốc gia. Năm đó, chủ đề chính là “những thời điểm bước ngoặt” trong lịch sử và học sinh cả nước sẽ nộp những bài viết minh họa về một bước ngoặt bất kỳ. Bài viết của Natalie là một trong những bài được bang Maryland trao giải, có tên là “Từ Sputnik đến Internet”. Nội dung bài viết nói về những gì nước Mỹ đã làm khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik, đó là xây dựng mạng máy tính liên kết mạnh hơn giữa các trung tâm nghiên cứu khoa học, và dần dần mạng thô sơ ban đầu đó đã phát triển và cuối cùng mở rộng thành Internet như thế nào. Nhưng ý tưởng nằm dưới bài viết đó là cách thức hành động của người Mỹ trước một bước ngoặt lịch sử đã vô tình dẫn tới một bước ngoặt khác hàng thập kỷ sau, theo cách mà không ai có thể hình dung nổi.

Tôi sợ rằng 50 năm sau này, một học sinh lớp tám nào đó sẽ viết bài tham gia Ngày Lịch sử toàn quốc với nội dung là phản ứng của nước Mỹ sau sự kiện 11/9 đã vô tình cắt đứt mối liên hệ giữa chúng ta với thế giới, với bạn bè, và với cả những nét đặc trưng của riêng mình.

Hồi tôi đến Delhi năm 2005, một tác giả nổi tiếng người Ấn Độ, Gurcharan Das đã kể với tôi rằng trong vài lần đến Mỹ sau vụ 11/9, ông thường bị yêu cầu phải giải thích lý do chuyến đi với nhân viên xuất nhập cảnh. Das bảo “họ làm bạn cảm thấy không ai muốn bạn có mặt ở đây”. Mỹ đã từng là quốc gia “luôn luôn tái khám phá bản thân” – ông bổ sung thêm – vì nó luôn chào đón “các kiểu người lập dị”, và có “tinh thần khoáng đạt tuyệt vời”. Sự cởi mở của nước Mỹ luôn là cảm hứng cho toàn thế giới. “Nếu các anh trở nên bi quan, cả thế giới cũng sẽ bi quan”, ông nói.

Nước Mỹ vẫn chưa bi quan, nhưng kể từ sự kiện 11/9, người Mỹ đâm ra sợ hãi, và khi bạn sợ hãi, bạn không thể là chính mình. Tháng 12/2007, tôi đến Bahrain để phỏng vấn Thái tử Sheikh Salman bin Hamad Bin Isa al-Khalifa, một người tôi biết và có cảm tình đã lâu. Chúng tôi ăn pizza trong một quán rượu nhỏ, ngồi cạnh bàn chúng tôi là một gia đình người Bahrain gồm hai vợ chồng và một cô con gái. Người vợ mang khăn trùm đầu và mặc trang phục toàn màu đen, có phong thái cực kỳ nhu mì. Cô con gái lại ăn mặc không khác gì các thiếu nữ Mỹ, trên vai trái còn có thứ gì đó trông như một hình xăm. Thái tử Salman và tôi nói chuyện về thế hệ các cô gái này ở Bahrain, những người bước vào tuổi trưởng thành sau sự kiện 11/9. Ông nhắc tôi rằng hồi năm 2004, sau khi một căn cứ Mỹ ở Saudi Arabia bị tấn công và Bahrain bị đe dọa khủng bố vài lần, Lầu Năm góc đã ra lệnh cho tất cả thân nhân của những binh sỹ Mỹ đang đóng tại căn cứ của Hạm đội Năm ở Bahrain phải quay về nước. Hành động này khiến cho trường trung học Mỹ duy nhất ở Bahrain, trường Bahrain – được Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập năm 1968 cho con cái binh lính thuộc Hạm đội, và sau đó đã trở thành hình mẫu về chất lượng giáo dục cho đất nước này – có nguy cơ phải đóng cửa. Đến thập kỷ 1980, tỷ lệ học sinh của trường là con em lính Mỹ chỉ là 30%, 70% còn lại đều không phải người Mỹ và tự đóng tiền theo học, chủ yếu đó là con cái giới kinh doanh hoặc giới chính trị cao cấp trong nước, trong đó có chính vị thái tử.

Việc đóng cửa trường học và những thành viên gia đình kia phải quay về nước sẽ chấm dứt sự tồn tại của rất nhiều thứ, từ ngày hội hoa hàng năm của phụ nữ Mỹ ở Bahrain, giải bóng chày mini Mỹ-Bahrain, đến những trận bóng đá giữa thiếu niên Mỹ với thiếu niên Bahrain. Giới lãnh đạo Bahrain, đa số đã từng học và được tiếp xúc với lối sống Mỹ ở đây đã đề nghị Lầu Năm góc cho phép thành viên các gia đình Mỹ ở lại và tiếp tục mở cửa ngôi trường có vai trò như một tiền đồn giáo dục đó. Nhưng họ vẫn phải về nhà, và ngôi trường chỉ có thể hoạt động sau khi chính phủ Bahrain đồng ý trả tiền cho Lầu Năm góc.

“Trường học này thực sự là một nơi theo chế độ nhân tài”, bạn tôi, Serene al-Shirawi, người Bahrain, ra trường năm 1987 và hiện đang làm tư vấn kinh doanh ở London đã nói như vậy. “Khi bạn bước chân vào đây, bạn là ai không quan trọng. Bạn luôn được đánh giá xứng đáng với năng lực, và điều đó hoàn toàn không giống với các trường học khác ở Bahrain”, nơi người ta đánh giá bạn dựa trên của cải hoặc xuất thân gia đình. “Cho đến giờ, những người Bahrain từng học ở đây cũng rất khác: Bạn có kiến thức, bạn được khuyến khích chấp nhận rủi ro và thất bại... Ngôi trường đi theo hệ thống giá trị của nước Mỹ”.

Thái tử Salman nói thêm: “Ngôi trường này chính là hình thức quảng cáo tốt nhất mà nước Mỹ từng có. Nó còn đem lại nhiều bạn hơn cả sứ quán Mỹ. Thật buồn khi phải nói rằng giờ đây sẽ có một thế hệ thanh thiếu niên Bahrain lớn lên và không bao giờ được biết đến nước Mỹ đó. Nếu chúng đang ở tuổi 17 thì hồi sự kiện 11/9 xảy ra, chúng mới 11 tuổi. Chúng không bao giờ hiểu Mỹ đã đuổi quân Iraq khỏi Kuwait. Chúng chỉ biết đến nước Mỹ của các nhà tù Abu Ghraib1 và Vịnh Guantánamo. Đó không phải nước Mỹ mà chúng tôi từng yêu mến”, mặc dù ông vội vàng bổ sung, “Tôi chắc rằng [nước Mỹ ấy] sẽ trở lại”.

Tôi cũng chắc rằng nước Mỹ ấy có thể trở lại, nhưng sẽ không có chuyện đó nếu chúng ta tiếp tục con đường đang đi. Tháng 1/2008, tôi đến thăm thành phố The Hague (La Hay, Hà Lan - ND), và những người bạn Hà Lan là Volkert và Karin Doeksen đã kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi dở khóc dở cười. Hồi tháng 4/2004, họ được đại sứ Mỹ tại Hà Lan lúc đó mời đến một buổi dạ tiệc tổ chức tại nhà hàng Impero Romano trong thành phố. Bữa tiệc để chào mừng Giám đốc Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA) Karen Tandy đang ở thăm Hà Lan và bộ trưởng y tế, phúc lợi và thể thao Hà Lan lúc đó là ông Hans Hoogervorst.

Volkert, CEO một quỹ đầu tư Hà Lan nhớ lại: “Tôi đến dự tiệc hơi muộn, và nhà hàng có vẻ đã chật kín người. Mãi đến cuối buổi tiệc, khi tất cả đứng lên chuẩn bị ra về, tôi mới biết người Mỹ đã bố trí nhiều bảo vệ đến mức nào”.

Sao lại thế? Tôi hỏi.

Vì với sự có mặt của các nhân viên bảo vệ Tandy, rồi nhân viên bảo vệ đại sứ Mỹ và nhân viên bảo vệ do chính phủ Hà Lan cử đến, “như thể cả nhà hàng đều đứng lên đi về cùng chúng tôi – chả còn ai ở lại!” Volkert giải thích. “Chuyện hay nhất là ngài bộ trưởng y tế của bọn tôi, người duy nhất mà ai cũng biết mặt, lại hoàn toàn không có nhân viên bảo vệ. Ông ấy tự đi xe đạp đến dự tiệc!”.

Volkert kể tiếp, sau bữa tiệc, “tất cả chúng tôi đi dạo quanh quảng trường trung tâm”. Hôm đó là đêm trước Ngày Nữ hoàng1, một ngày lễ quốc gia của Hà Lan, và quảng trường đầy chật thanh niên ăn mặc rất thoải mái đang hút cần sa, rồi người đồng tính công khai hôn nhau trên phố. “Bà giám đốc DEA có nhiều nhân viên bảo vệ vây quanh đến mức họ bắt đầu va chạm với đám đông trên đường phố một cách rất hùng hổ, và đám đông bắt đầu nổi cáu. Chúng tôi phải bảo họ: ‘Bỏ qua đi, về nhà thôi’”. Đấy là tình trạng chung hiện nay khi quan chức cao cấp Mỹ muốn hòa nhập với người dân địa phương. Bỏ qua đi, về nhà thôi.

Một người bạn khác đã tham gia một vài chuyến thăm châu Âu với tư cách là nhân viên ngoại giao Mỹ tổng kết toàn bộ chuyện này như sau: “Mặt tốt là chúng ta được an toàn hơn; nhưng mặt dở là bạn không được tiếp xúc với mọi người, và vì thế rất khó được gặp gỡ với những người bình thường trong xã hội. Hậu quả là công việc của tôi không còn mấy thú vị. [Một ngày nào đó] ở Cleveland có thể cũng vậy, bạn ngồi trong nhà nhìn thế giới qua ô cửa sổ tròn bằng thủy tinh chống đạn”.

Không phải nghi ngờ rằng sẽ vẫn có hàng triệu người nước ngoài xếp hàng ở các đại sứ quán Mỹ để xin thị thực nhập cảnh cho dù chúng ta có bắt họ nộp mức phí lên đến 1.000 dollar và yêu cầu họ trình phim chụp X-quang hàm răng. Nhưng nhiều người khác, đặc biệt là thanh niên châu Âu sẽ nghĩ lại, vì họ không thích những chuyện phức tạp, nhất là việc phải lấy dấu vân tay. Roger Dow, chủ tịch kiêm CEO Hiệp hội du lịch Mỹ cho tôi biết cơ quan này ước tính cho đến năm 2007, nước Mỹ đã mất đi vài triệu khách du lịch nước ngoài, mặc dù đồng dollar liên tục mất giá, tức là nước Mỹ và mọi hàng hóa đều rẻ hơn đối với những người sử dụng đồng euro hay đồng yen. Theo Dow, “trong số các nước lớn, chỉ có Mỹ là bị suy giảm lượng du khách, một điều chưa bao giờ xảy ra trên thế giới thời hiện đại”. Tổng số lượt khách đến Mỹ làm ăn giảm 10% chỉ riêng trong giai đoạn 2004-2005, trong khi số lượt khách đến châu Âu với cùng mục đích đã tăng 8% cùng thời kỳ. Báo cáo “Khám phá hợp tác với nước Mỹ” của ngành du lịch năm 2007 đã kết luận quy trình nhập cảnh vào Mỹ “đã tạo ra bầu không khí sợ hãi và tâm trạng thất vọng, khiến cho những người muốn đi công tác và du lịch quay lưng lại với nước Mỹ, đồng thời làm tổn thương hình ảnh nước Mỹ trên thế giới”.

Dĩ nhiên vẫn cần có máy soi hiện đại ở sân bay cũng như các cơ quan lãnh sự phải được an toàn hơn. Nước Mỹ thực sự có kẻ thù. Sự kiện 11/9 là một vụ tấn công tàn bạo và đáng sợ nhằm vào thành phố New York và thủ đô. Nó đã đưa cuộc chiến nóng bỏng trên toàn cầu giữa phương Tây và phe Hồi giáo cực đoan lên một mức độ hoàn toàn mới. Và những nguy cơ mới vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện. Nước Mỹ phải đáp trả. Nhưng liệu chúng ta có hành động quá đà hay không? Có thể có. Tôi không bao giờ có thể quen được cảnh những bà già ngồi trên xe lăn bị kiểm tra bằng thiết bị dò kim loại. Nhưng vấn đề chính với tôi không phải là mức độ an ninh. Tôi không thấy máy dò kim loại hay máy soi có gì rắc rối cả. Rắc rối với tôi là chuyện người Mỹ chưa nghĩ được gì hơn cho tương lai. Tầm nhìn về nước Mỹ ngày 12/9 quá ít, còn hành động vì sự kiện 11/9 thì lại quá nhiều, và chỉ như thế mãi.

Tôi sẽ sẵn lòng đi qua năm thiết bị dò kim loại ở sân bay mỗi lần rời Washington D.C. nếu tôi biết rằng ngoài số máy móc đó còn có một chương trình vĩ đại đang được thực hiện, xứng đáng với tầm vóc nước Mỹ chứ không chỉ là “cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”. Thậm chí vào thời Chiến tranh Lạnh, khi dân Mỹ còn đang thực tập tránh bom hạt nhân dưới tầng hầm nhà trường, chúng ta đã đồng thời tìm ra cách đưa con người bay vào vũ trụ, thăm dò những biên giới mới và tạo cảm hứng cho cả một thế hệ. Người Mỹ cần, và thế giới cũng cần, nhiều hơn “một nước Mỹ chống khủng bố”. Đúng, người Mỹ không bao giờ được quên kẻ thù của mình là ai, nhưng chúng ta cũng phải nhớ mình là ai. “Chúng” là những kẻ đã gây ra tội ác 11/9. Còn “chúng ta” là những người vẫn chào mừng ngày 4/7. Đó mới là ngày lễ của đất nước này, chứ không phải ngày 11/9.
 
(còn tiếp)
Các Tin Tức Khác